ĐTC Phanxicô đã đưa ra chương trình nghị sự cả về lĩnh vực mục vụ và cá nhân cho chuyến viếng thăm tới châu Á, nơi mà Ngài sẽ đưa ra lời kêu gọi đối với việc giải trừ hạt nhân toàn cầu tại các địa điểm sở hữu bom nguyên tử và viếng thăm mục vụ hai cộng đồng Công giáo nhỏ bé vốn đã phải chịu đựng thời kỳ bách hại dữ dội. Việc nhấn mạnh phẩm giá của sự sống cũng nằm trong danh sách những việc cần làm của ĐTC Phanxicô cho chuyến viếng thăm tới Thái Lan và Nhật Bản bắt đầu vào thứ Tư, do tai họa của nạn buôn người ở Thái Lan và việc sử dụng hình phạt tử hình của Nhật Bản và tỷ lệ tự sát ở mức cao.

ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô tại Vatican, Chúa nhật, ngày 17 tháng 11 năm 2019 (Ảnh: AP Photo / Alessandra Tarantino)
VATICAN – ĐTC Phanxicô đã đưa ra chương trình nghị sự cả về lĩnh vực mục vụ và cá nhân cho chuyến viếng thăm tới châu Á, nơi mà Ngài sẽ đưa ra lời kêu gọi đối với việc giải trừ hạt nhân toàn cầu tại các địa điểm sở hữu bom nguyên tử và viếng thăm mục vụ hai cộng đồng Công giáo nhỏ bé vốn đã phải chịu đựng thời kỳ bách hại dữ dội.
Việc nhấn mạnh phẩm giá của sự sống cũng nằm trong danh sách những việc cần làm của ĐTC Phanxicô cho chuyến viếng thăm tới Thái Lan và Nhật Bản bắt đầu vào thứ Tư, do tai họa của nạn buôn người ở Thái Lan và việc sử dụng hình phạt tử hình của Nhật Bản và tỷ lệ tự sát ở mức cao.
Khi còn là một tu sĩ dòng Tên, ĐTC Phanxicô đã mơ ước trở thành một nhà truyền giáo ở Nhật Bản, được truyền cảm hứng bởi sự can đảm của cộng đồng Kitô hữu hầm trú tại Nhật Bản, những người đã can trường trong suốt hai thế kỷ đàn áp Kitô giáo để giữ cho đức tin của họ tồn tại.
Theo cách nào đó, đây chính là việc hoàn thành mơ ước của ĐTC Phanxicô, theo Linh mục Bernardo Cervellera, biên tập viên của tờ AsiaNews, một hãng tin trực thuộc Vatican.
Tại Thái Lan, ĐTC Phanxicô cũng sẽ được đoàn tụ với người chị họ thứ hai của mình, Sơ Ana Rose Sivori, một nữ tu người Argentina sống ở Thái Lan từ năm 1966 và sẽ phục vụ với tư cách là dịch giả chính thức của ĐTC Phanxicô trong chuyến Tông du này.
Dưới đây là một số điểm nổi bật của chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô, chuyến Tông du thứ tư của Ngài đến châu Á và cũng có thể đề cập đến mối quan hệ tế nhị của Vatican với Trung Quốc:
Các vị Anh hùng Tử đạo và các Nhà Thừa sai Châu Á
Một trong những điểm nổi bật của chuyến Tông du sắp tới sẽ chính là lời cầu nguyện của ĐTC Phanxicô tại đài tưởng niệm 26 vị Anh hùng Tử đạo Nagasaki, những người đã bị treo trên thập giá vào năm 1597 khi bắt đầu làn sóng đàn áp chống Kitô giáo kéo dài hai thế kỷ bởi các nhà cầm quyền Nhật Bản.
Các Tu sĩ Dòng Tên, Dòng của ĐTC Phanxicô, đã giới thiệu Kitô giáo đến Nhật Bản với sự xuất hiện của Thánh Phanxicô Xaviê trên quần đảo vào năm 1549. Sau khi thực hiện công cuộc truyền giáo và khiến hơn một phần tư triệu người Nhật trở lại đạo Công giáo, các nhà truyền giáo đã bị cấm hoạt động vào đầu thế kỷ 17. Các Kitô hữu Nhật Bản đã bị buộc phải từ bỏ đức tin của họ, chịu đựng những cái chết nhục hình hoặc phải sống đức tin lén lút.
ĐTC Phanxicô sẽ chào đón hậu duệ của những Kitô hầm trú này, mà những câu chuyện của họ đã được tường thuật lại trong bộ phim “Silence” (Sự im lặng) năm 2016 của đạo diễn Martin Scorsese.
ĐTC Phanxicô cũng sẽ tôn vinh các vị tử đạo thời Thế chiến thứ II của Thái Lan, những người từng là nạn nhân của cuộc đàn áp chống Kitô giáo của nhà cầm quyền Thái Lan, những người coi Kitô giáo như là những kẻ ngoại bang và gắn liền với các cường quốc thực dân Pháp. ĐTC Phanxicô sẽ cầu nguyện tại Đền thờ dâng kính vị Linh mục tử đạo tiên khởi của Thái Lan, Linh mục Nicolas Bunkerd Kitbamrung, người đã được tôn phong Chân Phước vào năm 2000.
ĐTC Phanxicô nói không với vũ khí hạt nhân
ĐTC Phanxicô đã đi xa hơn bất kỳ vị Giáo hoàng nào khác bằng cách nhấn mạnh rằng không chỉ việc sử dụng, mà việc sở hữu vũ khí hạt nhân đơn thuần “phải bị phải lên án một cách mạnh mẽ”. Các Giám mục Nhật Bản đang hy vọng rằng Ngài sẽ tiến xa hơn và đồng thời đưa ra lời kêu gọi cấm lương lượng hạt nhân.
ĐTC Phanxicô có thể sẽ lặp lại lời kêu gọi của mình đối với lệnh cấm hoàn toàn đối với bom nguyên tử khi đến thăm Nagasaki và Hiroshima, gặp gỡ các nạn nhân sống sót sau các vụ đánh bom năm 1945 cũng như các nạn nhân của thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 ở miền bắc Nhật Bản.
Một trận động đất mạnh 9 độ richter ngoài khơi đã gây ra một cơn sóng thần vốn làm mất điện các hệ thống làm mát tại nhà máy hạt nhân Fukushima, khiến cho hơn 100.000 người bị buộc phải di tản và đồng thời phủ lên khu vực này với các chất thải phóng xạ. Đáp lại, năm 2016, các Giám mục Nhật Bản kêu gọi việc bãi bỏ năng lượng hạt nhân để bảo vệ “ngôi nhà chung của chúng ta”.
“Chúng ta chỉ có thể hy vọng” ĐTC Phanxicô sẽ nói về năng lượng hạt nhân, với việc thường xuyên khuyến khích việc chăm sóc môi trường, Đức Giám mục Michael Goro Matsuura Địa phận Nagoya nói.
Cộng đồng Công giáo thiểu số và vấn đề đối thoại liên tôn
Người Công giáo chỉ chiếm 0,59% dân số 65 triệu người của Thái Lan, hầu hết là người theo đạo Phật. Tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn ở Nhật Bản – ước tính 0,42% tổng dân số 126 triệu người chủ yếu theo Thần đạo và Phật giáo.
Do đó, ĐTC Phanxicô sẽ nhấn mạnh các mối quan hệ liên tôn và vai trò tích cực của người Công giáo trong hầu hết các xã hội Phật giáo, “đặc biệt là trong việc phục vụ người nghèo, những người thiếu thốn cần được giúp đỡ và hòa bình”, ĐTC Phanxicô chia sẻ trong một thông điệp video gửi người dân Thái Lan.
