Chúa Nhật II Phục Sinh: Tin hay không tin

Tin hay không, là chuyện của mỗi người.

Caravaggio_-_The_Incredulity_of_Saint_ThomasGiới lãnh đạo Do thái cuối cùng cũng đã giết được Đức Giêsu. Không biết điều đó có làm họ toại nguyện không, hay là họ còn muốn bách hại cả những môn đệ của Người nữa? Trăn trở với nỗi lo ấy khiến các môn đệ tê liệt vì sợ hãi. Một tương lai tăm tối trùm lên số phận bi thảm khiến họ co cụm lại. Nỗi đe dọa hình như ở khắp nơi. Họ không dám đi đâu, làm gì vì “sợ người Do thái.”

Trong sự bế tắc, cùng đường ấy, Đấng Phục Sinh hiện ra với họ nói: “Bình an cho anh em.” Chắc phải mất nhiều thời gian, họ mới hiểu được hết ý nghĩa của sự Bình an mà Đấng Phục Sinh muốn thông ban cho họ giữa tình cảnh tứ phương thọ địch, giữa một đời sống đầy thách đố. Tâm bất biến giữa giòng đời vạn biến. Nhưng hiện tại, sự Hiện diện của vị Thầy, Đấng Phục Sinh ở giữa họ, cho họ thấy những chứng tích còn mới trên thân thể đã trải qua cuộc thọ nạn, làm bùng phát sự vui mừng nơi họ. Vui mừng trọng đại trong sự Bình an không thể diễn tả hết một lần, nhưng để lại một âm hưởng dội lại từng ngày, mãi về sau và cho đến tận thế, từ trong sự thờ phượng đến từng hoàn cảnh trong đời sống, ngày sống: “Các môn đệ vui mừng. Halleluia. Vì được nhìn thấy Chúa. Halleluia.”

Những vết tích trên thân thể Người vẫn còn đó như những dấu chỉ cho tình yêu vô bờ và lòng xót thương vô hạn Người dành cho nhân loại, để cứu độ nhân loại này. Vì thế Đấng Phục Sinh trao cho họ chính sứ mạng của Người: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.

Một sứ mạng mà họ sẽ thi hành trong quyền năng Chúa Thánh Thần, không phải để trả thù, bắt những kẻ gian ác phải đền mạng, hoặc trừng trị những kẻ chống đối, nhưng là để tha thứ. Ban cho họ một quyền năng để họ làm chứng cho Tin mừng Phục Sinh, cho ơn Cứu Chuộc chứa chan nơi Đức Giêsu Kitô, cho lòng xót thương cao cả Người vẫn dành cho con người, từ đời nọ đến đời kia.

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Những gì các môn đệ thấy vị Thầy đã làm vì vâng lời Chúa Cha, cũng như Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Chúa Con để cho nhân loại thấy và hưởng lòng thương xót của Chúa Cha, bây giờ chính họ, trong sứ mạng này, trong mọi hoàn cảnh của đời sống làm môn đệ Đức Giêsu Kitô, Người đã trao phó mọi sự cho họ, để họ sẽ phải cho con người mọi thời thấy, và hưởng được lòng xót thương của Đấng Phục Sinh. Chính họ.

Nhưng Hội thánh vẫn cần đặt trọn đức tin vào Đấng Phục Sinh hiện diện ở cùng, như một thẩm quyền để hậu thuẫn cho sứ điệp, một thế lực để duy trì sức mạnh thừa sai, soi sáng cho tâm trí và bừng ngọn lửa nhiệt thành.

Đức tin tinh tuyền, duy nhất ấy phải tồn tại qua thời gian, qua những sự thử thách ghê gớm giữa sự sống và cái chết, giữa đức tin và khoa học, giữa mầu nhiệm và những vấn đề thuộc bình diện nhân loại. Không ít lần, vẫn có những ao ước được “thấy và chạm” đến những thương tích trên thân thể Đấng Phục Sinh như tông đồ Tôma. Một lần là đủ.

Đừng vội trách Tôma, có trách là vì ông đã rời bỏ nhóm, nên ông mất cơ hội gặp Chúa lúc Người đến. Nhưng Tôma thật lòng, dám nói lên sự nghi ngờ vướng mắc của mình, để tin Đức Giêsu là Đấng Phục Sinh. Như các tông đồ khác, Tôma cũng chỉ hướng tới thập giá, dù ông can đảm: “Chúng ta hãy tới đó để cùng chết với Ngài.” (Ga 11,16). Tôma không thiếu can đảm, nhưng lại bi quan. Rất yêu mến Đức Giêsu, nên khi thấy Người chịu chết, ông đau đớn vô cùng, đến nỗi rút vào trong cô tịch để một mình gặm nhấm nỗi đau ấy. Vì thế, khi Đấng Phục Sinh hiên ra với các môn đệ, Tôma đã vắng mặt. Sự hân hoan phấn kích của nhóm khi báo tin Chúa đã sống lại càng làm ông bực bội. Ông tuyên bố sẽ chẳng tin nếu không được thấy tận mắt, sờ tận tay vào những vết thương của Chúa.

Tám ngày sau, các môn đệ họp nhau, lần này có Tôma. Các cửa đều đóng kín. Dường như sự gặp gỡ với Đấng Phục Sinh vẫn chưa làm cho họ bung thoát khỏi nỗi sợ hãi, mà phải có được sức mạnh Chúa Thánh Thần. Khi ấy họ mới dạn dĩ xuất hiện trong tư thế mới, làm chứng tá công khai cho Đức Giêsu chịu đóng đinh  và phục sinh.

Đấng Phục Sinh biết rõ tâm hồn của Tôma, biết những yêu sách của ông và sẵn sàng để cho ông kiểm chứng, để “đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Tôma như sụp xuống trong sự kinh hoàng, thốt lên lời tuyên xưng đức tin vừa như một khám phá mới, vừa như đại diện cho cả nhóm: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con”.

Ðức tin của chúng ta hôm nay, vẫn phải dựa trên đức tin của những người đã thấy và đã tin, với sự hi sinh liều sống để quả quyết Người đã sống lại.

                                                                              Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết