Chuyến ‘hành hương vì hòa bình’ của các Giám mục Hàn Quốc nhân kỷ niệm Chiến tranh Triều Tiên

Một Linh mục chủ sự giờ Chầu Thánh Thể tại Nhà thờ JSA ở Paju của Hàn Quốc trong chuyến viếng thăm của các Giám mục đến nhà thờ này vào ngày 6 tháng 6 (Ảnh: Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc)

Một Linh mục chủ sự giờ Chầu Thánh Thể tại Nhà thờ JSA ở Paju của Hàn Quốc trong chuyến viếng thăm của các Giám mục đến nhà thờ này vào ngày 6 tháng 6 (Ảnh: Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc)

Các Giám mục Công giáo Hàn Quốc đã đến thăm một Nhà thờ mang tính lịch sử gần biên giới Bắc Triều Tiên và cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải ở Bán đảo Triều Tiên như một phần của các sự kiện đánh dấu 70 năm ngày kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.

Tổng cộng có 18 Giám mục, 14 Giám mục đương nhiệm và 4 Giám mục đã nghỉ hưu, đã đến thăm Nhà thờ Panmunjeom (còn được gọi là Paju) tại Khu vực An ninh Chung (JSA) vào ngày 6 tháng 6, theo báo cáo của Công ty Phát thanh Hòa bình Công giáo (CPBC).

Trong chuyến viếng thăm, các Giám mục đã cử hành Thánh lễ, Chầu Thánh Thể và tham quan nhà trưng bày tài liệu cũng như những kỷ vật chiến tranh.

Cùng đi với các Giám mục có một số linh mục, nữ tu, nhân viên của Ủy ban Hòa giải Quốc gia của các Giám mục Công giáo, và các quan chức quân đội Hàn Quốc.

Sự kiện kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh là thời gian để cầu nguyện nhiều hơn cho hòa bình, sự tha thứ và tinh thần hòa giải khi căng thẳng tiếp tục leo thang giữa hai miền Triều Tiên, Đức Cha Simon Kim Joo-young Địa phận Chuncheon, Ủy ban Hòa giải Quốc gia, cho biết.

“Không phải với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Hòa giải Quốc gia hay Giáo phận Chuncheon của một Giáo phận bị chia cắt, mà là một công dân sống trên Bán đảo Triều Tiên, tôi hy vọng rằng hòa bình sẽ được thiết lập vào thời điểm này khi nguy cơ chiến tranh đang gia tăng”, Đức Cha Kim nói.

Vị Giám chức chỉ ra rằng các tín hữu Công giáo Hàn Quốc đang cử hành tháng 6 là ‘Tháng Cầu nguyện cho Tinh thần Hòa giải và Thống nhất Quốc gia’ để đánh dấu sự kiện kỷ niệm này. Giáo hội Công giáo Hàn Quốc đã chỉ định ngày 25 tháng 6 là ‘Ngày cầu nguyện cho Tinh thần Hòa giải và Thống nhất Quốc gia’ vào cuối Tuần cửu nhật kéo dài 9 ngày cầu nguyện cho hòa bình và tinh thần hòa giải.

Chuyến viếng thăm của các Giám mục đến Nhà thờ JSA có giá trị biểu tượng vì ngôi Thánh đường này được xây dựng với cảm hứng từ Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Các Thiên Thần (Ý), nơi sinh của Thánh Phanxicô Assisi, vị Tông đồ Hòa bình, Đức Cha Kim cho biết thêm.

Năm 1986, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh lịch sử vì hòa bình với các nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới tại Nhà thờ Assisi. Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh Lạnh, theo Thánh Bộ Đối thoại Liên tôn của Vatican.

Một số hội nghị thượng đỉnh về hòa bình đã được tổ chức kể từ đó. Năm 1993, cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bối cảnh của các cuộc chiến tranh ở Balkan và Trung Đông. Hội nghị thượng đỉnh 2022 đã được tổ chức sau hậu quả của vụ tấn công khủng bố vào 11 tháng 9.

Cuộc họp năm 2016, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, đã đáp lại “một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba” đang “diễn ra từng phần”.

Nhà thờ JSA được tái thiết vào năm 2019 khi ngôi nhà thờ cũ được xây dựng vào năm 1958 đã quá cũ kỹ. Đây là chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của các Giám mục kể từ khi ngôi Thánh đường này mở cửa trở lại. Người Công giáo Hàn Quốc coi đây là biểu tượng của hòa bình.

Bất chấp sự căng thẳng leo thang ở Bán đảo Triều Tiên, mọi người không nên đánh mất ước muốn hòa bình, Đức Giám mục Matthias Ri long-hoon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc, cho biết.

“Chúng ta có thể thấy đó là một cảnh bi thảm, nhưng tôi hy vọng rằng bầu khí hòa bình sẽ được tạo ra sớm nhất có thể trong khi cầu nguyện cho sự thống nhất của hai miền Triều Tiên hoặc cho tinh thần hòa giải dân tộc”, Đức Cha Ri nói.

Đức Giám mục Phêrô Lee Ki-heon của Giáo phận Uijeongbu, người mà gia đình của ngài hiện đang sống ở Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Triều Tiên, trước chiến tranh đã tưởng nhớ những gia đình bị chia cắt bởi cuộc xung đột.

“Tôi nghĩ đến cha mẹ mình. Tôi cảm thấy tiếc nhớ. Sau khi đến đây, tôi đã nghĩ rất nhiều về những gia đình ly tán”, Đức Cha Lee nói.

Hàn Quốc là một quốc gia thống nhất được cai trị bởi triều đại Joseon từ 1392-1910. Nhật Bản đã sáp nhập Triều Tiên sau khi triều đại Joseon kết thúc và chia đôi Triều Tiên sau khi Thế chiến II khép lại.

Miền Nam đứng về phía các cường quốc phương Tây và chế độ cộng sản đã tiếp quản miền Bắc với sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc

Nỗ lực thống nhất hai miền thất bại do bất đồng giữa Mỹ và Liên Xô, dẫn đến Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Trong cuộc xung đột, các lực lượng Bắc Triều Tiên đã xâm chiếm miền Nam và chỉ rút lui sau khi các lực lượng của Liên Hợp Quốc can thiệp.

Chiến tranh kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, chứ không phải hiệp ước, được ký vào ngày 27 tháng 7 năm 1954. Về mặt kỹ thuật, cả hai quốc gia vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Người ta ước tính có đến 4 triệu người đã thiệt mạng và khoảng 10 triệu người phải di tản do chiến tranh.

Cộng sản đã bắt bớ và tàn sátt gần hết các giáo sĩ Công giáo ở miền Bắc, buộc các Kitô hữu phải chạy vào miền Nam. Các Kitô hữu đã bị nhắm mục tiêu vì chế độ coi họ là cộng tác viên của phương Tây, các nguồn tin của Giáo hội cho biết.

Hòa bình và hòa giải là những ưu tiên mục vụ chính của Giáo hội Công giáo Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết