Chúa xuống ngục tổ tông và Hội Thánh xuống ngục tổ tông

Theo truyền thống Hội Thánh, ngày Thứ Bảy Tuần Thánh được hiểu là ngày Đức Kitô bước vào ngục tổ tông để loan báo tin mừng cho các linh hồn lành thánh đang đợi chờ sự phục sinh, cứu rỗi của Ngài. Cho đến nay, đã có nhiều suy tư thần học sâu sắc, phong phú về ý nghĩa ngày Thứ Bảy Tuần Thánh để giúp các tín hữu sống trọn vẹn hơn mầu nhiệm “ngục tổ tông” của Chúa. Trong bầu khi thinh lặng của ngày Thứ Bảy Thánh năm nay, xin được gợi nhắc ở đây suy tư sâu sắc của cha Hans Urs Von Balthasar và Đức Bênêđictô XVI về mầu nhiệm Chúa xuống ngục tổ tông.

Ý Niệm “Ngục Tổ Tông”

nguctotong2Trước khi đề cấp đến mầu nhiệm Đức Kitô xuống ngục tổ tông, thiết nghĩ ta cần xác định “ngục tổ tông” là gì. Theo cách hiểu bình dân, ngục tổ tông là chốn giam cầm linh hồn những người công chính trong Cựu Ước, đang đợi chờ sự phục sinh, cứu rỗi của Chúa Kitô. Tuy nhiên, để hiểu cặn kẻ ý nghĩa câu nói “Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông” thì không đơn giản như thế. Theo Đức Bênêđictô XVI, nói rằng Chúa xuống ngục tổ tông tức là Ngài thực sự chung chia với chúng ta cái khốn khổ cùng tận của thân phận nhân loại là sự chết. Ngài chú thích rằng “công thức nguyên thủy: [Chúa Giê su xuống ngục tổ tông] có nghĩa là Chúa Giêsu đã bước xuống tận đáy thẳm của sự chết; Ngài đã chết thực sự để chia sớt với ta cái hố thẳm sâu của sự chết.”[i]

Từ trước tới nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng ngục tổ tông là một nơi chốn nào đấy mà ở đó người ta đang phải khốn khổ đời chờ Chúa đến để đưa người ta ra khỏi chốn đó. Có lẽ ngục tổ tông không hẳn là một nơi chốn cụ thể nào cho bằng một tình trạng, một trạng thái ngong ngóng, đợi chờ trong lo âu, khắc khoải của người đang khao khát tiếng nói và sự hiện diện đầy yêu thương, cứu độ của Thiên Chúa. Thần học gia Balthasar gọi trạng thái đó là “kinh nghiệm địa ngục về sự ẩn mình của Thiên Chúa.”[ii]

Để giúp ta dễ mường tượng hơn trạng thái “ngục tổ tông,” Đức Bênêđictô XVI sử dụng hình ảnh em bé phải đi một mình qua một cánh rừng âm u trong đêm tối. Ngài bảo rằng: “Vào một đêm tối, khi em nhỏ phải một mình băng qua cánh rừng già, thì chắc hẳn em sẽ sợ hãi, cho dù ta có trấn an em cả trăm lần rằng không có gì phải sợ đâu. Thực ra, em không sợ một cái gì rõ rệt, nỗi sợ của em là nỗi sợ không tên, nhưng trong bóng đêm rùng rợn, em không khỏi cảm thấy bất an, cô độc; có cái gì đó nguy hiểm đang rình chờ đâu đó. Chỉ một giọng nói của một ai đấy mới có thể ủi an em; chỉ có bàn tay của người mà em yêu thương nhất cầm lấy tay em lúc này mới ngăn cản được nỗi ưu tư trĩu nặng như một ác mộng, một nỗi ưu tư chính hiệu phát sinh từ đáy sâu của nỗi cô đơn mà ta không thể dùng lý trí để xua tan đi được; chỉ sự có mặt của một ai đó hằng thương yêu ta mới giải tỏa được ưu sầu, lo lắng đó…. Chính ở nơi nào ngập tràn nỗi cô đơn mà lại không thể nghe được những lời nói yêu thương có sức mạnh biến đổi, thì nơi đó là ngục tổ tông vậy.”[iii]  

Tóm lại, thay vì hiểu ngục tổ tông là một nơi chốn cụ thể, các nhà thần học nói đến trạng thái âu lo, hãi hùng, cô đơn của thân phận con người khi chờ đợi tiếng nói và sự hiện diện đầy yêu thương, cứu độ của Thiên Chúa.

