Đức Giêsu là ánh sáng cho thế gian. Ánh sáng cho thế gian là công trình của Thiên Chúa mà Người trong tư cách được sai đến, phải thực hiện, và Ánh sáng đó chính là sự xét xử thế gian này.
Anh mù, mù từ thuở mới sinh, chưa từng thấy ánh sáng, sống bên rìa xã hội loài người. Anh hiện diện như không hiện diện; anh tồn tại mà chẳng mong mình tồn tại như thế. Cả cái xã hội cùng sống với anh cũng vậy, cũng mù, cũng mù quáng, cũng mù lòa. Kẻ “mù” thấy anh, thấy anh như chưa từng thấy, họ đi tránh qua một bên; kẻ “mù quáng” thấy anh, thấy một thân phận khốn khổ vì tội, của anh hoặc của cha mẹ anh, khiến trời trừng phạt nhãn tiền, đành phải chịu, thế thôi; kẻ “lòa” thấy và cảm thương cho số phận anh, nhưng lại bị dằn vặt nội tâm. Không giúp đỡ chút ít để anh sống thì bất nhẫn, còn giúp thì như thể “dự phần” vào việc kéo dài thêm tình trạng đày đọa bi thảm này của anh.
Nhưng một khúc ngoặc quan trọng cho số phận của anh mù, vào lúc Đức Giêsu ra khỏi Đền thờ, Người “nhìn thấy” anh. Rõ hơn là Đức Giêsu “nhìn thấy” công trình Thiên Chúa sẽ được tỏ hiện nơi anh. Người được Chúa Cha sai đến, giờ đây, thấy mình phải thực hiện công trình này. Vì bao lâu Người còn ở thế gian, Người “là ánh sáng cho thế gian”(Ga 9,5).
Ánh sáng thần linh đến, soi sáng đức tin và ơn cứu rỗi; Ánh sáng thần linh đến, đẩy lui bóng đêm tội lỗi, còn những ai cứng lòng, vô tín, thì Ánh sáng thần linh ấy như một sự xét xử, làm cho “người không xem thấy lại được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39); Những ai ý thức về sự tăm tối tội lỗi của mình sẽ nhận được ánh sáng, được đưa vào cõi sáng, còn những kẻ tưởng mình sáng, tự hào về sự sáng của mình sẽ trở nên mù và trầm luân trong tội của mình.
Đức Giêsu là ánh sáng cho thế gian. Đó là công trình của Thiên Chúa mà Người trong tư cách được sai đến, phải thực hiện. Ánh sáng đó chính là sự xét xử thế gian này. Vì sự hiện diện của Đức Giêsu và dấu lạ chữa lành người mù của Đức Giêsu, làm bật ra tâm tư và thái độ của mọi hạng người.
Suy nghĩ chung của mọi người về nguyên do khiến người ta bị mù từ thuở mới sinh, trong đó có các môn đệ, do chính họ phạm tội, hoặc là nạn nhân của tội mà cha mẹ người ấy đã phạm. Đức Giêsu đã có cái nhìn và cách giải thích hoàn toàn mới mẻ và bất ngờ, không phải do suy luận hoặc suy đoán, không phải dựa vào những lối giải thích “dân gian” có từ trước,nhưng là một mặc khải.
Không ai có thể biết về mầu nhiệm của Thiên Chúa nếu không được Đức Giêsu mặc khải cho (Lc 10,22). Người ta sẽ mãi mãi lầm lũi trong thứ bóng tối của tội lỗi và tử thần, trải dài suốt từ thời Tạo thành cho đến cánh chung, có thể có vài ánh sáng lóe lên trong lịch sử nhân loại, trong sự mày mò, vùng vẫy muốn thoát ra khỏi bòng đêm dày đặc này, nhưng những thứ đó không phải là Ánh sáng Cứu Rỗi. Chẳng bao giờ nhân loại có thể tìm ra ý nghĩa đích thực cuối cùng của phận người, của ý định Thiên Chúa muốn về con người, thấy được thứ ánh sáng của Thiên Chúa, thứ Ánh sáng thần linh bừng lên nơi Đức Giêsu và mọi hành động cứu độ của Người, nếu không tin vào Đức Giêsu.
