Khi gặp thử thách, khổ đau trong cuộc sống, người ta thường có những nghi ngờ về Thiên Chúa. Khi ấy người ta dễ đặt ra những câu hỏi: Thật sự có Thiên Chúa không? Nếu có Thiên Chúa, thì tại sao Thiên Chúa lại để cho sự dữ xảy ra? Ngài ở đâu khi con người đau khổ?
Trước những câu hỏi nêu trên, có người lập luận rằng nếu nó có một thiên chúa tốt lành thật, thì rõ ràng vị thiên chúa đó không có quyền năng vì ngài đã không khống chế được sự dữ và đau khổ; ngài đã để cho sự dữ, đau khổ đổ xuống trên đầu con người. Nếu có một thiên chúa tốt lành nhưng không có quyền năng như thế, thì người ta cần gì phải tôn thờ ngài!
Người khác lại lập luận rằng nếu có một thiên chúa quyền năng, thì rõ ràng ngài không tốt lành. Ngài có quyền năng nhưng ngài không dùng quyền năng của mình để khống chế sự dữ, như thế ngài đồng lõa với sự dữ. Và như vậy người ta không cần phải tôn thở một Thiên Chúa có quyền năng mà không tốt lành!
Các bài đọc Sách Thánh hôm nay soi sáng cho ta về vấn nạn nêu trên. Những lập luận kiểu trên, Chúa bảo rằng: “Kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất!” (Ga 6, 31).
Thiên Chúa đích thật như thánh Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ hôm nay nhắc đến là vị Thiên Chúa đã cho Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến trần gian, chịu treo thập giá để gánh lấy đau khổ của nhân loại và từ trong chính chốn đau khổ của nhân loại, Thiên Chúa đã phục sinh Người Con ấy, nghĩa là công bố sự toàn thắng của tình yêu và quyền năng Thiên Chúa trên khổ đau và sự chết của nhân loại.
Đau khổ không bao giờ đến từ Thiên Chúa, mà đến từ việc con người lạm dụng tự do Thiên Chúa ban để làm điều ác cho nhau.
Nhưng chính khi con người gây ra đau khổ cho nhau thì Chúa đến để giải hóa nỗi khổ đau của con người bằng sự chết và sự phục sinh của Ngài. Nói cách khác, chính khi ta đau khổ thì Chúa cùng đau khổ với ta, chứ Ngài không ở đâu xa. Và điều ta cần làm ta tin vào Ngài, vì Ngài đã chiến thắng đau khổ và sự chết , thì kẻ tin vào Ngài cũng sẽ được cùng Ngài phục sinh từ chốn đau khổ: “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời” (Ga 3, 36).
Antôn Hà Nam