Kitô giáo dạy rằng, mỗi cuộc sống của con người đều có giá trị, ngay cả trong đại dịch.
Khi sinh mạng của con người đứng trước sự chọn lựa nên được cứu hay phải hy sinh dựa trên nhận thức về khả năng sống của chính bản thân họ, nhân loại sẽ mất đi tính nhân văn.
Bà tôi luôn trữ rất nhiều thực phẩm trong một vài tủ đông và nhiều tủ đựng thức ăn của bà, và bà cũng giấu tiền để giành cho trường hợp khẩn cấp trong một cái lỗ phía sau tủ thuốc. Khi còn nhỏ, tôi tròn mắt ngạc nhiên trước những thói quen này của bà, nhưng bà nói với tôi rằng, “Nếu con từng sống qua thời đại khủng hoảng, con sẽ hiểu.” Bây giờ tôi nhận ra rằng khi tôi hoặc con tôi lớn tuổi, chúng ta sẽ nói những điều tương tự với con cháu của chúng ta: “Nếu con từng sống qua thời đại khủng hoảng, con sẽ hiểu.” Tôi hy vọng những bài học mà chúng ta rút ra từ kinh nghiệm với Covid-19 sẽ không phải là thực phẩm hoặc tránh lây lan vi trùng, nhưng về cách chúng ta đối xử với những người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta. Đại dịch là lúc chúng ta không có thời gian để rời mắt khỏi sự tôn nghiêm của cuộc sống con người.
Chúng ta đã từng được nghe nói về việc cân nhắc giá trị của cuộc sống con người đối với sự vững mạnh của nền kinh tế quốc gia và sức mạnh của thị trường chứng khoán. Quả thật cơn khủng hoảng sẽ gây ra những đau khổ không thể kể xiết cho mọi người trên khắp thế giới, nhất là những người nghèo khổ. Tuy nhiên, mỗi cuộc sống của con người có ý nghĩa hơn cả nghìn tỷ đô la tổng sản lượng của một quốc gia. Cổ phiếu và trái phiếu rất quan trọng, vâng, nhưng con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Chúng ta cũng phải từ chối các đề xuất rằng nên ưu tiên chăm sóc những người trẻ và khỏe mạnh hơn những người già hoặc khuyết tật. Những cân nhắc như vậy biến cuộc sống của con người thành dấu tích trên một trang giấy chứ không phải là dấu ấn thiêng liêng nữa. Khi chúng ta còn đùa giỡn với những ý nghĩ này, tính nhân văn của chúng ta sẽ bị mất đi.
Các phương án cách ly xã hội và cách ly tại nhà rất đột phá; điều đó đúng. Những người cần phải làm việc, và những người không thể làm việc ở nhà, đều đang chịu áp lực. Đó là lý do tại sao chúng ta cần chính phủ làm việc để cho phép chúng ta giúp đỡ lẫn nhau trong thời gian này và tại sao chúng ta cần một xã hội năng động để chúng ta có thể quan tâm chăm sóc lẫn nhau.
Bị thương tổn không phải là một sự giảm bớt trải nghiệm của con người, nhưng là một phần của trải nghiệm đó. Những người trong chúng ta theo truyền thống Kitô giáo tin rằng Chúa nặn chúng ta từ bụi đất và thổi vào chúng ta hơi thở của sự sống. Hơn nữa, chúng ta chứng kiến rằng cuộc sống của mỗi con người đều mong manh. Chúng ta, tất cả chúng ta, là tạo vật và không phải là các vị thần. Chúng ta cần không khí, cần nước và cần có nhau.
Một thế hệ trước, nhà tiểu luận và tiểu thuyết gia Wendell Berry nói với chúng ta rằng thách thức lớn của thời đại chúng ta sẽ là liệu chúng ta sẽ thấy cuộc sống như một cỗ máy hay là mầu nhiệm. Điều tương tự đang xảy ra hiện nay. Giá trị của một cuộc sống con người không thể dùng bàn cân để xác định. Chúng ta không thể lạnh lùng đưa ra quyết định về việc có bao nhiêu người mà chúng ta sẵn sàng hy sinh họ vì “chúng ta sắp chết vì điều gì đó.”
Cuộc sống trong viện dưỡng lão là một cuộc sống đáng sống. Cuộc sống trong khu kiểm dịch bệnh viện cũng là một cuộc sống đáng sống. Cuộc sống của ông bà chúng ta, cuộc sống của người khuyết tật, cuộc sống của người bị bệnh nan y, đây đều là những cuộc đời đáng sống. Chúng ta sẽ không thể cứu tất cả mọi người. Nhiều người sẽ chết, không chỉ những người đang bị tổn thương mà cả những người dường như còn trẻ và khỏe mạnh. Nhưng chúng ta ắt hẳn phải cảm thấy xót thương khi chứng kiến mỗi cuộc sống bị mất đi, cái chết không phải là tự nhiên mà là, như Kinh thánh nói với chúng ta, là kẻ thù mà chúng ta phải chịu đựng và cuối cùng, hoàn tất.
Điều đó có nghĩa là chúng ta phải lắng nghe các chuyên gia y tế, và làm mọi thứ có thể để tránh thảm họa mà chúng ta thấy ngay bây giờ ở Ý và cả những nơi khác. Chúng ta phải quay trở lại làm việc, khôi phục lại nền kinh tế, nhưng chúng ta chỉ có thể làm khi mà điều đó sẽ không giết chết những người yếu thế và đàn áp các bệnh viện, bác sĩ, y tá và cộng đồng của chúng ta.
Và trong quá trình đó, chúng ta phải bảo vệ lương tâm của mình. Chúng ta không thể bỏ mặc làm ngơ khi chứng kiến người già, người tàn tật, người nghèo và người yếu thế gặp nguy hiểm trước mắt chúng ta. Chúng ta muốn nghe âm thanh của máy tính tiền một lần nữa, nhưng chúng ta không thể nghe thấy chúng qua tiếng khóc của những người được tạo ra giống hình ảnh của Thiên Chúa.
Đại dịch này sẽ thay đổi chúng ta, thay đổi nền kinh tế, văn hóa, những ưu tiên, cuộc sống cá nhân của chúng ta. Điều đó chúng ta không thể tránh. Nhưng hãy nhớ rằng: Một ngày nào đó chúng ta sẽ nói với con cháu của chúng ta về cách chúng ta sống, cách chúng ta yêu thương, trong thời kì Đại dịch. Hãy tôn trọng cuộc sống của con người theo cách mà chúng ta sẽ không cảm thấy xấu hổ khi kể cho chúng nghe sự thật.
Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam
Nguồn: God Doesn’t Want Us to Sacrifice the Old – Russell Moore (https://www.nytimes.com)
T