“Người ta từ đâu đến; sống để làm gì và chết sẽ đi đâu?”
Lịch sử thế giới, lịch sử nhân loại, lịch sử từng người nghĩ tưởng như một hành trình trải dài từ khởi đầu đến kết thúc. Nếu lịch sử diễn ra như thế, đâu là ý nghĩa và giá trị thật sự của nó?
Lịch sử sẽ không có hiện tại, đời sống con người, thế giới chỉ là những gì đã qua và sẽ không bao giờ lặp lại; những gì chưa tới sẽ đến, và sẽ lại trôi vào trong quá khứ. Lịch sử như thế giống như những tấm hình động, liên tục trải dài trong vô nghĩa và sự vô lý của nó. Không ai nắm bắt được lịch sử, làm chủ được lịch sử, ôm trọn lịch sử trong tay mình.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể đã “uốn dòng thẳng” của sự vô nghĩa và vô lý của lịch sử thành một đường cong đem lại toàn bộ ý nghĩa và giá trị đích thật cho lịch sử.
Từ điểm khởi đầu, Người từ Chúa Cha để đến thế gian, giờ đây Người sắp lìa bỏ thế gian để trở về cùng Chúa Cha; Từ chỗ Đức Giêsu đang ở với các môn đệ, Người sẽ lìa bỏ họ để đi dọn chỗ cho họ, rồi Người sẽ lại đến để đem họ về với Người, để Người ở đâu, họ cũng được ở đó với người. Điểm đến cuối cùng, là các môn đệ được ở với Đức Giêsu trong Nhà Cha Trên Trời.
Nhà Cha Trên Trời chính là điểm hội tụ đem lại ý nghĩa tròn đầy và giá trị trọn vẹn cho lịch sử nhân loại, cho lịch sử thế giới và lịch sử từng người. Vì thế hành trình mà Đức Giêsu diễn tả cho các môn đệ chính là việc Người sẽ thâu tóm cả lịch sử bằng sự Cứu Chuộc của Người và đưa toàn thể lịch sử này vào trong mầu nhiệm Cứu Chuộc của Người, mầu nhiệm đó được thực hiện trong chính bản thân Người.
Vì thế Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi.”
Khi tỏ mình là “con đường, là sự thật và là sự sống”, Đức Giêsu, và chỉ có mình Người đã trả lời rành rọt cho những vấn nạn muôn thuở mà con người đặt ra để truy tìm ý nghĩa và giá trị đích thật của lịch sử cuộc sống mình, lịch sử của thế giới và lịch sử của nhân loại này, nhưng sẽ mãi không có câu trả lời thỏa đáng: “Người ta từ đâu đến; sống để làm gì và chết sẽ đi đâu?”
Muốn tìm hiểu và đạt được những ý nghĩa và giá trị ấy, người ta chỉ còn một cách duy nhất là đến với Đức Giêsu, tin vào Người và làm môn đệ Người, vì Đức Giêsu đã quả quyết: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” Nghĩa là không ai có thể đạt thấu Thiên Chúa theo con đường thẳng đưa đến vô định, vô nghĩa và vô lý, mà phải theo “cung đường” khác, cung đường mà Đức Giêsu là con đường, để ai đi trên cung đường ấy sẽ dẫn đến sự sống, vì Người là sự thật.
Không để các môn đệ thắc mắc, Đức Giêsu giải thích luôn: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ anh em biết Người và đã thấy Người.” Giả thiết cho việc “biết Thầy”, các môn đệ sẽ hiểu những lời Đức Giêsu nói, nhưng rõ ràng là các môn đệ chẳng hiểu cũng chẳng biết, mà làm sao biết được nếu Đức Giêsu không mặc khải cho?
Chình vì vậy, Philípphê đã nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”
Quả là lời cầu xin chính đáng. Philípphê đã nói thay cho các môn đệ và nói thay cho khát vọng của nhân loại, muốn thấy Thiên Chúa! Nhưng ai có thể thấy được Thiên Chúa? Con chuột chũi làm sao có thể nhìn thấy mặt trời? Phàm nhân sao có thể thấy được Đấng Chí Tôn, Chí Thánh?
Câu trả lời của Đức Giêsu thật bất ngờ, như diễn tả sự thất vọng vì đầu tư sai mục đích: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.”
Trọn vẹn cuộc sống và sứ mạng của Đức Giêsu, những lần tranh luận căng thẳng với những người Do thái về nguồn gốc, xuất thân của Người, về nguồn gốc quyền bính của Người, về lý do Người thiết lập một tinh thần lề luật mới, một nền phụng tự mới, chính là vì Người muốn tỏ cho họ biết, điều mà Người bây giờ đang nói cho các môn đệ biết.
“Anh không tin Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?”. Bởi vì: “Các lời Thầy nói ra với anh em đây, Thầy không tự mình nói ra, nhưng chính Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.”
Đó là mầu nhiệm không thể diễn tả dựa trên những yếu tố, những hình ảnh, những khái niệm thuộc về thế gian này. Đức Giêsu chỉ có thể giãi bày đến thế thôi. Những “lời Thầy nói ra với anh em, Thầy không tự mình nói ra, nhưng là Chúa Cha, chính Người làm những việc của mình.” Chính Chúa Cha làm những việc của mình bên trong mọi hành vi của Đức Giêsu, vì Người với Chúa Cha là một.
Lời kêu gọi sau cùng, Đức Giêsu muốn các môn đệ tin vào Người. Nếu họ chưa có thời gian để đào sâu vào mầu nhiệm, chưa giác ngộ về mầu nhiệm Ngôi hiệp giữa hai ngôi Cha và Con, thì hãy tin vào những công việc Đức Giêsu làm, là đưa lịch sử đến đích của nó, cho người ta thấy ý nghĩa và giá trị thật của đời người trong thánh ý của Thiên Chúa, để rồi khi người ta chịu bước đi trên con đường sự thật đưa đến sự sống có tên là Giêsu, họ sẽ đạt được sự thỏa nguyền trọn vẹn.
Và lần này, chính họ, những người tin vào Đức Giêsu, những ai là môn đệ của Đức Giêsu sẽ làm được điều lớn lao hơn, là chính họ sẽ giúp những người khác đi trên con đường Giêsu là sự thật và sự sống; con đường lịch sử của mỗi người nhờ đức tin mà đạt được đích cùng của cuộc đời mình; chính họ sẽ tỏ cho những người khác biết và giúp những người khác tin rằng, Đức Giêsu ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Đức Giêsu, và họ cũng được ở trong Người nữa.
Jos Ngô Văn Kha CSsR