Chúa Giêsu là ánh sáng (Ga 9,1-38)

Bài Tin Mừng Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm A (Ga 9,1-38) kể lại dấu lạ Đức Giêsu chữa một người mù từ thuở mới sinh. Chúng ta có thể gặp lại kinh nghiệm của rất nhiều Kitô hữu nơi câu chuyện này: kinh nghiệm được giải thoát và được đưa vào một cuộc hiện hữu mới mẻ hẳn, nhờ Đức Giêsu Kitô.

The-Jesus-Film-Jesus-healing-Facebook

Bài Tin Mừng gồm ba phần: Đức Giêsu chữa người mù (cc.1-12), phản ứng của hàng lãnh đạo Do Thái (cc.13-34) và sự kiện Đức Giêsu gặp lại người mù vừa được chữa lành (cc.35-38).

(1) Cc. 1-12: Đức Giêsu chữa người mù

Đức Giêsu đã rút lui khỏi đền thờ và ẩn mình đi (8,59), nhưng Ngài không thôi hành động để cứu giúp con người. Đoạn văn Ga 9,1-12 này cần được đọc trong tương quan với lời tuyên bố trước đây của Đức Giêsu: “Tôi là ánh sáng trần gian. Ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (8,12). Lời tuyên bố ấy bây giờ được giải thích một cách rõ ràng khi Ngài làm cho một người mù từ thuở mới sinh được nhìn thấy. Vốn chưa hề bao giờ biết được thế nào là ánh sáng, người mù từ thuở mới sinh này là hình ảnh của những con người chưa từng một lần biết làm người đúng với phẩm giá con người như Thiên Chúa muốn có nghĩa là gì.

Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa” (Silôác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được” (cc.6-7).

Bùn xức trên mắt anh mù ám chỉ việc Thiên Chúa tạo thành con người (x. St 2,7; G 10,9; Is 64,7). Đức Giêsu làm ra bùn ấy từ đất với nước miếng của Ngài: tác giả Tin Mừng có ý nói rằng việc tạo thành con người mới sẽ được thực hiện với đất (xác thịt) và nước miếng (Thần Khí) của Đức Giêsu.

Điều đáng chú ý nữa: Đức Giêsu đã không hề hỏi ý người mù trước khi Ngài chữa lành anh ta. Người mù từ thuở mới sinh chưa hề biết ánh sáng là gì, nên có lẽ anh ta thậm chí cũng không thể có được ước muốn nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên, Đức Giêsu không hề bất chấp tự do của anh ta. Trái lại, sau khi đặt trước mặt con người chương trình của Thiên Chúa, Ngài để cho con người được quyền quyết định: người mù sẽ phải đến hồ Silôác để rửa, và nếu anh chấp nhận làm như thế, anh sẽ được sáng mắt.

Khi thực hiện dấu lạ cho người mù từ thuở mới sinh được nhìn thấy, Đức Giêsu muốn nói rằng Ngài chính là Đấng làm cho những con người đang phải đi trong bóng tối và chưa từng biết về chương trình của Thiên Chúa (mà người mù này là hình ảnh) được giải thoát và được trải nghiệm thực sự thế nào là sự viên mãn của sự sống như Thiên Chúa muốn. Sự kiện đó tạo nên nơi họ một sự thay đổi lớn lao, như đã từng xảy ra với người trước đây bị mù từ thuở mới sinh: ngay cả những người thân cận của anh cũng không nhận ra anh và đâm nghi ngờ về căn cước của anh. “Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao? ” Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” (cc.8-9a).

Luôn luôn bị đặt dưới ách áp bức của các thực tại thế gian và xác thịt, nhiều người thậm chí chẳng hề biết đâu là ý nghĩa đích thực của phận người như Thiên Chúa muốn khi sáng tạo nên con người. Đó cũng là tình trạng của thế giới chúng ta đang sống.

Đức Giêsu đến. Nơi Ngài bừng sáng đến mức độ tuyệt hảo phẩm giá đích thực của con người. Và Ngài luôn sẵn sàng thông ban ánh sáng thực đó cho mọi người. Sứ mạng của Đức Giêsu và của những ai thuộc về Ngài chính là sứ mạng làm cho nhân loại nhận biết và được thụ hưởng ánh sáng đó. Sứ mạng đó được thực hiện không phải chỉ bằng lời nói, mà còn bằng chính cuộc sống và những hành động thực thi ơn giải thoát. Ánh sáng đó sẽ làm cho con người thay đổi hẳn. Và mặc dù là ân huệ nhưng không, nhưng ánh sáng đó đồng thời cũng là ân huệ mà con người phải đón nhận một cách tự do. Đức Giêsu bảo: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa”; anh ta đến rửa ở hồ và thấy được…

(2) Cc. 13-34: Phản ứng của hàng lãnh đạo Do Thái

Đoạn văn này được đóng khung bởi một bên là sự từ khước của một số người Pharisêu: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được” (c.16), và bên kia là lời khẳng định của người mù vừa được chữa lành: “Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (c.33). Như thế là có một sự bất đồng ý kiến liên quan đến những gì đã diễn ra.

Các nguyên lý thần học của những người chống đối Đức Giêsu đã phải phá sản trước những gì đã xảy ra. Phản ứng đầu tiên của họ là phủ nhận thực tế và tìm cách làm cho cha mẹ của người mù vừa được chữa lành phải hùa theo sự dối trá của họ. “Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?” Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.” Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó” (cc.18-23).

