Suy niệm Tin Mừng thứ Sáu 21/4/2017: Ga 21,1-14.
Hôm ấy, “ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simôn Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả” (Ga 21,2-3).
“Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu” (21,4). Trời sáng và sự hiện diện của Đức Giêsu được cố ý gắn kết với nhau trong trình thuật. Đức Giêsu là ánh sáng thế gian, và trong sự hiện diện của Đức Giêsu, các môn đệ của Người sẽ thực hiện được những công việc của Chúa Cha như Đức Giêsu đã nói: “Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (9,4-5).
Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra sự hiện diện của Người, vì các ông vẫn còn ở trong bóng tối của quyết định làm việc không có sự hiện diện của Người. Nhóm các môn đệ vẫn còn khép kín nơi chính mình và công việc của họ không được gắn với Đức Giêsu, nên không thành công. Họ tập trung hoàn toàn vào những nỗ lực của mình nên không nhận ra Đức Giêsu khi Người hiện diện.
“Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư? ” Các ông trả lời: “Thưa không” (21,5). Sẽ là rất ý nghĩa khi chúng ta nhớ rằng, trong Ga, lương thực của Đức Giêsu là thi hành chương trình của Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (4,34). Có lẽ Đức Giêsu hỏi các môn đệ về loại lương thực quan trọng đó. Đức Giêsu đã hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó cho Người: “Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (19,30). Nhưng các môn đệ thì chưa. Câu trả lời của các môn đệ cho thấy họ đã hoàn toàn thất bại, và điều đó có nghĩa là khi không có sự hiện diện của Đức Giêsu, người ta sẽ không thể thi hành được chương trình của Chúa Cha.
“Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá” (21,6). Các môn đệ thành công rực rỡ khi hành động theo sự chỉ dẫn của chính Đức Giêsu. Kết quả của việc thi hành sứ mạng được nối kết chặt chẽ, nếu không nói là tuỳ thuộc, vào sự mau mắn và ngoan nguỳ làm theo lời Đức Giêsu.
“Người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó! ” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển” (21,7). Người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến đã nhanh chóng nhận ra sự hiện diện của Đức Chúa khi nhìn thấy kết quả của lần bủa lưới này, tức là khi nhìn thấy kết quả của công việc thừa sai. Người môn đệ này vốn có mối tương quan gắn bó mật thiết với Đức Giêsu và là người trung thành đi với Đức Giêsu trọn con đường thập giá của Người. Ông là người đã chứng kiến và làm chứng về sự sống trào vọt từ thập giá Đức Giêsu (19,35), nên ông cũng là người mau chóng hiểu được hoa trái của sự sống ấy. Ông nói cho ông Simon Phêrô biết trực giác của mình. Ông thực hiện một sự hiệp thông sâu xa đích thực trong cộng đoàn các môn đệ. Đây là lần thứ hai trong Ga, kể từ khi Chúa Kitô phục sinh, ta thấy có sự khác biệt rất quan trọng và mang tính bổ túc cho nhau giữa người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến với ông Simon Phêrô. Trước cùng một dấu hiệu, người môn đệ kia nhận ra ý nghĩa và tin, còn ông Simon Phêrô thì lại mù tịt. Chuyện ấy xảy ra nơi ngôi mộ trống, và bây giờ, trên biển hồ Tibêria. Chính tình yêu đối với Đức Giêsu làm cho người ta nhanh chóng nhận ra những dấu chỉ về sự hiện diện của Người khi Người đã phục sinh.
Ông Phêrô không hiểu nguyên nhân của sự thành công mà các ông đang được hưởng. Ông không hiểu ý nghĩa của sự kiện mà ông đang sống trong đó. Nhưng vừa khi nghe người môn đệ kia nói “Chúa đó!”, thì ông hiểu ngay, và lập tức thay đổi thái độ sống và cách thức nhìn nhận thực tại. Tác giả Ga đã dùng những hình ảnh biểu tượng rất đậm đặc về ý nghĩa để diễn tả sự thay đổi này của ông Phêrô: ông khoác áo vào và nhảy xuống biển.
“Simon Phêrô khoác áo vào”. Hạn từ chìa khoá để hiểu chi tiết này là động từ “diezôsato” (bản tiếng Việt dịch là “khoác”). Trong Ga, cách diễn tả này chỉ xuất hiện trong trình thuật Tiệc Ly, khi Đức Giêsu khoác vào mình chiếc khăn thắt lưng, dấu hiệu của thân phận tôi tớ, và rửa chân cho các môn đệ, có ý diễn tả thái độ phục vụ cho đến tận cùng trong cái chết của Người (13,4.5). Vậy, trước đó, ông Phêrô ở trần, tức là ông không đón nhận thân phận tôi tớ và cái chết thập giá của Đức Giêsu như là cách diễn tả tuyệt đối của tình yêu, càng không lấy đó làm quy luật hành động cho mình. Nhưng bây giờ ông đã hiểu. Ông làm một hành động cho thấy: như Đức Giêsu đã khoác vào mình chiếc khăn thắt lưng tôi tớ để phục vụ đến tận cùng, chính ông chọn sống đúng thái độ phục vụ tận cùng trong yêu thương như Đức Giêsu vậy. Như Đức Giêsu, ông sẵn sàng hy sinh mạng sống mình. Và để diễn tả thái độ và chọn lựa sống đó, ông nhảy xuống biển.
Suy niệm:
- Khi không có sự hiện diện của Đức Giêsu, người ta sẽ không thể thi hành được chương trình của Chúa Cha. Kết quả của việc thi hành sứ mạng được nối kết chặt chẽ, nếu không nói là tuỳ thuộc, vào sự mau mắn và ngoan nguỳ làm theo lời Đức Giêsu.
- Người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến đã nhanh chóng nhận ra sự hiện diện của Đức Chúa khi nhìn thấy kết quả của lần bủa lưới, tức là khi nhìn thấy kết quả của công việc thừa sai. Chính tình yêu đối với Đức Giêsu làm cho người ta nhanh chóng nhận ra những dấu chỉ về sự hiện diện của Người khi Người đã phục sinh.
Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.