ĐTC Phanxicô về Sự sống và Án tử hình
ĐTC Phanxicô đã biến cuộc chiến chống buôn người trở thành một cột mốc quan trọng trong Triều đại Giáo hoàng của mình, một thông điệp có khả năng gây tiếng vang ở Thái Lan, mà LHQ coi như là điểm đến của nạn buôn người cũng như là nguồn lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục.
Ở Nhật Bản, các tín hữu Công giáo hy vọng rằng ĐTC Phanxicô sẽ gửi một thông điệp phản đối án tử hình, và có lẽ sẽ gặp một cựu võ sĩ quyền anh và nhà hoạt động nhân quyền bị giam giữ trong gần năm thập kỷ chờ thụ án tử hình.
Vatican đã xác nhận rằng Iwao Hakamada, người đã trở lại đạo sang Công giáo khi ở trong tù, đã được mời tham dự Thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành tại Tokyo, nhưng không rõ liệu ông có tham dự sự kiện hay không. Hakamada đang chờ phán quyết của Tòa án Tối cao sau khi được trả tự do khi phán quyết của ông bị lật lại ở tòa án cấp dưới.
Tomoki Yanagawa, người làm việc tại Trung tâm Xã hội Dòng Tên ở Tokyo, cho biết một tuyên bố của ĐTC Phanxicô về án tử hình sẽ giúp nâng cao nhận thức ở Nhật Bản.
“Tôi hy vọng ĐTC Phanxicô sẽ nói về sự quý giá của sự sống và đồng thời tố cáo những thứ hạ thấp phẩm giá của sự sống”, ông Yanagawa nói.
ĐTC Phanxicô đã thay đổi Giáo huấn Công giáo vào năm ngoái bằng cách tuyên bố rằng án tử hình là “không thể chấp nhận được” trong mọi tường hợp. ĐTC Phanxicô cũng đã tố cáo “văn hóa thải loại” ngày hôm nay, mà trong đó vấn đề an tử, phá thai và tự tử thường được coi là “có thể chấp nhận” – một thông điệp có thể gây tiếng vang ở Nhật Bản, nơi có tỷ lệ tự tử cao nhất trong thế giới phát triển.
Mối quan hệ Vatican – Trung Quốc
Khi ĐTC Phanxicô di chuyển từ Bangkok đến Tokyo vào thứ Bảy tuần sau, Ngài sẽ bay qua không phận Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông – và đồng thời sẽ gửi điện tín cho các nhà lãnh đạo của họ như một phần của nghi thức ngoại giao Giáo hoàng đặc trưng.
Điều đó có thể mang đến cho ĐTC Phanxicô một cơ hội hiếm có để giải quyết không chỉ các cuộc biểu tình dân chủ hiện tại ở Hồng Kông, mà còn cả các mối quan hệ tế nhị của Vatican với Bắc Kinh. Đây sẽ là cơ hội đầu tiên như vậy sau thỏa thuận được ký kết vào năm ngoái với Trung Quốc về việc đề cử các giám mục Công giáo. Hiệp ước nhằm mục đích hợp nhất các tín hữu Công giáo Trung Quốc, những người hiện đang bị chia rẽ giữa Giáo hội hầm trú và Giáo hội chính thức.
Thỏa thuận này đã được Vatican ca ngợi như là một cột mốc quan trọng, nhưng các nhà phê bình đã chỉ ra việc đàn áp tiếp tục xảy ra đối với các vị Giám chức thuộc cộng đồng hầm trú, bao gồm một báo cáo của AsiaNews vào tuần trước rằng Đức Gám mục hầm trú của Địa phận Mân Đông đã bị các nhân viên an ninh Trung Quốc săn lùng ráo riết. Đức Cha Vinh Sơn Quách Tích Kim (Vincenzo Guo Xijn) đã từ nhiệm để cho phép một Giám mục chính thức được bổ nhiệm Giám mục Chính Tòa như một phần của thỏa thuận Vatican năm 2018 với Trung Quốc.
Kageyama đưa tin từ Tokyo.
Minh Tuệ (theo Crux)