Từ một cộng đoàn chỉ có 900 tín hữu Công giáo vào năm 1979, đến nay giáo phận Miao đã có 90 ngàn tín hữu, chiếm gần 20% dân số trong vùng.
Trong khi nhiều Giám mục lên chương trình cẩn thận để hướng dẫn và điều hành giáo phận của họ, thì đức cha George Pallipparambil thì khác. Đối với ngài, kế hoạch được Thiên Chúa thực hiện, còn công việc của ngài là lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa.
Những năm đầu
Giáo phận Miao nằm dọc biên giới Trung quốc, thuộc bang Arunachal Pradesh ở miền đông bắc Ấn độ. Cho đến gần đây, nơi này vẫn được xem như là một vị trí xa xôi cách trở, hầu như không thể đến được. Giáo phận được thành lập từ năm 2005 nhưng đức cha George đã chăm sóc đoàn chiên từ gần 4 thập niên, từ khi cộng đoàn chỉ có 900 tín hữu Công giáo vào năm 1979, đến 90 ngàn tín hữu ngày nay, chiếm gần 20% dân số trong vùng. Khi cha George đến đây, cha không có kế hoạch, không có nhà thờ, không có nhà xứ. Nhưng Thiên Chúa đã làm tất cả.
40 năm trước, Miao vẫn còn do quân đội Ấn điều hành như một tiểu bang trực thuộc tiểu bang. Dân số phần lớn là các bộ tộc người Mông cổ và họ thường xung đột với nhau. Cơ duyên đến với Miao của cha George cũng không nằm trong kế hoạch của cha. Từ Kerala, một bang ở miền nam Ấn độ, cha giúp đỡ lập một trường học cho các trẻ em bộ tộc từ miền bắc di cư xuống miền nam. Khi các học sinh này trở về lại quê nhà trong một tình trạng hoàn toàn khác: họ được nuôi nấng đầy đủ, biết đọc biết viết, và biết Chúa Kitô, những vị bô trưởng của các bộ lạc nhờ các học sinh trở lại trường nhắn tin cho cha George. Các trẻ em học thuộc tin nhắn và lập lại với cha: Thưa cha George, xin đến với chúng tôi và nói cho chúng tôi biết hơn nữa về Chúa Giêsu, Đấng đã làm nhiều điều cho các con em của chúng tôi.” Thế là vào năm 1979, cha George đã lên đường đến miền bắc Ấn độ và ở lại đó cho đến bây giờ.
5 năm đầu, cha George gặp nhiều thử thách. Các linh mục bị cấm ở vùng này cũng như việc rao giảng Tin mừng. Một ngày vào dịp lễ Giáng sinh năm 1980, cha cùng với một người đàn ông, đi bộ từ làng này sang làng khác, rao giảng Tin mừng, và cha đã bị bắt và giam trong một trại cảnh sát. Khi tin cha bị bắt loan đến ngôi làng gần đó, mấy trăm giáo dân đã cầm gươm và đuốc kéo đến đồn cảnh sát. Vị tộc trưởng đã yêu cầu trưởng đồn cảnh sát trả lại cho họ vị linh mục. Cuối cùng, nửa đêm hôm đó, cha đã được trả về cứ điểm truyền giáo.
Tự do trong Tin mừng
Cha George nhận thấy người dân rất khao khát Tin mừng. Đối với họ, Tin mừng là điều rất ý nghĩa; Tin mừng mang cho họ tự do theo nghĩa rộng, nhưng đặc biệt cho họ phẩm giá mà họ chưa từng biết trước đây. Dù là cải đạo sang Kito giao là điều bị cấm ở Án độ, nhưng đối với cha George, cải đạo ở Ân độ được hiểu như là một sự chuyển đổi tự nhiên, như một đứa trẻ lớn lên trong một thứ tôn giáo sơ khai và rồi tìm được điều gì đó tốt hơn.
Người dân ở vùng này phần lớn đều biết đến thứ tôn giáo vật linh và họ “bị nô lê” bởi việc thực hành tôn giáo tự nhiên này. Nghi lễ tôn giáo duy nhất mà dân làng biết đến là nghi thức sát tế thú vật và việc hiến tế này khiến cho họ trở nên nghèo hơn. Kitô giáo, sự tự do của Tin mừng cũng là một giải phóng kinh tế cho người dân ở đây. Kitô giáo đưa các cộng đoàn đến với y tế, giáo dục, tất cả những điều mà trước đây đơn giản là họ không thể có. Phát triển xã hội và loan báo Tin mừng đi song song với nhau.
