Chuyện người đầy tớ không cho nén bạc sinh lợi (suy niệm Lời Chúa – thứ Tư 16/11/2016)

Dụ ngôn hôm nay (Lc 19,11-28) liên quan đến cuộc sống của chúng ta trong khi chờ đợi Chúa đến lại, nhấn mạnh một khía cạnh quan trọng của sự canh thức: đang khi chờ đợi Chúa trở lại trong cuộc quang lâm của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô có trách nhiệm làm cho các ân huệ Ngài ban cho mình sinh lợi như Chúa muốn. Đặc biệt là ơn hiểu biết Tin Mừng.

lc-19-11-28Chúa Giêsu kể: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: ‘Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến” (cc.12-13).

Các nén bạc có thể được hiểu là biểu tượng của những ân ban, những đức tính, những tài năng, những tri thức, những cơ hội phát triển… Một vài người hiểu đây là ám chỉ Tin Mừng được trao phó cho mỗi người. Nhiều người hiểu các nén bạc này là sự hiểu biết về Tin Mừng.

Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về” (c.15). Các đầy tớ lần lượt ra trước mặt ông chủ (cc.16.18.20).

Hai người đầy tớ đầu tiên đến trình ông chủ nén bạc ông đã giao cho họ và thêm vào đó là số nén bạc mà họ đã làm lợi được từ số vốn đã được giao: người thứ nhất làm lợi được 10 nén, người thứ hai 5 nén. Ông chủ khen họ là những đầy tớ tài giỏi và trung thành. Và tiếp theo những lời khen ngợi ấy, ông ban thưởng cho họ: người này cai trị 10 thành, ngươi kia cai trị 5 thành. Phần thưởng dành cho hai người đầy tớ tài giỏi và trung thành, như vậy, là lớn lao hơn hẳn những gì họ đã có thể làm ra được.

Rồi người thứ ba đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo” (cc. 20-21).

Anh đưa ra một lời bào chữa vụng về cho việc anh làm đối với nén bạc đã nhận. Anh bảo rằng anh biết ông chủ là một người cứng rắn. Anh thừa nhận sự lệ thuộc của anh đối với ông, nhưng anh không tin phục ông và càng không sẵn sàng làm theo ý ông.

Ngay từ đầu anh đã có một tương quan không đúng đối với ông. Anh bực tức vì coi sự lệ thuộc của anh vào ông chủ là một cái gì đó đáng sợ. Anh hiểu sai ý muốn và lòng tốt của ông chủ.

Khi trao nén bạc cho anh, ông chủ vốn không tìm lợi cho bằng muốn tạo điều kiện để anh thể hiện sáng kiến, tài năng và sự trung thành của anh, ngõ hầu ông có thể trao phó cho anh cơ nghiệp của ông sau khi ông nhận vương quyền. Nhưng anh lại hiểu sai rằng ông là một kẻ áp bức, rằng ông là kẻ sống trên xương máu và công sức kẻ khác, rằng ông “khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo”.

Chính vì thế, anh từ chối phục vụ và không chịu làm theo ý muốn của ông chủ.

Thực ra, anh đầy tớ thứ ba này không hề phung phí tài sản được trao phó cho anh. Anh cũng không làm mai một chút nào khối lượng tài sản đó. Vấn đề cũng không phải là anh đã làm lợi ít hơn hai người đầy tớ kia. Vấn đề là anh nhất định không làm theo ý ông chủ.

Sự giải thích sai bản chất sự việc và nỗi sợ hãi vô lối đã khiến anh ta hành động một cách vô trách nhiệm và sai trái. Anh bọc nén bạc lại và lo giữ kỹ lấy nó. Anh ta đã cất giấu một thực tại vốn tự bản chất phải sinh lợi.

Và như thế, không chỉ có một tương quan sai lạc đối với ông chủ, anh còn thực hiện một tương quan sai lạc với thực tại mà anh đã lãnh nhận: anh không cho phép thực tại đó được hiện hữu đúng với bản chất của nó.

Vì vậy, ông chủ đánh giá anh là một “đầy tớ tồi tệ” (c.22). Tất nhiên, ông không thể cho anh được chia sẻ vinh quang của ông.

Linh mục Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết