Có thể nói hầu hết chúng ta đã khá mệt mỏi với những ngày tháng phong tỏa, giãn cách xã hội. Mới đầu những ngày dịch, bản thân tôi còn chú ý xem tin tức để biết hôm nay có bao nhiêu ca nhiễm mới, con số tử vong ra sao, nhưng dần dần, tôi chẳng còn thiết tha gì những thông tin ấy nữa. Mới đầu người ta còn kì vọng sẽ đưa con số trở về không, tẩy trừ hoàn toàn con virut ra khỏi cộng đồng. Nhưng rồi, người ta cũng bắt đầu nhận ra điều đó là không thể. Chỉ có một cách duy nhất là sống chung với nó bởi lẽ không chết vì dịch thì cũng sẽ chết vì đói. Mới đầu, người ta nghĩ làm sao cho mình, cho gia đình mình, cho khu vực mình được an toàn, được là vùng xanh là ổn rồi, nhưng về sau người ta nhận ra bài học: Chẳng ai có thể sống bình an nếu người khác không được an toàn. Chúng ta là những con người phụ thuộc lẫn nhau, không thể sống riêng lẻ để giữ an toàn cho mình được, dù ở mức độ địa phương hay toàn cầu đi chăng nữa. Ai đó đã nói rất đúng: “Tôi chỉ là người khi tôi sống với anh em tôi.”
Hai năm đã trôi qua mà nỗi ám ảnh phải đóng cửa nghỉ làm, ở nhà “ăn Tết Covid” vẫn còn lơ lửng ở trên đầu cho dù chỗ này hay chỗ kia đã được nới lỏng tự do đi lại. Và chính trong cái mệt mỏi ấy, chúng ta phân vân tự hỏi: Chúa ở đâu giữa những đau khổ mà đại dịch gây ra cho nhân loại?
Người không tin thì trả lời chắc nịch: Nếu có Chúa thì đã chẳng có cái con virut kia. Đây chẳng phải là lần đầu tiên nhân loại đặt ra những chấn vấn này. Có người còn đi đến kết luận tiêu cực với tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết!”
Người hoài nghi thì hỏi: Tại sao Chúa không làm phép lạ vì chỉ cần Ngài phán một lời là con virut nó biến mất khỏi thế gian này.
Người tin thì loay hoay tìm kiếm những câu trả lời để có thể giải đáp vấn nạn khó khăn này. Họ có thể đưa ra rất nhiều cách giải thích khác nhau từ triết học, luân lý đến thần học, Kinh Thánh. Chẳng hạn, có người cho rằng qua đau khổ mà đại dịch gây ra, Thiên Chúa muốn thử thách, tôi luyện, uốn nắn con người để họ biết thay đổi lối sống của mình mà bảo vệ môi sinh, bảo vệ trái đất. Loài người chúng ta bấy lâu nay đã sống thật quá ích kỷ khi tàn phá môi sinh, thờ ơ trước tiếng kêu của đồng loại. Vì thế mà Trái đất mới nảy sinh ra virut corona như là một cơ chế phòng vệ. Những người theo lối giải thích này còn nhấn mạnh: Nếu con người không hoán cải, họ sẽ còn phải đối diện với những loại virut còn nguy hiểm hơn nữa trong tương lai.
Tôi thì thấy dù có đưa ra lý lẽ thuyết phục đến chừng nào đi chăng nữa, mọi lời lý giải đều chẳng thể nào giải thích thỏa đáng, giải quyết tận căn mọi khía cạnh của sự dữ cũng như đau khổ trong cơn đại dịch. Tất cả là mầu nhiệm, nghĩa là những điều vượt quá tầm hiểu biết của trí tuệ con người, sức con người không tài nào hiểu nổi.
Bởi vậy, nếu ai đó có hỏi tôi: Chúa ở đâu giữa những đau khổ? Tôi chỉ có thể thành thật khiêm tốn mà nói rằng: Tôi không có câu trả lời rốt ráo, triệt để cho bạn. Tôi không biết
Nhưng nói như thế không có nghĩa là tôi không tin Chúa. Giữa muôn điều “không biết,” tôi biết một điều chắc chắn: Chúa chẳng bỏ rơi con người. Chúa không phải là vị thần nào đó xa cách với thực tế của nhân sinh. Tôi không tin Chúa là tác giả của con virut oan nghiệt kia, tôi lại càng không tin Chúa cho phép đại dịch xảy ra cho dù là với mục đích giáo dục, uốn nắn nhân loại đi chăng nữa.
Càng dịch bệnh, tôi lại càng cần đến Chúa hơn bao giờ hết. Tin Chúa không có có nghĩa là tôi có thể giải thích được mọi sự trên đời, nhưng chính nhờ Tin, tôi không còn thấy mọi sự trở nên vô nghĩa và tôi cũng không thấy mình trơ vơ, lạc lõng giữa muôn gian khó.
Ngài vẫn ở đó, đồng hành và chia sẻ với chúng ta. Ngài đau nỗi đau của nhân loại, ngài buồn nỗi buồn của tang quyến mất đi người thân, ngài lo nỗi lo của những người con xa nhà, ngài sẻ chia nỗi vất vả của các y bác sĩ, ngài túc trực bên giường bệnh nhân, … Tôi tin Ngài đang hiện diện nơi những nhà hảo tâm, những tình nguyện viên, những anh bộ đội, những người đang ra sức gìn giữ sự an toàn cho cộng đồng bởi “ở đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời.”
Giữa chuyện tin hay không tin, ấy là một chọn lựa. Nhưng như lời Chúa đã nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin,” tôi lựa chọn phần “tin” về mình. Xin được như Phê-rô cất lên lời tuyên tín: Lạy Chúa con tin, nhưng xin nâng đỡ đức tin yếu kém của con. Amen
Duc Trung Vu, CSsR