Chúa Nhật 3 MC (A): Nguồn nước đem lại sự sống đời đời

Cuộc đời có nhiều ý nghĩa và giá trị, nhưng giá trị và ý nghĩa nào là căn bản và bao quát hết tất cả mà tôi phải khát khao đi tìm, và tìm ở đâu?

nuoc-hang-songBài Tin mừng hôm nay mô tả sự gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria. Trình thuật nhấn đến vị thế chủ động gặp gỡ của Đức Giêsu và việc nêu ra những vấn đề lớn liên quan đến thân phận và đời sống con người được quy kết trong một điều căn bản, gặp gỡ và tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng là nguồn sống và là Đấng Cứu độ trần gian.

Đức Giêsu, trong thân phận làm người, đã trải nghiệm được những khát khao mà con người kiếm tìm để no thỏa. Những khắc khoải tìm kiếm của người ta tốt có, xấu có, giá trị có, vô bổ có, vật chất có, thiêng liêng có, chân thật có, giả trá có… Sự tìm kiếm những giá trị ấy không làm cho người ta thỏa mãn, vẫn còn khát, vẫn còn thiếu một điều gì đó là căn bản và bao quát hết mọi giá trị mà người ta đáng bận tâm, đáng từ bỏ mọi sự để đi tìm để có được. Nhưng đó là gì?

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”. Đó là lời “tự thú” của thánh Augustino trong tác phẩm nổi tiếng “Confessions” được viết năm 397, khoảng 10 năm sau cuộc hoán cải.

“Khắc khoải” không là cảm giác áy náy, hối tiếc quá khứ đã qua, vì ngài biết Chúa đã thứ tha, cũng không là nỗi băn khoăn, âu lo trước sự ngổn ngang của hiện tại và tương lai mịt mờ, vì ngài vững tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa tín trung, cũng không thu hẹp vào tình trạng giằng co giữa hai ý muốn tốt – xấu của phận người, mà “khắc khoải” ở đây như thể diễn tả một thực tại, khao khát được nếm thử thứ “Nước Hằng Sống”, và vì thế, ngài muốn dìm cả thực tại con người mình, đời sống mình vào trong thứ nước ấy.

“Khắc khoải” là một tiến trình thao thức, dò dẫm đi tìm, biết mình luôn phải kiếm tìm, nhưng là điều gì thì chưa xác định được. Đó là một mãnh lực thôi thúc đi tìm chính mình trong ý nghĩa và mục đích của cuộc đời mình. Augustino đã liên lỉ đi tìm điều ấy qua địa vị, danh vọng và sự nổi tiếng, tìm sự khôn ngoan và chân lý trong các triết thuyết, nhưng cuối cùng, phải trở về với Kitô giáo, vì ngài gặp được ở đó, Đấng là “Hữu Thể trọn vẹn” trong chân lý đích thực, là nguồn cội và đích cùng của hiện hữu.

Nỗi khắc khoải ấy được ngài ví như sự đói khát cái căn bản, cái nguồn cội, là chính Thiên Chúa, không phải là những thứ “giải khát” bằng sự “đã khát” bằng các giá trị vật chất, tinh thần, thậm chí cả các giá trị thiêng liêng.

Tâm hồn vẫn không thể nghỉ yên, ngay cả lúc tưởng chừng như đã gặp, đã có, đã chiếm hữu, Augustino lại phải cất bước dò dẫm đi tìm, và cuối cùng, nhờ ơn Chúa, ngài đã tìm được lời giải đáp trong một cách thế lạ lùng mà ngài diễn tả, “Chúa vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con, và tìm Chúa ở bên ngoài.” Việc khám phá vỹ đại này về sự Hiện Hữu của Chúa kéo theo tâm tình tôn giáo, khiến ngài phải thốt lên: “Ôi, Lạy Chúa của con, con yêu Chúa quá muộn”.

Người phụ nữ Samaria với tất cả những vấn đề, vướng mắc của chị trong đời sống và tâm hồn, đã gặp Đấng, là Con Thiên Chúa đã đích thân kiếm tìm con người trong những vấn đề của họ, đã kiên nhẫn giải đáp cho mọi khát khao, khắc khoải của con người, chỉ bảo cho họ những chân lý của cuộc đời, giúp họ tìm thấy những lời giải đúng đắn cho những vấn đề của mình, đã giúp chị tìm thấy tận nguồn Nước Hằng Sống, được ban như một quà tặng, và giúp chị tìm thấy sự thờ phượng đích thật, trong Thần Khí và ân sủng.

Con người hôm nay với những khắc khoải, khao khát hiện sinh, với những giải pháp cho việc họ tìm và kiếm mọi sự, có thật sự tìm được lời giải đáp thỏa đáng nào khác, ngoài lời giải của Đức Giêsu trong Tin mừng không?

Ai! Ai có thể đưa ra lời giải, có biện pháp nào khác, có thể hiện hữu bên cạnh mọi vấn đề hiện sinh của con người và giải quyết rốt ráo mọi vấn đề của họ?

Ai! Ai có thể trở nên là sự trọn vẹn của mọi trọn vẹn, là Tình Yêu của mọi tình yêu, là cội nguồn và cùng đích của mọi cội nguồn và cùng đích, như thánh Augustino đã tuyên xưng: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”?

Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết