Nỗi đau khổ của các Kitô hữu ở Idlib thì vô cùng, sự sợ hãi của họ thì cùng cực. Nhưng không gì có thể ngăn cản họ sống và làm chứng về đức tin của họ. Họ nói với những kẻ cực đoan: “Chúng tôi sẽ vẫn là Kitô hữu cho đến khi chết.”
Idlib là tỉnh cuối cùng của Siria vẫn bị kiểm soát bởi nhiều nhóm kháng chiến và thánh chiến. Hơn 1000 Kitô hữu, nếu không có sự hỗ trợ của cha Hanna Jallouf và Luai Bsharat dòng Phanxicô, thì đã bị chết vì đói và tuyệt vọng. Bị dọa giết, bị tước đoạt nhà cửa và đất đai, chỉ được phép cử hành phụng vụ với những hạn chế nghiêm ngặt, hai cha dòng Phanxicô thuộc phó tỉnh dòng tại thánh địa đã cố gắng hết sức bao nhiêu có thể để đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của các tín hữu. Các cha là tiếng nói của họ trong các làng Knayeh, Yacoubieh và Gidaideh, nơi các Giáo hội Latinh, Chính thống Armenia và Chính thống Hy Lạp sống trong nỗi sợ hãi bị bắt cóc hoặc xử tử tập thể.
Nơi này, không xa biên giới Thổ nhĩ kỳ bao nhiêu, có 2,5 triệu dân Syria – phần lớn là người tản cư – bị bao quanh bởi cả chục ngàn các chiến binh của nhóm Hayat Tahrir al-Sham, một nhóm thánh chiến kết nối với Al-Qaida, kiên quyết không đầu hàng lực lượng chính quy của Siria và các đồng minh Nga và Iran của Siria. Trong những ngày này, một cuộc tấn công nhắm tái chiếm thành trì của quân đội thánh chiến Hồi giáo, đã được ngăn chặn sau một thỏa thuận giữa tổng thống Vladimir Putin của Nga và nhà lãnh đạo của Thổ nhĩ kỳ, Recep Tayyip Erdogan, để tạo ra một khu phi quân sự xung quanh đó.
Báo SIR của Hội đồng Giám mục Công giáo Ý cho biết là các Kitô hữu Idlib đã sống trong một bầu khí căng thẳng và sợ hãi liên tục từ năm 2011, đó là từ khi chiến tranh bắt đầu bùng nổ. Tất cả các nhóm phiến quân và khủng bố đều ở đó. Tất cả các linh mục đều bỏ đi hoặc bỏ trốn. Nhiều nhà thờ và nơi thờ phượng của Chính thống Armenia và Chính thống Hy Lạp và những nơi thờ phượng đã bị phá hủy hoặc đốt cháy. Hai linh mục dòng Phanxicô sống trong hai tu viện, thánh Giuse và Đức Mẹ Fatima ở Knayeh và Yacoubieh. Vào năm 2014, cha Hanna Jallouf với 16 giáo dân đã bị bắt cóc nhưng sau một vài ngày, họ được đưa trở về tu viện “mạnh mẽ hơn và nhiều động lực hơn trước đây”, và như cha nói “gắn chặt” với đức tin của họ như với một mỏ neo, bất chấp các mối đe dọa bị cướp đoạt tu viện và kết thúc tồi tệ nữa nếu họ không chuyển sang Hồi giáo.
“Là Kitô hữu cho đến chết”
Cha Hana cho biết: “Cuộc sống thật khó khăn, thiếu thốn tất cả mọi thứ, giá cả của các nhu yếu phẩm tăng rất cao. Chúng tôi không có điện cũng như nước dùng. Trợ giúp cho các Kitô hữu địa phương đến từ phó tỉnh dòng tại Thánh địa và một tổ chức phi chính phủ, ‘Ủng hộ Thánh địa’. Mỗi tháng, chúng tôi sẽ cung cấp cho các gia đình khoảng 260 mặt hàng thiết yếu như thuốc và sữa, cũng như các phiếu mua dầu để chạy máy điện và sưởi ấm, quần áo và sách học.” Hai cha đã tổ chức được một dịch vụ để đưa các em đến trường. Cha Hana kể thêm: “Chúng tôi cũng cung cấp cho sinh viên của chúng tôi nhiều tài liệu học tập nhưng các nhóm cực đoan kiểm soát khu vực này không biết. Nếu họ biết điều đó, chúng tôi sẽ gặp rắc rối.” Vào ngày 19 tháng 9 vừa qua, một người đàn ông gần giáo xứ của họ đã bị giết. Lỗi duy nhất của anh ta là gì? Đó là đã giúp đỡ các Kitô hữu.
Nỗi đau khổ của các Kitô hữu này thì vô cùng, sự sợ hãi của họ thì cùng cực. Nhưng không gì có thể ngăn cản họ sống và làm chứng về đức tin của họ. Họ nói với những kẻ cực đoan: “Chúng tôi sẽ vẫn là Kitô hữu cho đến khi chết. Ngay cả trong đau khổ, chúng ta sống trong một thời gian ân sủng.” Và khi nói đến Thánh lễ, tất cả những nỗi sợ hãi và đau khổ này dường như được đặt sang một bên. Hai cha vui mừng khi có ít nhất 50 đến 60 người đến nhà thờ mỗi ngày. Ngày Chúa nhật, thậm chí có nhiều tín hữu hơn bởi vì họ đến từ các làng lân cận.
Những cử hành tôn giáo chỉ được phép nếu diễn ra bên trong nhà thờ. Họ bị cấm trưng bày thánh giá, tượng thánh, các hình ảnh thánh hoặc đánh chuông. Một cha kể lại: “Hai tháng trước, tòa án tôn giáo triệu tập tôi và ra lệnh cho tôi ngừng mặc áo dòng của tôi, đó là một dấu hiệu tôn giáo được ám chỉ đức tin Kitô giáo của tôi. Vì vậy chúng tôi để bộ áo dòng trong một chiếc vali khi chúng ta phải di chuyển và mặc nó ở những nơi chúng tôi được phép.”
Cái nôi của Kitô giáo
Cha Hanna biết rằng đây là cái giá phải trả của những người đã chọn, cha nói: “Ở lại giữa người dân của chúng tôi, ở trong người dân của chúng tôi. Chúng tôi vẫn gắn liền với đức tin của chúng tôi với cộng đồng của chúng tôi. Đây là nơi Kitô giáo được sinh ra, đây là nguồn gốc của chúng ta.” Và Cha Jallouf kết thúc: “Tình hình nghiêm trọng nhưng chúng tôi tiếp tục cầu nguyện và cảm nhận mỗi ngày bàn tay của Thiên Chúa, Đấng dõi nhìn chúng tôi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, để cuộc thảm sát vô lý này được chấm dứt.”
Hồng Thủy – Vatican