Tiếp đó, khi phải đối diện với sự thật hiển nhiên không thể phủ nhận, họ tìm cách áp đặt quyền bính giáo huấn của họ trên người mù vừa được chữa lành. Nhưng sự khôn ngoan của anh, sự khôn ngoan vừa nảy sinh nơi anh do bởi trải nghiệm mới mẻ về sự sống mới và đích thực, đã mạnh mẽ hơn hẳn những ý đồ đen tối của họ. Và người mù vừa được chữa lành từ chối đặt mình dưới những ý đồ đen tối và những lời giải thích không đúng đắn của người Do Thái. Và kết cuộc, họ trục xuất anh khỏi cộng đồng của họ (x.cc. 24-34).

Những người đại diện cho quyền bính tôn giáo – chính trị Do Thái đã không tìm được sự đồng thuận trước những gì Đức Giêsu thực hiện. Công việc của Ngài đã lật nhào những giả định thần học làm nền tảng chống đỡ cho hệ thống của họ. Phản ứng của họ rất điển hình: sau khi tranh luận không đạt kết quả, họ đi đến chỗ đồng ý với nhau sẽ né tránh thực tại.

Trước hết, họ tìm cách phủ nhận những gì đang diễn ra bằng cách coi đó chỉ là những sự thêu dệt không thật. Khi những nỗ lực đó thất bại, họ sử dụng quyền giáo huấn để đánh lạc hướng bằng cách xác định rằng những gì mà người thanh niên kia đã được trải nghiệm như là những thực tại thiện hảo của sự sống thực ra là đối nghịch với những gì Thiên Chúa muốn, và vì thế, không thể coi là chúng xuất phát từ Thiên Chúa, và cũng không thể coi người thực hiện chúng là do Thiên Chúa sai đến!

Để bảo vệ ý thức hệ của mình, họ phủ nhận thực tế hiển nhiên và bẻ cong các giá trị. Họ coi điều thiện là điều ác và điều xấu thành điều tốt. Họ khẳng định ánh sáng là tối tăm và tối tăm là ánh sáng. Thực chất, đằng sau những ý thức hệ mà họ cố bảo vệ, là những đặc quyền đặc lợi mà họ muốn bảo vệ bằng mọi giá, kể cả bằng cách bẻ cong sự thật và sẵn sàng sử dụng bạo lực mà trục xuất những ai không chấp nhận điều họ muốn. Tự coi mình là những người nắm giữ chân lý trong tay, họ lừa dối chính họ và lừa dối người khác.

(3) Cc.35-38: Đức Giêsu gặp lại người mù vừa được lành

Người mù được chữa lành nhất định trung thành với sự thật mà anh đã trải nghiệm. Và do đó, anh bị trục xuất khỏi thiết chế hội đường, nơi những nhà lãnh đạo áp đặt ý thức hệ của họ để khước từ sự thiện hảo dành cho con người.

Đức Giêsu tìm gặp anh và cho anh biết sự thật về Đấng đã đưa anh đến chỗ được hưởng ánh sáng và sự sống. Người đàn ông bị trục xuất khỏi hội đường ấy liền dấn thân gắn bó với Đức Giêsu. Bị gạt ra bên ngoài thiết chế cũ, anh đi vào cộng đoàn mới và bắt đầu cuộc phụng tự mới. “Anh nói [với Đức Giêsu]: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” (c.38).

Người mù trong bài Tin Mừng hôm nay là hình ảnh của những con người đã bị tước mất phẩm giá, đang phải ở trong bóng tối của thân phận những người bị các quyền lực thế gian áp bức và thống trị. “Mở mắt cho người mù” là một dấu hiệu của sứ mạng giải thoát mà Vị Tôi Trung của Đức YHWH thực hiện (Is 42,6; 49,6) trong khung cảnh cuộc xuất hành đệ nhị (Is 35,5.10).

Cũng giống như trong trường hợp người mù từ thuở mới sinh, ơn giải thoát mà Đức Giêsu mang lại cho chúng ta thực sự làm nên nơi chúng ta một cuộc đản sinh thần thiêng và mới mẻ. Sự kiện người mù được chữa lành đã là lời giải thích rất thú vị cho việc được sinh ra bởi Thần Khí mà Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô (Ga 3,6).

Sinh ra bởi “xác thịt” và phải sống triền miên trong tối tăm của “xác thịt”, anh không biết thế nào là làm người theo chương trình và ý định yêu thương của Thiên Chúa: anh sống trong tăm tối và chưa từng một lần được thấy ánh sáng.

Nhưng một khi đã được giải thoát, anh trở thành con người khác hẳn, con người đầy Thần Khí: anh ý thức về căn tính cá vị của mình (9,9: “Anh ta  quả quyết: “Chính tôi đây!””), anh tự do trong suy tư (9,17: anh cho rằng “Người [Đức Giêsu] là một vị ngôn sứ!”), anh độc lập đối với phán đoán của những người cầm quyền (9,24t: “Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi.” Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!”), anh bắt đầu dám bày tỏ lập trường khác biệt, thậm chí là đối nghịch (9,30-31: “Anh đáp: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy”), thậm chí phải trả một giá rất đắt để sống đúng với sự thật (9,34: “Họ trục xuất anh”). Nhưng chính khi ấy, anh được gặp Đức Giêsu và anh tin vào Ngài (9,38: “Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người”).

Chúng ta có thể gặp lại kinh nghiệm của rất nhiều Kitô hữu nơi câu chuyện anh mù từ khi mới sinh được chữa lành trong bài Tin Mừng hôm nay: kinh nghiệm được giải thoát và được đưa vào một cuộc hiện hữu mới mẻ hẳn, nhờ Đức Giêsu Kitô.

Và có lẽ cũng chính trong viễn tượng đó mà màu hồng và việc sử dụng nhạc cụ trong phụng vụ Chúa Nhật IV Mùa Chay hôm nay trở nên có ý nghĩa và sâu sắc hơn đối với chúng ta.

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết