Tin Mừng ngày thứ Tư 30/3/2016 : Câu truyện Emmau trong Lc 24,13-35.
Trong phần thứ nhất của bài Tin Mừng (cc. 13-24), một trong những yếu tố nổi bật là sự chia tách :
– hai đồ đệ rời khỏi Giêrusalem, nơi xảy ra biến cố Phục Sinh, và rời xa nhóm các đồ đệ (c.13);
– giữa hai ông hình như cũng xảy ra những sự bất đồng (c.17: động từ antiballein có thể được hiểu là tranh luận)
– nhất là khoảng cách lớn lao giữa hai ông với Chúa Phục Sinh mà các ông tưởng là một người xa lạ, và giữa hai ông với những biến cố cứu độ mà các ông chưa hiểu thấu.
Vì thế, các ông buồn bã (c.17). Nói cách khác, các ông đang ở trong một tình trạng bi đát và thất vọng ê chề.
Chúa Giêsu Phục Sinh đã đến trong tình cảnh bi đát ấy. Ngài đi vào tận điểm trung tâm của tình cảnh chia ly và xa cách đó.
Và từ câu 25 của trình thuật, tức là bắt đầu phần thứ hai của bài Tin Mừng, tất cả đã thay đổi. Chúa Giêsu Phục Sinh đảm nhận vai trò là chủ thể hành động, và chính Ngài làm chủ tình hình. Ngài giải thích cho hai đồ đệ những biến cố xảy ra dưới ánh sáng Thánh Kinh, rồi chính Ngài “bẻ bánh”.
Lập tức, những khoảng cách được xoá bỏ.
– Chúa Phục Sinh được các đồ đệ nhận biết,
– tâm hồn các đồ đệ “bừng cháy lên”,
– họ quay trở lại Giêrusalem, trở về trong cộng đoàn các chứng nhân.
Rất nhiều khi, trong cuộc sống thực tế của cộng đoàn Hội Thánh và của gia đình bé nhỏ của chúng ta, xảy đến những tình trạng chia rẽ và xa cách…
Chính Chúa Phục Sinh, trong Lời và Thánh Thể của Ngài, là nguyên lý thiết yếu và tối hậu để kiến tạo sự hiệp nhất của cộng đoàn và của gia đình.
Sự gặp gỡ thiết thân của mỗi người chúng ta với Chúa Phục Sinh chính là yếu tố quyết định đưa chúng ta đến sự hiệp thông và hiệp nhất đích thực trong lòng Hội Thánh và trong lòng gia đình bé nhỏ của chúng ta.
Giuse Thể Hiện