Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Năm C
Chuyện ông Dakêu
Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT
Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 19,1-10) kể lại cho chúng ta một câu chuyện thú vị và cảm động:
1 Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. 2 Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. 5 Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” 6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” 8 Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” 9 Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. 10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.
Ông Dakêu là một thủ lãnh giàu có của những người thu thuế, những người bị coi là tội lỗi trong xã hội Do Thái đương thời. Dân chúng coi những người như ông là quân ô uế, và do nghề nghiệp của mình, ông bị người ta căm ghét và khinh thường, cho dù ông giàu có. Những người Do Thái bình thường, chuyên chăm giữ Luật, sẽ tránh tiếp xúc với ông. Theo một nghĩa, ông thuộc về số những con người bị gạt ra bên lề cộng đoàn.
Khi Đức Giêsu đi ngang qua Giêrikhô, ông Dakêu “tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Tại sao? Chỉ vì tính tò mò hay còn vì một lý do nào khác? Có lẽ không phải chỉ vì tò mò. Tác giả Tin Mừng đã khéo léo ghi rằng ông muốn “biết Đức Giêsu là ai” (chứ không chỉ là muốn nhìn thấy Đức Giêsu), tức là cuộc tìm kiếm của ông Dakêu có một tính chất sâu xa hơn, vượt quá sự thúc đẩy của tính tò mò đơn giản. Dù sao thì về phía mình, ông Dakêu cũng đang có một tâm thế thuận lợi cho một cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu.
Ngặt nỗi ông lại là một người thấp bé, mà đám người vây quanh Chúa Giêsu thì lại đông quá. Ông buộc phải vượt qua một chướng ngại tưởng như là không thể vượt qua được, nếu ông muốn “xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Ông sẽ phải làm thế nào? Liệu ông có bỏ cuộc không? Thưa rằng không. Trái lại, ông làm một hành động rất có vẻ bất thường. Bất chấp vị thế xã hội của mình (là thủ lãnh giàu có của những người thu thuế), ông cư xử như một cậu bé: “ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó” (c.4). Khao khát của ông lớn đến nỗi ông chẳng ngại bị chê cười, song còn nghĩ ra những sáng kiến bất ngờ để được xem thấy Đức Giêsu.
Đối diện với một con người như thế, Chúa Giêsu không chỉ sẵn sàng cho ông nhìn thấy Ngài, mà còn muốn cho ông được gặp gỡ Ngài thật sự, được hân hoan đi vào mối tương quan thân hữu với Ngài, và nhất là được lãnh nhận từ Ngài ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, “Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (c.5).
Cho đến lúc này, sáng kiến là của ông Dakêu, và các động từ đều là những động từ chuyển động. Nhưng bây giờ, chính Đức Giêsu chủ động đưa ra sáng kiến, và chuỗi động từ chuyển động bị cắt ngang: Đức Giêsu phải ở lại nhà ông Dakêu! Cần chú ý động từ “phải” trong câu nói của Đức Giêsu. Ngài ý thức rằng việc Ngài ở lại nhà ông Dakêu và kết thân với ông là một việc thuộc về chương trình của Thiên Chúa, Đấng sai Ngài đến giữa thế gian.
Như vậy, cuộc gặp gỡ mang lại ơn cứu độ cho người tội lỗi là kết quả đồng thời của sáng kiến thần linh và của ý muốn tự do của con người. Ông Dakêu rụt rè đưa bàn tay mình ra, và Đức Chúa chủ động nắm lấy bàn tay ấy mà dẫn ông đi vào một con đường mới mẻ hẳn. Ngài đưa ông xuống khỏi lùm cây và cho ông được vinh dự đón tiếp Ngài trong nhà ông. “Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người” (c.6). Tất nhiên đây không phải là lần đầu tiên Đức Giêsu đến nhà một người thu thuế, nhưng những lần trước, Ngài được mời. Còn lần này, chính Ngài chủ động đến, bất chấp dư luận xầm xì, chê bai và chỉ trích.
Đức Giêsu không chấp nhận một phán đoán tổng quát, tiên thiên loại trừ cả một hạng người nào đó khỏi lãnh vực cứu độ. Một cách công nhiên và đối nghịch với dư luận, bằng việc chủ động đến ở lại nhà ông Dakêu, Ngài cho thấy tỏ tường rằng những người thu thuế không hề bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, rằng Thiên Chúa luôn luôn lưu tâm đến tất cả mọi người và không gạt bỏ bất cứ ai.
“Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” (c.7). Sự chỉ trích mà Đức Giêsu phải đối diện khi Ngài đến ở nhà ông Dakêu thật nặng nề. Thay vì một số người chỉ trích như ở Lc 5,30, thì lần này, “mọi người” đều xầm xì chỉ trích, và là sự chỉ trích nhắm trực tiếp vào Đức Giêsu. Tất nhiên không nên hiểu rằng mọi người (theo nghĩa đen) đều xầm xì, nhưng hoàn toàn có thể hiểu rằng Thánh Luca có ý cho thấy chọn lựa của Đức Giêsu kết thân với những kẻ tội lỗi chính là nguyên cớ khiến Ngài bị cộng đồng Do Thái chỉ trích và thậm chí khai trừ.
Nhưng cũng chính chọn lựa và cách hành xử đó của Chúa Giêsu đã tạo nên một sự biến chuyển lớn lao trong cuộc sống của ông Dakêu và mang lại cho ông một niềm vui khôn tả. Ông đón Ngài về nhà mình và ông hân hoan hoán cải, thay đổi toàn diện đời sống. “Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (c.8). Ông quyết đền bù vượt quá yêu sách của Luật, chứng tỏ ông đã trở nên rất đại độ. Chưa ai trong số những người giàu có xuất hiện trong Lc đã lấy một quyết định tuyệt vời như vậy. Chính Đức Giêsu đã từngthan thở: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (18,24) và đám đông phải đặt câu hỏi: “Thế thì ai có thể được cứu?” (18,26). Điều đó cho thấy tính cách đặc biệt của những gì đang xảy ra trong nhà ông Dakêu với sự hiện diện của Đức Giêsu.
“Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (cc.9-10).
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
Câu chuyện ông Dakêu được giải thích theo nhiều hướng khác nhau. Các hướng giải thích này cũng có thể được coi như là những gợi ý suy niệm và chia sẻ cho chúng ta về bài Tin Mừng hôm nay.
(a) Một số người cho rằng ban đầu câu chuyện có ý cho thấy sáng kiến của Chúa Giêsu chủ động đi tìm các con chiên lạc nhà Israel. Trong cách hiểu này, lời tuyên bố của Đức Giêsu ở câu 9 (“Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”) được hiểu là lời Chúa Giêsu nói với đám đông để minh xác cho cách hành xử của Ngài. Những người tội lỗi như Dakêu được kêu gọi đón nhận ơn cứu độ vì họ thuộc về dân được tuyển chọn của Thiên Chúa. Qua sự kiện ông Dakêu, Đức Giêsu cho thấy Ngài lưu tâm cách đặc biệt đến việc mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho những con người bị gạt ra bên lề cộng đoàn.
(b) Một số người khác nhấn mạnh rằng câu chuyện này không chỉ nhằm giới thiệu về Đức Giêsu như là Đấng đi tìm cứu những con chiên lạc nhà Israel mà thôi. Câu 10 (“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”) đòi phải hiểu sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu được trình bày ở đây không chỉ giới hạn trong phạm vi Israel, mà là dành cho mọi kẻ tội lỗi.
(c) Theo một cách giải thích khác, dựa vào câu 8 (Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”), nhiều người hiểu điểm nhấn chính yếu của câu chuyện là tính cách cần thiết của việc hối cải xét như là một điều kiện để có thể đạt tới ơn cứu độ. Theo cách hiểu này, sáng kiến của ông Dakêu được đề cao. Ông đã vượt qua chướng ngại của những bất tiện do chiều cao khiêm tốn của ông gây ra, ông đón tiếp Đức Giêsu vào nhà mình, và ông hứa phân phát tài sản của mình một cách đại độ. Nói cách khác, vốn là một người giàu có, để đạt tới ơn cứu độ, ông nhà giàu này phải thực hiện những hành động cụ thể, mở lòng mình ra trước những nhu cầu của tha nhân, chia sẻ của cải mình có cho cộng đồng… Những hành động cụ thể đó vừa là bằng chứng vừa là hiệu quả của sự kiện ông đã thực sự gặp gỡ được Đức Chúa và biết Ngài là ai.