Chúa Giêsu khai mạc công việc rao giảng

Một trong những điểm đặc biệt rất đáng chú ý: sứ điệp của Chúa Giêsu công bố, trước hết và trên hết, hoàn toàn đặt nên tảng nơi chính Thiên Chúa và quyền năng yêu thương của Ngài. Chính quyền năng ấy làm cho chúng ta được vui mừng thực sự, bất chấp những hiểm ngay và tai ương đang còn xảy đến trong đời.

hqdefault

Mc 1,14-15: Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Về thời điểm Đức Giêsu bắt đầu sứ mạng công khai của Người, tác giả Mc xác định: “Sau khi ông Gioan bị nộp”. Đáng chú ý là ông đã không nói rằng “sau khi ông Gioan bị tống ngục”. Động từ “nộp” (paradidonai) được cố ý sử dụng ở đây với một ý hướng đặc biệt. Tác giả Mc chỉ sử dụng động từ này trong trường hợp của ông Gioan, vị tiền hô của Chúa Giêsu (1,14), trường hợp của chính Chúa Giêsu (13 lần) và trường hợp của các môn đệ Chúa Giêsu (13,9.11.12). Như thế là có một sự đồng thân đồng phận giữa vị tiền hô, Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa Giêsu: số phận “bị nộp vào tay người đời” (9,31). Hoạt động rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu được bắt đầu với sự kiệnvị tiền hô của Người bị nộp, nghĩa là với một sự kiện có giá trị hướng chúng ta về số phận “bị nộp vào tay người đời” của chính Chúa Giêsu. Điều này cho thấy rằng ngay từ khởi đầu, sứ mạng của Người đã quy hướng về cuộc khổ nạn mà Người sẽ trài qua sau này như là đỉnh điểm của sứ mạng đó.

Hoạt động đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện trong sứ mạng công khai của Người là “rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa”. Người rao giảng / công bố (keryssein) như một “ông mõ”. Đây là một hoạt động đặc trưng và chính yếu của Người, như được nói trong 1,38-39. Điều rất đáng chú ý là Người rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, tức là tin vui đến từ chính Thiên Chúa và liên hệ tới Thiên Chúa trước hết. Người công bố những thực tại của Thiên Chúa và những điều Thiên Chúa thực hiện vì loài người, chứ không phải là một vài lệnh truyền hay một vài giới răn, cũng chẳng phải một mớ những lý thuyết, những hệ tư tưởng hay chủ nghĩa này chủ nghĩa khác…

“Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (c.15).

“Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”, đó là điều Thiên Chúa đang thực hiện cho nhân loại. Thiên Chúa đã hoàn tất thời buổi và làm cho Triều Đại của Người đến gần. Trong hai mệnh đề này, mệnh đề thứ nhất xác định phẩm chất đặc biệt của thời điểm hiện tại của lời rao giảng của Chúa Giêsu: thời viên mãn. Mệnh đề thứ hai trình bày một cách tỏ tường điều cốt yếu trong cái phẩm chất đó: Triều Đại Thiên Chúa đến gần. Thời điểm hiện tại là một “kairos”, tức là một thời điểm ân phúc tối hậu, thời của sự hoàn thành, thời của những hành động và thực tại mang tính quyết định. Yếu tố chính yếu làm nên tính chất đặc biệt đó chính là sự kiện nó được nối kết với Triều Đại của Thiên Chúa, tức là sự thực hiện viên mãn quyền năng thống trị đầy yêu thương lân mẫn của Ngài. Nói đến Triều Đại Thiên Chúa tức là không chỉ nói đến quyền lực chung chung và toàn năng của Ngài, mà chính yếu là nhấn mạnh quyền lực toàn năng đó trong tương quan với dân mà Thiên Chúa nhận là của Ngài. Dân ấy được Thiên Chúa lãnh đạo, lo toan, chăm sóc, điều khiển, bảo vệ… Những thực tại mà chúng ta kinh nghiệm hằng ngày, thực ra, có vẻ như là những điều đến từ những quyền lực khác chứ không phải từ quyền lực thống trị đầy tình yêu mến của Thiên Chúa: chiến tranh, đói kém, thiên tai, địch họa, bất công, áp bức, nghèo đói, chết chóc… Đối nghịch với tất cả những điều đó, Chúa Giêsu công bố rằng quyền năng thống trị của Thiên Chúa đã đến gần. Đã đến gần rồi cái thực tại quan trọng này: Thiên Chúa toàn năng và từ ái ban cho con người sự sống viên mãn của chính Ngài.

Một trong những điểm đặc biệt rất đáng chú ý: sứ điệp của Chúa Giêsu công bố, trước hết và trên hết, hoàn toàn đặt nên tảng nơi chính Thiên Chúa và quyền năng yêu thương của Ngài. Chính quyền năng ấy làm cho chúng ta được vui mừng thực sự, bất chấp những hiểm ngay và tai ương đang còn xảy đến trong đời. Đặt trong tương quan với biến cố “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”, thì tất cả những thứ quyền lực đang hoành hành trên trần gian và trong cuộc sống hàng ngày của con người ta, thực ra, chỉ là những thứ quyền lực tạm thời và mau qua. Tuy nhiên, cần chú ý rằng Chúa Giêsu không nói: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến xong xuôi rồi”, mà chỉ công bố rằng Triều Đại ấy đã đến gần. Như thế mới có lời mời gọi “Hãy tin vào Tin Mừng” và lời cầu nguyện “xin cho Nước Cha trị đến”.

Sau khi công bố về điều Thiên Chúa đang thực hiện cho nhân loại, Chúa Giêsu nói đến điều mà con người phải thực hiện để đón nhận được thực tại mà Thiên Chúa đang làm ra đó. Người nói: “Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”. Hối cải (metanoein) và tin (pisteuein) không được trình bày như những điều chỉ làm một lần là xong, mà là như những cách hành xử kiên định, thường xuyên, bền bỉ. Đàng khác, có vẻ cách dịch “tin vào Tin Mừng” như chúng ta thường thấy, chưa cho thấy hết được một điểm nhấn quan trọng của tác giả Mc. Ông đã không dùng giới từ eis (vào), mà dùng giới từ en (trong). Nói cách khác, Tin Mừng không chỉ là đối tượng của hành động tin, mà còn phải được hiểu là nền tảng của hai hành động hối cải và tin: “Anh em hãy hối cải và tin, dựa trên nền tảng là chính Tin Mừng được công bố”.

Tin mừng về việc Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại (“Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”) đòi hòi người ta không chỉ thực hiện những hành động bề ngoài, mà chính yếu là thực hiện một sự biến đổi thật sự, một hành động từ bên trong con người thâm sâu của mình, một sự thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa và dấn thân trong một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ trong lòng tin vào Thiên Chúa quyền năng và đầy tình yêu thương.

Trật tự của các nội dung được trình bày trong lời rao giảng của Chúa Giêsu ở đây cũng là một điều đáng chú ý. Trước tiên, Người công bố điều Thiên Chúa thực hiện, rồi sau đó mới nói đến những điều con người phải làm. Đức Giêsu hiện diện trong tư thế là Đấng công bố Tin Mừng, chứ không phải trong tư thế một nhà khôn ngoan đưa ra những lời khuyên bảo. Nhưng đồng thời, sứ điệp của Người được nối kết chặt chẽ với một yêu cầu. Tin Mừng không chỉ được lắng nghe một cách thụ động, mà phải được gắn với một sự tham dự tích cực.

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết