Theo logic về mặt tình cảm, người ta thường đi từ cấp độ thấp đến cấp độ cao. Chẳng hạn, khi một người mẹ muốn hỏi xem đứa con nhỏ của mình yêu mình đến đâu, bà sẽ hỏi: Này con, con có yêu mến mẹ không? Câu hỏi tiếp theo sẽ là: Con có yêu mến mẹ hơn những người khác không? Câu hỏi cuối cùng có thể là: Thật sự, con có yêu mến mẹ trên hết mọi sự không?
Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay dường như đi ngược lại với cái trật tự logic bình thường đó. Đầu tiên Chúa ngỏ lời với ông Phêrô: “Anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không” (Ga 21, 15). Ở đây, ngày từ đầu, Chúa đòi buộc Phêrô phải chọn Chúa hơn tất cả các thực tại trần gian.
Ở câu hỏi thứ hai, Chúa đòi buộc Phêrê xác tín thêm một lần nữa về điều đó.
Sau khi Phêrô xác tín là chọn Chúa trên hết các thực tại trần gian, Chúa mời gọi ông đi vào mối tương quan sâu xa nhất với Chúa, đó là trở nên người bạn thân thiết với Chúa. Động từ được dùng ở câu hỏi thứ ba Chúa đặt cho Phêrô là động từ phileo – trở nên người bạn hữu, chứ không phải động từ agapao – yêu mến.
Khi Phêrô gật đầu đồng ý với lời mời gọi trở nên người bạn hữu với Chúa thì điều đó cũng có nghĩa là từ nay trở đi ông sẽ mang lấy mọi tâm tư của Chúa, để khi người ta gặp ông là người ta thấy được Chúa. Hơn nữa, từ nay trở đi ông cũng phải sống như Chúa, nghĩa là sẵn sàng hiến mạng sống mình vì người khác như Chúa đã làm: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13).
Chúa không chỉ mời gọi Phêrô trở nên người bạn nghĩa thiết với Chúa mà Ngài cũng đang mời gọi bạn và tôi đi vào mối tương giao nghĩa thiết với Ngài như tương giao giữa người bạn với người bạn.
Nhưng có điều đáng tiếc là ở giữa cuộc đời này vẫn có người phải thốt lên: tin Đạo chứ không tin kẻ có Đạo! Điều đó có nghĩa là vẫn còn những phản chứng về Chúa; bạn và tôi cũng như những người có Đạo vẫn chưa thực sự trở nên người bạn nghĩa thiết với Chúa, vẫn chưa hiến mình vì người khác như Chúa đã hiến mình vì chúng ta.
Antôn Hà Nam