Giáo hội: cơ cấu phẩm trật và cộng đoàn đức tin
Giáo hội là một mầu nhiệm. Đã nói đến mầu nhiệm thì không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được thực tại Giáo hội. Công Đông Vaticanô II dùng nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả mầu nhiệm này. Chẳng hạn, Giáo hội là thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô; Giáo hội là bí tích phổ quát của ơn cứu độ; Giáo hội là Dân Thiên Chúa; Giáo hội là Mầu nhiệm hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người.
Khi nói về mầu nhiệm Giáo hội, thần học gia Yves Congar nhấn mạnh rằng hai yếu tố không thể không nhắc đến là cơ cấu phẩm trật và cộng đoạn đức tin. Hai yếu tố này dù có những lúc “căng thẳng” với nhau nhưng luôn song đối và bổ trợ cho nhau để làm nên mầu nhiệm Giáo hội hữu hình. Thần học gia này đã mượn phép loại suy về mầu nhiêm Chúa Kitô để diễn giải về mầu nhiệm Giáo hội được nhìn dưới hai yêu tố quan trọng: cơ cấu phẩm trật và cộng đoàn đức tin. Ngài gợi nhắc rằng làm nên mầu nhiệm Chúa Kitô là bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại; nếu ta chỉ biết Đức Kitô là Thiên Chúa thôi thì ta hiểu sai về Ngài; nếu ta cũng chỉ biết đến Ngài là con người thôi, thì ta cũng hiểu không đúng mầu nhiệm về Ngài. Nói một cách loại suy về mầu nhiệm Giáo hội, Congar nhấn mạnh: Nếu chỉ biết đến Giáo hội là cơ cấu phẩm trật thôi thì sẽ dẫn đến cách hiểu sai lệch về mầu nhiệm Giáo hội. Ngược lại, nếu chỉ biết đến Giáo hội duy là cộng đoàn đức tin thôi, thì cũng làm sai lệch mầu nhiệm Giáo hội.
Nhân Tin mừng những Chúa Nhật Phục Sinh năm C thường nói đến hình ảnh ông Phêrô và người môn đệ Chúa thương mến, xin được gợi nhắc ở đây những biện giải của thần học gia Hans Urs von Balthasar về mầu nhiệm Giáo hội được nhìn dưới khía cạnh là cơ cấu phậm trật và cộng đoàn đức tin.
Thần học gia Hans Urs von Balthasar: Giáo hội phẩm trật và Giáo hội tình yêu
Đề cập đến đoạn Tin mừng nói về hai người môn đệ chạy ra mộ vào buổi sáng sớm ngày phục sinh, Balthasar gợi ý rằng hình ảnh Phêrô đại diện cho Giáo hội cơ cấu phẩm trật, còn hình ảnh người môn đệ Chúa yêu mến đại diện cho Giáo hội cộng đoàn yêu thương. Theo thần học gia này, yếu tố cơ cấu phẩm trật và yếu tố cộng đoàn yêu thương là hai yếu tố hỗ tương làm nên mầu nhiệm Giáo hội duy nhất, chân thật.[1]
Buổi sáng sớm ngày Chúa Nhật Phục Sinh cả người môn đệ Chúa yêu mến và Phêrô cùng chạy ra mộ, nhưng, Balthasar lưu ý, “cộng đoàn yêu thương” vì không vướng bận nhiều chuyện nên chạy nhanh hơn, còn “cơ cấu phẩm trật” do có nhiều chuyện phải cân nhắc nên chạy chậm hơn. Tuy “cộng đoàn yêu thương” chạy đến mộ trước, nhưng lại nhường phần vào trong mộ trước nhất cho “cơ cấu phẩm trật”. “Chức vụ” với vai trò phải “cân nhắc mọi sự” đã duyệt xét tất cả những bằng chứng liên quan đến đức tin. Sau khi để cho “cơ cấu phẩm trật” kiếm chứng xong, thì “cộng đoàn yêu thương” mới bước vào trong mộ và bày tỏ sự đồng thuận của mình với “cơ cấu phẩm trật” về các bằng chứng liên quan đến đức tin. Balthasar bình luận thêm rằng: “Đoạn Tin mừng này phản ánh hai chiều kích căn bản nhất của Giáo hội: Giáo hội cơ cấu phẩm trật và Giáo hội cộng đoàn yêu thương. Đoạn Tin mừng này cũng phản ánh sự song đối có tính cách hài hòa giữa hai chiều kích của Giáo hội: “cơ cấu phẩm trật” thực hiện vai trò của mình vì ‘cộng đoàn yêu thương’, còn ‘cộng đoàn yêu thương’ thì tôn trọng và phải nhường bước cho ‘cơ cấu phẩm trật.’”[2]
Cũng suy tư về mầu nhiệm Giáo hội dựa vào Tin mừng Gioan, Balthasar nhắc đến đoạn Tin mừng nói về việc các môn đệ gặp Đấng Phục Sinh nơi bờ biển để phân tích tính cách hài hòa, hỗ tương nhưng đôi khi có chút căng thẳng giữa yếu tố cơ cấu phẩm trật và yếu tố cộng đoàn của Giáo hội. Balthasar bảo rằng chính Phêrô – “cơ cấu phẩm trật” là người khởi xướng chuyện đi đánh cá; tuy nhiên, việc đánh bắt cá cả đêm của các ông đã thất bại vì không có Chúa. Chỉ đến khi các ông nghe theo chỉ dẫn của Đấng Phục Sinh thì buổi đánh bắt cá mới có kết quả. Ở điểm này, Balthasar gợi nhắc đến sự vâng phục của Giáo hội đối với các dấu chỉ của Chúa. Thần học gia bình luận thêm rằng ngang qua các dấu chỉ về mẻ cá lớn đánh bắt được, “cộng đoàn yêu thương” liền nhận ra ngay Đấng Phục Sinh, trong khi “cơ cấu phẩm trật” vẫn chưa nhận ra. Và cũng ngay lập tức “cộng đoàn” nhắc cho “cơ cấu” biết sự hiện của Đấng Phục Sinh ở giữa các ông. Với sự nhắc bảo của “cộng đoàn yêu thương,” cơ cấu phẩm trật đã mau mắn làm tất cả những gì có thể để gặp được Đấng Phục Sinh và nghe theo sự chỉ dẫn của Đấng Phục Sinh. Cơ cấu phẩm trật ngay lập tức “mặc áo” vào để sẵn sàng phục vụ theo sự hướng dẫn của Đấng Phục Sinh.
Cũng ở đoạn Tin mừng này, Balthasar bình luận thêm về lời ngỏ của Đấng Phục Sinh đối với “cơ cấu phẩm trật”: “Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy!” Ở điểm này, Balthasar nêu thắc mắc về việc tại sao Đấng Phục Sinh phải hỏi “cơ cấu” đến ba lần: “Phêrô con có yêu mến Thầy không?” Lần thứ nhất Chúa Phục Sinh đòi buộc Phêrô chọn gắn kết duy nhất với Ngài, chứ không phải bất cứ thực tại trần gian nào khác. Lần thứ hai Chúa Phục Sinh đòi buộc xác tín vào sự gắn kết như thế một cách dứt khoát. Lần thứ ba Chúa Phục Sinh mời gọi đi vào tương quan tình bạn nghĩa thiết với Ngài, một tình bạn mà ở đó Phêrô sẽ mang lấy tâm tư, sứ mạng của Đấng Phục Sinh, Đấng sẵn sàng hiến mạng vì nhân loại (Động từ được sử dụng ở lần thứ ba là phileo, chứ không phải agapao! Trong Tin mừng Gioan, khi nói đến tương quan nghĩa thiết giữa Chúa Giêsu và các môn đệ thì động từ được dùng luôn là động từ phileo).
Riêng với người môn đệ Chúa yêu mến, Đấng Phục Sinh không đặt ra câu hỏi đó, nghĩa là Đấng Phục Sinh không hề có bất kỳ sự nghi vấn nào về “cộng đoàn yêu thương.” Nói cách khác, cộng đoàn đức tin đã thực sự đi vào tương quan tình bạn nghĩa thiết với Chúa Giêsu rồi, đã sẵn sàng trong tư thế “hiến mạng sống mình vì bạn hữu mình”.
Balthasar lưu ý thêm về đoạn Tin mừng này rằng tình yêu của người môn đệ Chúa yêu mến đã được chuyển trao cho Phêrô để tình yêu ấy được nhân rộng cho cả đoàn chiên. “Sự duy nhất giữa ‘cộng đoàn yêu thương và ‘cơ cấu phẩm trật,’ do đó, đã được đóng ấn nơi Phêrô.”[3]
Tuy nhiên, trình thuật Tin mừng kết thúc với lời hỏi của Phêrô về “cộng đoàn yêu thương”: “Còn người kia thì sao?” Đấng Phục Sinh nói với ông: “Chuyện đó thì liên quan gì đến anh.” Balthasar bình luận rằng lời đáp này của Đấng Phục Sinh cho thấy “tự do của Chúa trước quyền bính Giáo hội.”[4] Điều mà “cơ cấu phẩm trật” cần phải làm ấy là “Phêrô hãy yêu mến; ‘cơ cấu’ hãy yêu mến càng nhiều càng tốt để có thể điều hành Giáo hội trong lòng yêu mến Chúa.”[5]
Nhìn vào chút căng thẳng trong Giáo hội hiện nay
Ở trên là những suy tư sâu sắc của thần học gia Hans Urs von Balthasar về sự song đối, hỗ hương và đôi lúc có chút “căng thẳng” giữa hai yêu tố thiết yếu của Giáo hội, đó là cơ cấu phẩm trật và cộng đoàn đức tin. Nhìn vào nội tình Giáo hội hiện tại, ta cũng thấy rõ chút “trương lực” này. Là những người con cái trong Giáo hội, không phải là ta chỉ biết than phiền về sự “chậm trễ” của “cơ cấu phẩm trật” trước những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc, mà trên hết với vai trò là “cộng đoàn yêu thương” của mình, ta được mời gọi ở trong sự khiêm hạ của mình để “nhắc” cho “cơ cấu phẩm trật” thấy rõ hơn dấu chỉ của Đấng Phục Sinh và nhờ vậy “cơ cấu phẩm trật” được soi sáng để thi hành mệnh lệnh của Đấng Phục Sinh. Và dĩ nhiên trong bối cảnh thế giới ngày nay, “cơ cấu phẩm trật” đang được mong chờ tiếp nhận sự gợi nhắc của “cộng đoàn yêu thương” để có thể điều hành tốt Giáo hội Tình Yêu của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, CSsR.
[1] Hans Urs von Balthasar, “Official Church and Church of Love (According to the Gospel of John)” in The Balthasar Reader, ed. Medard Kehl and Werner Loser (New York: Crossroad, 1997), 266-267
[2] Ibid., 276.
[3] Ibid., 277.
[4] Ibid.
[5] Ibid.