Suy tư của Thần học gia Balthasar:  Đức Giêsu Kitô xuống ngục tổ tông

nguctotong1Với cách hiểu “ngục tổ tông” là kinh nghiêm địa ngục của việc Thiên Chúa ẩn mình, Balthasar suy sư về trạng thái “ngục tổ tông” xảy đến với chính bản thân con người Đức Giêsu. Để thấu triệt suy tư của Balthasar về việc Đức Giêsu xuống ngục tổ tông, thiết nghĩ ta cần có cái nhìn bao quát về toàn bộ tư tưởng thần học của nhà thần học này.

Nói đến Balthasar, người ta thường nghĩ ngay đến một nền thần học Chúa Ba Ngôi khởi đi từ vẻ đẹp Thập giá. Truyền thống suy tư thần học về Thiên Chúa thường khởi đi từ De Deo Uno để rồi đi đến De Deo Trino. Điều này có nghĩa là các khảo luận thần học truyền thống bao giờ cũng gồm hai phần: Phần nói về một Thiên Chúa duy nhất (De Deo Uno) và tiếp sau đó sẽ là phần nói về Thiên Chúa Ba Ngôi (De Deo Trino). Phần De Deo Uno nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa từ những luận cứ lý trí; tiếp đến là sự suy diễn về các ưu phẩm của Thiên Chúa dựa vào phương pháp loại suy. Còn phần De Deo Trino thì cố gắng giải thích mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi qua những phạm trù “bản thể,” “ngôi vị,” “tương quan” nhằm trình bày rằng mầu nhiệm ấy không đi ngược lại với những nguyên tắc của lý trí.

Nhưng thần học gia Balthasar dường như không đi theo cách suy tư truyền thống nói trên. Tư tưởng thần học của ngài khởi đi từ suy tư về Ba Ngôi trong nhiệm cục (Economic Trinity) để rồi mon men tìm đến sự hiểu biết nào đấy về Ba Ngôi trong nội tại (Immanent Trinity). Theo Balthasar, việc Chúa Cha ban chính mình qua Đức Giêsu lúc nhập thể đã phản ảnh một cách loại suy việc Ngài ban chính mình Ngài qua Chúa Con từ thuở đời đời. Việc tự trao ban chính mình này có nghĩa là Chúa Cha tự hiến hoàn toàn cho Chúa Con. Việc Chúa Con đáp trả mình hoàn toàn cho Chúa Cha cũng xảy ra từ thuở đời đời trong Chúa Thánh Thần, Thánh Thần của cả Chúa Cha và Chúa Con. Tuy nhiên, việc Chúa Con đáp trả mình cho Chúa Cha xảy ra trong nhiệm cục cứu độ từng bước một: qua nhập thể, qua cuộc sống trần thế, qua cuộc khổ nạn, qua cái chết, qua việc xuống ngục tổ tông và qua cuộc phục sinh. Ở mỗi bước như thế, việc đáp trả này đều xảy ra dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần luôn “sát cánh” bên Đức Giêsu và nhắc cho Đức Giêsu nhớ đến quyết định chung mà Ba Ngôi Vị cùng thông tri và đồng quyết định từ thuở đời đời. Và trong thân phận người tôi tớ đau khổ, với sự trợ giúp của Thánh Thần, Đức Giêsu thi hành sứ mạng gánh lấy tội lỗi nhân loại và bước xuống vực thẳm sau cùng là sự chết chóc và “ngục tổ tông” trong khi đáp trả tình yêu cho Chúa Cha trong trạng thái hoàn toàn bị Chúa Cha như thể là bỏ rơi. Ngài đã sống trọn tình con thảo thần thiêng như thế nơi thế gian sa ngã này.[iv]

Với suy tư sâu sắc về mầu nhiệm Thập giá Chúa Kitô mà qua đó mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong nhiệm cục tỏ lộ mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa trong nội tại như trình bày ở trên, cha Balthasar nhắc đến ý nghĩa sự đợi chờ trong khắc khoải, âu lo tiếng nói tình yêu của Chúa Cha mà Đức Giêsu phải trải nghiệm trong ngày thứ Bảy Thánh. Nói cách khác, Balthasar suy tư về mầu nhiệm “ngục tổ tông” xảy đến với chính bản thân con người Đức Giêsu. Thần học gia gợi ý cách táo bạo rằng thứ Bảy Thánh không nên hiểu rằng đó là ngày Đức Kitô vinh thắng bước vào cõi âm ty và mở cửa thiên đàng cho các linh hồn lành thánh, cho bằng hiểu rằng ngày đó là ngày Đức Kitô thực sự liên đới một cách sâu xa, tận căn nhất thân phận khốn khổ, nghèo hèn và chết chóc của nhân loại chúng ta. Một khi Ngài đồng hóa chính mình với ta là tội nhân, thì Ngài cũng phải trải nghiệm cái hãi hùng của việc Thiên Chúa bỏ rơi, cái nỗi khắc khoải, âu lo khốn cùng của thân phận tội nhân đang đợi chờ sự xuất hiện đầy yêu thương của Thiên Chúa.[v]

