Chúa Nhật 5 Mùa Chay (A): Đức Giêsu là Sự Phục Sinh và là Sự sống

Dấu chỉ không phải là thực tại, mà chỉ là bề ngoài khả giác giúp con người thấy được bên trong nó, một thực tại mầu nhiệm cao vời hơn. Việc làm cho Lazarô sống lại là một dấu chỉ hữu hình cho một mầu nhiệm cao cả, làm thay đổi vĩnh viễn định mệnh của con người.

ladaroĐức Giêsu, Con Thiên Chúa Nhập thể vào thế giới này, là thế giới bao gồm cả người lành lẫn kẻ dữ đều bị sự chết thống trị bằng mãnh lực ghê gớm của nó. Không tha bất cứ ai, không nhân nhượng người nào, luôn chiếm thế thượng phong, nó lạnh lùng, tàn nhẫn cắt đi mạng sống người ta hằng ngày, chẳng cần lý lẽ, không thể mua chuộc, thỏa thuận hay trốn tránh, phán quyết của nó là chết. Cả trái đất chỉ còn là một cõi chết; cả nhân loại bao đời sống trên đó, chỉ sống để mà chết!

Trong cái thế giới chết chóc ấy, Đức Giêsu đã sống và dần ý thức được Chúa Cha sai đến thế gian, để mang sự sống cho thế gian, sự sống đích thực vĩnh hằng của Thiên Chúa. Nhưng trước tiên, một cách quyết liệt và dứt khoát, Người phải đánh bại quyền năng của sự chết, khống chế và vô hiệu hóa nó bằng một quyền năng và sức mạnh lớn hơn của Thiên Chúa. Vì vậy, Đức Giêsu không thể hoàn tất sứ mệnh cao cả ấy mà không đương đầu với cái chết với tất cả mạnh lực của nó.

Việc Đức Giêsu đối diện và đương đầu với sự chết không phải là suy diễn lý thuyết, khai thác tình cảm, xoáy vào nỗi đau con người, mà là một sự trải nghiệm hiện sinh với những cảm giác kinh khủng thấm nhập vào toàn thân, với sự ghê sợ như mỗi người chúng ta, vì chính Người cũng có một xác thân.

Đức Giêsu đã thấy, đã có những cảm xúc tha thiết nhất và cảm nếm được sự bi thảm, bế tắc mà cái chết gây ra cho con người, cho người bạn thân thiết Lazarô, để lại những lỗ hổng thương đau cho những người thân còn ở lại.

Bêtania từng là điểm dừng chân trong hành trình rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu. Ở đó có căn nhà của ba chị em Lazarô, Mácta và Maria luôn rộng mở đón mời và dành cho Người những tình cảm thân thiết nhất. Đức Giêsu quý ba chị em và yêu mến sự chan hòa, gắn bó thân tình trong ngôi nhà bình dị và ấm cúng ấy.

Bởi vậy, trước cái chết bất ngờ của Lazarô và nỗi đau mà hai người chị của ông đang trải qua, tâm hồn nhạy bén của Đức Giêsu cũng quặn thắt, đến độ Người không thể kềm chế được những cảm xúc thổn thức và xao xuyến, không ngăn được giòng lệ trước nỗi đau của Matta và Maria, kế bên nấm mồ của Lazarô, khiến đám đông vây quanh thốt lên: “Kìa xem ông ta thương anh Lazarô biết mấy”.

Không có cảnh tượng nào mô tả chính xác nhất về việc “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” như ở đây. Nhân tính của Đức Giêsu, một nhân tính cảm nhận được bề dầy của những mất mát tang thương, bề rộng của những nỗi đau của con người trong kiếp nhân sinh và bề sâu của từng nỗi đau xoắn lại như bóp nghẹt tâm hồn Người.

Nhưng ngay cả khi bản thân Đức Giêsu ngập tràn cảm xúc, không một khoảnh khắc nào Đức Giêsu quên đi sứ vụ của mình. Người biết mình đang nắm giữ bí mật của một sự sống, không phải sự sống bất toàn của con người, nhưng là sự sống thần linh, ngay cả sự chết không thể thắng được nó, chiếm được nó. Sứ vụ của Người là mặc khải và thông ban sự sống thần linh ấy cho trần gian.

Việc Đức Giêsu đến Bêtania trong hoàn cảnh này được mô tả trong hành trình Thầy trò lên Giêrusalem, một chuyến đi dẫn đến cái chết, mặc cho các môn đệ cản ngăn. Quyết định sẽ hoàn tất sứ vụ bằng cách hiến mạng sống mình, hoàn tất lời tiên báo và biểu lộ ý định của Chúa Cha. Đức Giêsu sẽ phải chết và Người chấp nhận cái chết, để trở nên món quà sự sống thần linh cho trần gian.

Như thế, việc làm cho Lazarô sống lại được thực hiện trong tương quan mật thiết với quyết định tự hiến của Đức Giêsu, và sự sống lại của Ladarô sẽ được làm sáng tỏ hơn nhờ ánh sáng của việc Đức Giêsu phục sinh. Do đó khi được báo “người Thầy thương mến đang bị đau nặng”, dường như không làm cho Đức Giêsu vội vàng, Người chỉ bảo, “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”. Và Người còn nán lại đó hai ngày, dù nơi ấy không xa Bêtania bao nhiêu.

Đức Giêsu mời gọi các môn đệ theo Người, vì Người là ánh sáng đem lại sự sống, sự sống được thực hiện qua dấu chỉ làm cho Ladarô sống lại, để các môn đệ tin.

Nhưng trước hết, Đức Giêsu phải củng cố đức tin cho cô chị Mácta.

Mácta biết nếu có sự hiện diện của Đức Giêsu, em cô đã không chết, biết những gì Đức Giêsu xin cùng Chúa Cha thì sẽ được, biết người em sẽ sống lại trong ngày sau hết. Sự hiểu biết của cô có phần chua xót và cay đắng trước thực tại đau khổ cô đang chịu. Biết thì giải quyết được gì, chỉ vì Thầy đến muộn. Chẳng lẽ phải đợi đến “ngày sau hết” mới được gặp lại em mình?

Đức Giêsu hiểu tâm hồn đau khổ của cô, hiểu sự phi lý của cái chết chia cắt những tương quan thắm thiết, hiểu ước muốn mãnh liệt được sống, được giải thoát khỏi sự chết. Đó là nỗi đau của thân phận con người, là khát vọng chính đáng của con người, và cũng là sự bi thảm bế tắc nhất của con người khi sống dưới quyền thống trị của sự chết.

Không! Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để sống, và dù cho sự chết có đột nhập vào trần gian này do người ta phạm tội, thì chính Đức Giêsu sẽ đem lại sự sống dồi dào cho con người (Ga 10,10). Vì thế, chính lúc này, Đức Giêsu đối diện với đối thủ của Người, dù chưa phải ở trong trận chiến cuối cùng, nhưng cũng không kém phần ác liệt.

Đức Giêsu biết sự sống của Người không ai lấy được. Người có quyền ban tặng và quyền lấy lại sự sống (Ga 10,18). Sự sống ấy sẽ vô hiệu hóa kẻ thù, vốn luôn bất khả chiến bại. Người sẽ giựt nhân loại ra khỏi quyền thống trị tối cao của nó, để mở ra cho con người một chân trời mới tràn đầy hy vọng. Việc làm cho Lazarô sống lại là một dấu chỉ hữu hình cho một mầu nhiệm cao cả hơn, làm thay đổi vĩnh viễn định mệnh của con người, vì Người “là sự Sống Lại và là Sự Sống”. Sự sống mà Đức Giêsu nắm giữ bí quyết, chỉ có thể được mặc khải ngang qua một dấu chỉ gắn liền với sứ mạng cứu độ của Người và khơi lên đức tin vào Người. Sự sống mạnh đến nỗi, “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin như thế không?” Mácta thưa, “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”.

Ai tin vào Đức Giêsu thì đã có và sống Sự sống này, một cuộc sống chiến thắng sự chết. Sự chết mất mọi quyền năng vì sự sống này là sự thông hiệp với sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Sự sống này được trao ban hôm nay, sẽ là một hạt giống sẽ vươn lên đến cõi đời đời cho những ai tin vào Người, và ngay bây giờ họ sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa. Vì vậy, sau khi dâng lời tạ ơn, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!”. Người chết đi ra, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn như thể sự chết còn cố bấu víu miếng mồi, thèm khát thống trị con người, nhưng lời Đức Giêsu như dứt khoát ngay từ hôm ấy, Sự sống đã chiến thắng cái chết. “Cởi khăn và vải cho anh ấy và để anh ấy đi”.

Khi cho Lazarô trở lại với cuộc sống, Đức Giêsu làm một dấu chỉ về sự sống mà Người có sứ vụ mặc khải và thông truyền. Dấu chỉ không phải là thực tại, mà chỉ là bề ngoài khả giác giúp con người thấy được một thực tại mầu nhiệm cao vời hơn, là Sự sống hiệp thông với sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đức Giêsu sẽ ban nhờ sự chết và sự phục sinh của Người.

Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết