Chúa Nhật 26 TN (A): Người Con Đích Thật

Con người chỉ nhìn và đánh giá theo vẻ bên ngoài, còn Thiên Chúa thấy tận đáy lòng mỗi người; con người hay khắt khe và loại trừ nhau, còn Thiên Chúa lại bao dung và hay thương xót.

2-sonsDùng một dụ ngôn ngắn, đơn giản làm ví dụ, Đức Giêsu đặt vấn đề cho các bậc vị vọng trong dân là các thượng tế và kỳ mục suy nghĩ, phán đoán và rút ra kết luận một cách chí lý, chí tình cho câu hỏi về hai người con trong dụ ngôn, ai đã thi hành ý muốn của người cha, khi người thứ nhất nói: “Con không muốn” nhưng rồi nó hối hận, nên lại đi và người thứ hai bảo: “Thưa Ngài, con đây” nhưng rồi lại không đi?

Xác định nhân thân hai nhân vật trong dụ ngôn, Đức Giêsu khéo léo cho họ biết về cái nhìn của Thiên Chúa đối với dân Người. Tất cả đều là con, và người con đích thật là người thi hành ý muốn của người cha.

Thiên Chúa luôn đối xử công bằng và luôn yêu mến với hai người con, dù thái độ của chúng thế nào, có vâng nghe lời cha nó hay cưỡng lại, có hối hận, rồi thực hiện ý cha hoặc mau mắn thưa vâng, nhưng lại không thi hành. Khác với cái nhìn và thái độ của họ đối với nhau và đối với Chúa.

Với họ, những thượng tế và kỳ mục trong dân luôn đặt mình vào vị trí “con Thiên Chúa đích thật”, qua việc phụng sự và giữ lề luật Chúa, đối lập với hạng người còn lại, những kẻ tội lỗi. Họ luôn tự hào về địa vị cao cả của mình và khinh khi hạng người thu thuế và đĩ điếm, là những người bị coi là không có phẩm cách về tôn giáo lẫn luân lý.

Con người chỉ nhìn và đánh giá theo vẻ bên ngoài, còn Thiên Chúa thấy tận đáy lòng mỗi người; con người hay khắt khe và loại trừ nhau, còn Thiên Chúa lại bao dung và hay thương xót. Lòng bao dung và hay thương xót ấy nổi bật qua việc kêu gọi những tội nhân và luôn sẵn sàng thứ tha, khi con người hối hận về tội lỗi mình. Chính tình thương ấy tạo ra cơ hội để con người trở về.

Đường lối của Thiên Chúa không đưa đến sự kết án, loại trừ, đẩy vào sự chết như người ta thường làm đối với nhau, thay vào đó, là đường lối tha thứ và cứu sống.

Đức Giêsu nhấn mạnh về đường lối tha thứ và cứu sống của Thiên Chúa khi thẳng thắn tuyên bố: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ được vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thế và những cô gái điếm lại tin.”

Đường lối ấy cũng đang dành cho họ, những thượng tế và kỳ mục, là kẻ thưa vâng nhưng lại không thi hành ý muốn của người cha; cứng lòng khi thấy điều kỳ diệu xảy ra cho toàn dân lúc ông Gioan Tẩy Giả rao giảng sự sám hối và làm phép rửa, để chuẩn bị đón chờ Đấng Cao Trọng đến sau. Vì không tin, họ đã không thi hành lời Gioan, không nhìn nhận quyền bính thần linh của Gioan, nên từ khước con đường cứu độ.

Đức Giêsu cho thấy sự tương phản của hai thái độ khác nhau giữa họ và những người tội lỗi trước đây. Họ luôn vâng dạ nhưng không làm, nghĩa là họ đã loại mình khỏi tương quan với người cha, còn những kẻ tội lỗi “láo lếu” kia, sau đó lại hối hận thi hành ý người cha, nên vẫn là con.

Thật ra họ chẳng coi Thiên Chúa là cha mình. Lời “Thưa ngài” với cha không cho thấy có sự thân tình, mà diễn tả một khoảng cách xa lạ, sợ sệt, khúm núm. Nhưng cũng chẳng vì vậy mà họ làm theo ý người cha.

Bởi thế, Đức Giêsu bảo: “Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

Không dùng từ sám hối, là nhìn ra những sai lầm, đau buồn và quyết chí chừa cải tội lỗi của mình mà dùng từ hối hận, nhẹ hơn, là hối tiếc và day dứt khi nhận ra lầm lỗi của mình, Đức Giêsu phơi bày cho họ thấy cái lương tâm chai lỳ, sự vô tín của họ khi tìm đến hoạch họe, gây hấn với Người.

                                                                                    Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết