“Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Thứ Ba tuần thứ 32 Thường Niên: Lc 17, 7-10
Những lời dạy của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng này được dành cho ai? Về mặt lịch sử, có lẽ những lời này đã được Chúa Giêsu nói cho đám đông dân chúng và nhất là cho hàng lãnh đạo Do Thái giáo. Khi ghi lại những lời này trong sách tin mừng, có lẽ Thánh Luca muốn nhắm nói trước hết là cho các vị có trách nhiệm trong Hội Thánh và sau đó là mọi tín hữu.
Không phải chuyện “hòn đất ném đi hòn chì ném lại”
Để hiểu đúng bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần chú ý đến một loại não trạng khá phổ biến đượng thời (và cũng khá phổ biến hiện nay nữa). Theo đó, những công việc tốt lành và những sự chuyên chăm tuân giữ Lề Luật được coi là những công phúc đến đỗi có thể làm cho người ta có những quyền này quyền khác khi đối diện với Thiên Chúa. Từ não trạng đó, nảy sinh một cách thực hành tôn giáo theo hướng xây dựng những tương quan kiểu do ut des đối với Thiên Chúa, làm như thể Thiên Chúa bị buộc phải đáp trả xứng đáng cho sự việc người ta vâng giữ lề luật của Người.
Đối diện với não trạng đó, Chúa Giêsu muốn một đàng nhấn mạnh quyền chủ tể tuyệt đối tự do của Thiên Chúa và đàng khác, phản đối thái độ sai lầm của những người tưởng rằng mình có thể dựa vào đời sống ngay lành của mình mà yêu sách này nọ trước Nhan Thiên Chúa.
Vì thế, sẽ là sai lầm lớn nếu chúng ta đi tìm trong lời dạy này của Chúa Giêsu một nhận định về tính chất luân lý của cách hành xử của ông chủ trong ví dụ được sử dụng.
Khi sử dụng hình ảnh so sánh là một hiện tượng xã hội được coi là bình thường đương thời về mối tương quan chủ – tớ, Chúa Giêsu không có chủ ý đưa ra một nhận định về tính chất luân lý của hiện tượng xã hội đó.
Ngài không muốn nói rằng tương quan giữa Thiên Chúa và con người là tương quan chủ – tớ như người ta có thể thấy trong xã hội đương thời, hoặc rằng Thiên Chúa là một ông chủ khó tính chẳng đếm xỉa gì đến những công phúc mà con người phải cố gắng thực hiện, hoặc rằng những hành động của con người, những sự tuân giữ lề luật và những sự tuân phục của con người đối với thánh ý Thiên Chúa thật ra chẳng có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa…
Điều mà Chúa Giêsu muốn dạy ở đây là
(1) Thiên Chúa có quyền tối thượng và sự tự do tuyệt đối trong tương quan với con người,
(2) con người hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa, chứ không thể tự tại nơi mình và nơi những gì mình thực hiện được, cho dù những điều đó tốt lành đến mấy đi nữa.
Điều sai lầm cần tránh là não trạng mang tính “con buôn” do ut des trong tương quan với Thiên Chúa. Người ta không thể dựa vào những điều tốt lành mình thực hiện mà tưởng rằng mình có quyền đòi hỏi Thiên Chúa phải thực hiện điều này điều kia cho mình, theo kiểu hòn đất đã được ném đi thì hòn chì phải được ném lại! Thiên Chúa yêu thương chúng ta và trân trọng mọi nỗ lực (cho dù rất nhỏ bé) của chúng ta, nhưng Người đồng thời cũng tuyệt đối tự do trong tư cách là Đức Chúa. Vì thế, Người không bị bắt buộc phải hành xử tùy theo những yêu sách của chúng ta.
Đầy tớ vô dụng
Và từ đó, Chúa đưa ra kết luận: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, anh em hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (c.10).
Tính từ akhrêiôs (vô dụng) có vẻ không phù hợp lắm với dụ ngôn được nói ở cc.7-9, bởi lẽ trong thực tế, người đầy tớ trong dụ ngôn không phải là người vô dụng đối với ông chủ.
Vì thế, các nhà nghiên cứu hiểu khác nhau về tính từ này.
Theo một số người, akhrêiôs ở đây có nghĩa là “không cần thiết”, và “đầy tớ vô dụng” tức là người đầy tớ không nhất thiết phải có. Anh ta không phải là người không thể thiếu.
Theo một số học giả khác, akhrêiôs là “không xứng đáng”, và như thế, sau khi thực hiện nhiệm vụ của mình, người đồ đệ không được tự coi mình là đương nhiên xứng đáng hưởng lòng nhân lành của Thiên Chúa. Như trên đã nói, cách hiểu này có giá trị hơn cách hiểu thứ nhất.
Dù theo cách hiểu nào, thì vấn đề vẫn không phải là phủ nhận tính hữu dụng của những gì người đầy tớ đã làm đối với ông chủ. Điều quan trọng là thái độ khiêm tốn và không tính toán của người đồ đệ. Anh hoàn toàn tín thác vào lòng nhân lành của Thiên Chúa và sống khiêm hạ trong tay Người.
Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện CSsR