Không tin và ác cảm với Đức Giêsu, từ khước, cố chấp trước những bằng cứ hiển nhiên về dấu lạ Đức Giêsu mới thực hiện, như người Biệt phái trong Tin mừng hôm nay không phải lạ hay hiếm. Để tìm mọi cách tẩy chay Đức Giêsu, để bảo vệ cho những truyền thống, cho lý thuyết tôn giáo bị chao đảo, có nguy cơ sụp đổ trước giáo lý của Đức Giêsu, và đàng sau đó là mất đi những đặc quyền về vị trí, đặc lợi về vật chất, nên người Biệt phái cố phủ nhận sự thật qua dấu lạ cứu độ của Đức Giêsu, không cảm thông với sự bất hạnh của người kẻ mù, cũng chẳng chia sẻ niềm vui của người được sáng mắt. Họ còn dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo, đe dọa, ngụy biện và dối trá, làm áp lực lên anh mù và cha mẹ của anh nhằm kiếm sự đồng thuận trong việc chống đối Đức Giêsu.
Nhưng với ý đồ xấu xa ấy, người Biệt phái không thuyết phục được anh mù được chữa lành (dù lúc ấy anh vẫn chưa giáp mặt Đức Giêsu), vì anh đã được sáng mắt, hiểu được giá trị làm người mà trước kia anh không được có. Bao nhiêu nỗi nhục nhằn anh phải chịu từng ngày về tinh thần và thể xác không là gì so với ước muốn được sang mắt, được trở nên là một con người thật sự với những phẩm giá đi kèm.
Bởi vậy, anh cương quyết không chối bỏ sự thật anh đã được chữa lành, bởi người đã bôi bùn vào mắt anh và sai anh đến hồ Siloác để rửa và anh được sáng mắt (Ga 9,6-7). Một người mà anh cho là một ngôn sứ (Ga 9,17). Anh còn thẳng thắn làm chứng với những lời đanh thép cho sự thật về sự vô tội của Đức Giêsu, đồng thời bẻ gẫy mọi lý luận tố cáo, cố tình phủ nhận sự kiện của người Biệt phái bằng lời lẽ chính đáng: “Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi, còn những ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai mở mắt cho người mù từ thuở mới sinh. Nếu không phải là người của Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,31-32). Chính vì điều này, anh bị án phạt nặng nhất, là bị trục xuất khỏi Hội đường của người Do thái.
Trước một đức tin non nớt lại gặp nhiều thử thách bởi những thành kiến, những sự dối trá, những lời đe dọa và sự loại trừ, Đức Giêsu đã tìm gặp để củng cố đức tin và tỏ mình cho anh, mời gọi anh tuyên xưng đức tin vào Đấng đã chữa lành cho anh. Anh đã tin và sấp mình xuống trước mặt Đức Giêsu, thể hiện sự vâng phục của đức tin và để thờ lạy Người.
Mù loà thể xác là một bất hạnh, nhưng mù loà tâm hồn còn là một tai hoạ khủng khiếp. Người ta có thể trở nên mù loà khi cố chấp không đón nhận sự thật: sự thật về sự yếu đuối bất toàn của mình, sự thật về Đức Giêsu bởi Thiên Chúa mà đến để cứu độ con người, Đấng là Ánh sáng thế gian, sẽ giải thoát chúng ta khỏi mù lòa thiêng liêng để chúng ta được bước theo Ánh sáng của Người.
Mặc dù đã là con cái sự sáng, nhưng chúng ta vẫn bị những nguy cơ lôi kéo chúng ta trở lại với bóng tối sự chết, dùng nhiều lý do để biện minh cho tình trạng tội lỗi, từ khước những gì là công chính, lương thiện và chân thật, thích sống trong sự đui mù Lời Chúa, chạy theo những học thuyết sai lạc, đánh mất đức tin và loại bỏ Đức Giêsu Ánh sáng ra khỏi tâm hồn và đời sống, để rồi phải chịu án phạt trầm luân trong tối tăm sự chết. Thánh Phaolô có nói: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ trong tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi! (Ep 5,14).
Jos Ngô Văn Kha CSsR