Đức cha George chia sẻ: “Chúng tôi không bao giờ nhắm đến viêc nhét Tin mừng vào miệng bất cứ ai. Mục đích đầu tiên của chúng tôi là giúp đỡ họ, bất cứ điều gì họ cần, như giáo dục, y tế, bất cứ điều gì. Đây là những công việc chúng tôi làm, nhưng họ đã hiểu. Họ nhìn thấy chúng tôi ở đây, sống với họ, ở lại với họ, họ nhìn thấy các chứng nhân. Đón nhận Tin mừng là kết quả của công việc yêu thường, trao tặng cách tự do, của chúng tôi.”
Đức cha chia sẻ rằng nhân phẩm là chìa khóa mở cánh cửa thay đổi. Dù trong 30 năm qua, Đức cha đã thành lập 40 trường học trong vùng, nhưng sự tăng trưởng hàng trăm lần của đoàn chiên không phải là nhờ con số ít các trường học này. Thành quả đạt được mà không có một kế hoạch “Kitô hóa” dân chúng thì như thế chỉ có thể là sự can thiệp thật sự và trực tiếp của Chúa Thánh Thần trong đời sống người dân, chứ không phải là sự can thiệp của Đức cha hay những người loan báo Tin mừng. Trong khi sự phát triển của cộng đồng giáo hội địa phương được thấy rõ thì đối với đức cha George, điều quan trọng hơn, chính là ảnh hưởng của nó trên cộng đồng dân chúng địa phương.
Phẩm giá người nữ
Một trong những điều Kitô giáo mang đến các cộng đồng bộ tộc chính là việc thăng tiến phụ nữ. Trong xã hội bộ tộc ở đây, phụ nữ chăm lo việc gia đình và con cái. Chế độ đa thê là điều bình thường tại nhiều nơi, và việc các cô dâu trẻ em hoặc việc bán các con gái trong những cuộc hôn nhân cũng là điều bình thường. Nhưng hiện nay điều này không còn tồn tại nữa. Và điều này cũng là kết quả từ các gương lành và chứng tá của các Kitô hữu, chứ không phải là do người dân bị ép buộc. Đức cha kể: “Chúng tôi không chống trực tiếp lại các thói tục này hay nói đi nói lại với họ rằng những điều này là sai. Thay vào đó, chúng tôi bắt đầu giáo dục các thiếu nữ, tổ chức các khóa huấn luyện các em, dạy cho các em đọc chữ và nghề nghiệp cho các phụ nữ trẻ.”
Khi những thanh niên trẻ rời đi nơi khác để tìm việc làm hoặc học hành thì những phụ nữ ở lại và trở thành những người lãnh đạo trong làng, được các nhóm phụ nữ Công giáo trợ giúp phát triển cộng đoàn và đời sống chung, mà trước đó họ hoàn toàn cậy dựa nơi người nam. Đó là một điều nhỏ bé nhưng đã thay đổi hoàn toàn thế giới của những phụ nữ này. Ngày nay các người nữ chọn người chồng của mình; họ quan tâm đến việc chọn một Kitô hữu hoặc một người sẽ trở thành Kitô hữu. Hôn nhân Kitô giáo là hôn nhân bình đẳng dựa trên tình yêu. Điều này đã được thay đổi nơi các bộ tộc và ngày nay nó đã trải rộng khắp bang Arunachal Pradesh.
Ơn gọi nên thánh và ơn gọi truyền giáo
Tin mừng được loan báo không chỉ đưa đến những thay đổi về kinh tế và xã hội nhưng còn về các ơn gọi. Khi giáo phận được thành lập vào năm 2005, và đức cha George được bổ làm giám mục tiên khởi, thì tiểu chủng viện cũng được thành lập. Đồng thời, nhiều thiếu nữ được giáo dục bởi Giáo hội cũng chọn đời sống tu trì. Giáo phận dấn thân vào việc loan báo Tin mừng và các chủng sinh được huấn luyện trong tinh thần này. Cha mẹ họ là những giáo dân truyền giáo, đã đưa Giáo hội đến đây và gieo trồng Giáo hội, đau khổ vì Giáo hội. Những ngày đầu, khi các thừa sai không được phép đến các làng truyền giáo thì chính các dân làng, rồi đến con cái họ, các học sinh, là những người làm tất cả. Họ giảng đạo, hoán cải người dân, rửa tội, tập họp dân chúng mỗi tuần và cầu nguyện, đọc Tin mừng và hát thánh ca với nhau.
Ngày nay giáo phận có 28 linh mục, với 68 tu sĩ. Họ phục vụ 90 ngàn tín hữu trong giáo phận có diện tích 17 ngàn dặm, mà đa phần không thể đi xe đến được. Người dân ở đây không để cho các linh mục làm hết mà tất cả họ đều phải mang tin mừng. Các linh mục giải tội và cử hành Thánh lễ nhưng các giáo dân là người loan báo Tin mừng.
Hồng Thủy – Vatican