Tắt một lời, theo Balthasar, trong thân phận nhân loại, chính Đức Kitô, Con Thiên Chúa Nhập Thể, đã phải trải nghiệm cái kinh nghiệm “ngục tổ tông,” kinh nghiệm về sự âu lo, khắc khoải đến hãi hùng về việc Thiên Chúa ẩn mình, kinh nghiệm về sự đợi chờ đến quay quắt tiếng nói yêu thương của Thiên Chúa.

Suy tư của Đức Bênêđictô XVI: Hội Thánh – Thân Mình Đức Kitô xuống ngục tổ tông

Nếu suy tư của Balthasar về ngày thứ Bảy Thánh hướng đến sự trải nghiệm đích thực về “ngục tổ tông” của Đức Giêsu Kitô, thì suy tư của Đức Bênêđictô XVI lại đề cập đến việc Thân Mình Đức Kitô là Hội Thánh “xuống ngục tổ tông”.

Nhận định về thế giới mà Hội Thánh đang đồng hành hôm nay, Đức Bênêđictô XVI bảo rằng: “Thứ Bảy Thánh: ngày Thiên Chúa được mai táng; điều này chẳng phải là được áp dụng thật chính xác cho thời đại chúng ta hôm nay hay sao? Thế kỷ ta đang sống chẳng phải là đã khai mào cho một ngày thứ Bảy Tuần Thánh, ngày Thiên Chúa ẩn mình đó sao?”[vi]  Nhận xét một cách cụ thể hơn về thời đại ngày nay, ngài nói rằng: “Càng ngày người ta càng nhấn mạnh rằng hôm nay Thiên Chúa đã chết rồi. Lần đầu tiên người ta nói thế, trong tác phẩm của Jean Paul, đó thật là một giấc mộng hãi hùng: Giêsu, kẻ đã chết, công bố với những người đã chết, từ trên thượng tầng thế giới rằng, khi du hành sang qua bên kia thế giới, ông [Giêsu] chẳng thấy gì cả, không thiên đàng, không Thượng Đế từ nhân, chỉ có hư vô trống rỗng biền biệt và sự im lặng của cõi hư vô trống rỗng ấy….  Một thế kỷ sau, trong tác phẩm của Nietzsche, điều đó lại được lặp lại một cách trịnh trọng đến chết người và được diễn đạt bằng một tiếng kêu đầy kinh hãi: ‘Thượng Đế đã chết! Thượng Đế còn tiếp tục chết! Chính chúng ta đã giết Ngài!’ Năm mươi năm sau, người ta luận bàn về điều này một cách phóng khoáng theo kiểu hàn lâm, và rồi người ta chuẩn bị cho một thứ ‘thần học sau cái chết của Thượng Đế,’ trong khi đưa mắt nháo nhác dõi tìm nẻo đường đi tới. Người ta khích lệ nhau chuẩn bị cho việc thế chỗ cho Thượng Đế. Mầu nhiệm kinh hoàng của ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, vực thẳm im lặng của nó, chính thời đại ngày nay đang chất chứa cái thực tại kinh hoàng ấy.”[vii]

nguctotong3Đồng hành với một nhân loại xem ra “thích” sự ẩn mình của Thiên Chúa, nên Hội Thánh phải mang lấy “u sầu và lo lắng” của nhân loại ấy; Hội Thánh – Thân Mình Đức Kitô – phải xuống ngục tổ tông, nghĩa là trên đường lữ hành trần gian này, chính Hội Thánh phải kinh nghiệm về việc Thiên Chúa ẩn mình.  Thật vậy, Đức Bênêđictô XVI đã nối kết bầu khí thinh lặng của ngày thứ Bảy Thánh với sự thinh lặng trong giấc ngủ say của Chúa trên thuyền của các môn đệ khi xưa để suy tư về việc Hội Thánh Chúa “xuống ngục tổ tông.”  Ngài diễn giải rằng: “Có một hoạt cảnh Tin Mừng lột tả hết sức kỳ diệu sự thinh lặng của ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, và do đó, một lần nữa, phản ảnh trung thực giai đoạn lịch sử mà ta đang sống hôm nay. Chúa Kitô đang say giấc ngủ bên mạn thuyền giữa cảnh phong ba bão táp. Ngôn sứ Êlia đã có lần diễu cợt các tư tế tôn thờ thần Baal khi họ gào thét khẩn cầu thần linh của họ cho lửa xuống thiêu đốt hy lễ. Ông khích họ nên hò hét lớn tiếng hơn, ngộ nhỡ vị thần của họ đang còn say ngủ. Thế nhưng, có đúng là Thiên Chúa không hề ngủ say chăng? Lời diễu cợt của vị ngôn sứ đã chẳng đổ xuống trên đầu các tín hữu hằng tôn thờ Đức Chúa của Israel, là Đấng đang cùng ta ở trên một con thuyền sắp sửa đắm chìm đó sao? Thiên Chúa thì say ngủ trong khi các tín hữu của Ngài sắp sửa chết đuối – Đây chẳng phải là cái kinh nghiệm của cuộc đời ta đang sống hay sao? ‘Hội Thánh, đức tin, chẳng giống như chiếc thuyền mong manh sắp đắm chìm vì không cưỡng nổi những đợt sóng cả và những trận cuồng phong dập vùi, chính trong cái giờ khắc mà Thiên Chúa tưởng như đang vắng mặt đó sao?’”[viii]

Cảm nhận được nỗi khốn khổ mà Hội Thánh Chúa đang phải đối diện khi sống kinh nghiệm “ngục tổ tông” của ngày thứ Bảy Thánh trong thế giới hôm nay, Đức Bênêđictô XVI kết thúc bài suy niệm về mầu nhiệm ngày thứ Bảy Thánh với lời nguyện cầu tha thiết: “Xin Chúa chỗi dậy, đừng để bóng tối của ngày Thứ Bảy Thánh phủ tràn mãi mãi. Xin Chúa cho tia sáng của ngày Phục Sinh toả chiếu trên thời đại chúng con hôm nay…. Lạy Chúa, Chúa đã âm thầm ẩn mình, len lỏi bước đi trên những nẻo đường Do Thái, để trở thành một con người giữa lòng nhân thế, xin chớ để chúng con đắm chìm trong bóng tối….”

Kết luận

Khi mang lấy thân phận nhân loại chúng ta, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đã “xuống ngục tổ tông”. Ngài đã đi xuống tận cùng sự khốn hèn của thân phận nhân loại chúng ta là sự chết. Chính Ngài đã kinh nghiệm tình trạng âu lo, khắc khoải, sợ hãi khi Thiên Chúa ẩn mình.

Không chỉ Đức Giêsu xuống ngục tổ tông, mà Thân Mình của Ngài là Hội Thánh cũng đang xuống ngục tổ tông. Có thế nói, qua mọi nơi mọi thời, Hội Thánh Chúa Kitô luôn phải trải nghiệm cái kinh nghiệm “ngục tổ tông” như chính Đức Kitô là đầu của Hội Thánh đã phải trải nghiệm, nghĩa là Hội Thánh đụng chạm đến sự ẩn mình thinh lặng đến khó hiểu của Thiên Chúa giữa trần gian với bao song gió kinh hoàng. Nhưng cho dù có phải kinh qua cái kinh nghiệm “ngục tổ tông” hãi hùng đến đâu chăng nữa, thì con thuyền Hội Thánh không bao giờ chìm đắm, bởi vì người thực sự làm chủ con thuyền đó lại là Đấng đã xuống ngục tổ tổng và đã bước vào ánh sáng vinh quang phục sinh khải hoàn.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, CSsR.

[i] Joseph Ratzinger, “Three Meditations on Holy Saturday: The Anguish of an Absence,” http://www.30giorni.it/articoli_id_10282_l3.htm (accessed March 25, 2016)

[ii] Hans Urs von Balthasar, The Action, vol. 4 of Theo-Drama: Theological Dramatic Theory, trans. Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1994), 317 – 426.

[iii] Ratzinger, “Three Meditations on Holy Saturday: The Anguish of an Absence.”

[iv] Balthasar, The Action, vol. 4 of Theo-Drama: Theological Dramatic Theory, 317 – 426.

[v] Hans Urs von Balthasar, The Person in Christ, vol. 3 of Theo-Drama: Theological Dramatic Theory, trans. Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1992), 149 – 262 .

[vi] Ratzinger, “Three Meditations on Holy Saturday: The Anguish of an Absence.”

[vii] Ibid.

[viii] Ibid.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết