Chúa Cha sáng tạo thế giới với Lời và Thánh Thần

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết: “Tuy công trình sáng tạo được coi là của Chúa Cha, nhưng chân lý đức tin cũng dạy: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là nguyên lý duy nhất và không thể phân chia được của công trình sáng tạo” (# 316).

Đó cũng là khẳng định mà trong lịch sử, các Giáo Phụ đã không ngừng xác tín và bảo vệ Đức tin truyền thống của Hội Thánh, như lời Thánh Athanasio: “Chính Chúa Cha làm mọi sự và ban mọi sự nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.”

Chúa Cha sáng tạo nhờ Lời 

Kinh Thánh khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo vũ trụ và Người sáng tạo mọi sự “nhờ Lời.” Thật vậy, ngay từ trang đầu tiên trong Sách Thánh, ta thấy hành động “Thiên Chúa phán” được lặp đi lặp lại nhiều lần (x. St 1, 3. 4. 11. 14. 20. 24. 26. 28tt) như một sự diễn tả tính cách năng động và sáng tạo của Lời của Thiên Chúa và chỉ mình Người mới có khả năng sáng tạo. Thiên Chúa sáng tạo mọi sự từ hư vô, và Lời của Người được phán ra thì mọi sự “liền có” như tác giả sách Khôn Ngoan khẳng định: “Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật” (Kn 9, 1 – 2).

“Thiên Chúa nói Lời,” “Thiên Chúa phán Lời.” Lời của Thiên Chúa ở đây chính là “Lời Nội Tại,” Lời “hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha” (Ga 1, 19), “Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1 – 2). Lời và Ý Cha là một. Lời mang và thực hiện Thánh Ý Cha. Lời có nơi mình một sức mạnh và quyền năng vô biên, để khi “được phán ra” thì “Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Đó là Lời Sáng Tạo làm cho muôn loài muôn vật xuất hiện, “có hiện hữu và tồn tại” trong tình yêu của Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa của Cựu Ước là Thiên Chúa luôn “phán Lời,” “nói Lời” với con người. Có thể nói, “sự tạo dựng nhờ Lời được coi là hành vi đầu tiên và quan trọng của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ” (Bùi Văn Đọc).

Kinh Thánh cho chúng ta thấy Lời Thiên Chúa không ngừng hoạt động suốt dòng lịch sử con người. Con người, trong kinh nghiệm đức tin, gặp gỡ và đụng chạm một vị Thiên Chúa luôn hiện diện và dạy dỗ mình trong và nhờ Lời của Người. Nơi giao ước Sinai, “Lời Thiên Chúa phán” được coi như là một xác quyết về một Thiên Chúa là chủ của tạo thành, là Đấng Giải Thoát và Thiên Chúa Duy Nhất mà dân Israel phải tôn thờ. Lời-được-phán-ra chính là Lề Luật mà Dân phải tuân giữ: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai cập,…Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng…” (Xh 20, 2 – 17; x. Xh 34, 10 – 28). Vì thế, Lời Thiên Chúa mạc khải cho con người được hình dung như một mệnh lệnh phải  tuân theo, nhưng đồng thời, đó cũng là lời dạy dỗ, hướng dẫn và huấn luyện dân đi theo đường lối Người. Qua và nhờ Lời Mạc Khải, vinh quang, uy quyền và ý muốn cứu độ của Thiên Chúa được tỏ hiện cách rõ ràng trong lịch sử con người.

Bên cạnh đó, Lời Thiên Chúa hằng mạc khải trong Cựu Ước cũng được trình tả qua lời công bố của các ngôn sứ. Lời Thiên Chúa phát xuất từ chính Thiên Chúa, Đấng mạc khải Lời của Người cho các ngôn sứ (x. Ed 10, 5; Gr1, 11; Dcr 1, 7). Lời ấy mạnh mẽ đến độ các ngôn sứ bị Lời chiếm ngự, lôi cuốn và buộc các ngài phải tuyên sấm: “Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20, 9) Vì lẽ đó, ngôn sứ trở thành “cửa miệng” của Thiên Chúa, là nơi để Thiên Chúa công bố những hành động tuyên phán, cứu độ và xét xử (x. Gr 5, 14; 1, 9 – 10). “Đó là Lời không thể sai lầm và cũng không làm sao cưỡng lại được, cho dù phải gặp bao nhiêu sự chống đối” (Bùi Văn Đọc).

Và vào thời sau cùng, Lời Thiên Chúa đã thành “sarx”. Lời trở thành cụ thể, có thể “nghe,” “thấy tận mắt,” “chiêm ngưỡng,” và “tay… chạm đến, đó là Lời sự sống” (1Ga 1, 1). Lời được mạc khải như là một Ngôi Vị, là Con Một Duy Nhất của Thiên Chúa. Đó là Lời Tạo Thành, là Thiên Chúa, là Đấng nhờ Người mà “vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1, 3), là Đấng vẫn hằng hiện diện trong tạo thành, cầm giữ tạo thành như là nền móng cho sự hiện hữu của tạo thành. Lời chính là Ánh Sáng và Sự Sống cho tất cả. Nay Lời nhập thể “trở thành” Con Người mang tên Giêsu (x. Ga 1, 1 – 18), Đấng “phận là phận của một vì Thiên Chúa” giờ đây “lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta” (Pl 2, 6 – 7). Phaolô gọi đó chính là “mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ.” Mầu nhiệm đó là “chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1, 25 – 27).

Như thế, Thiên Chúa mà Đức tin Kitô giáo tuyên xưng là vị Thiên Chúa luôn luôn hoạt động với Lời của Người: “Cha Tôi đến nay hằng làm việc thì Tôi cũng làm việc” (Ga 5, 17). Chính nhờ Lời, với Lời và trong Lời mà Thiên Chúa Cha sáng tạo thế giới, mạc khải Danh Người cho dân tộc Israel, giải thoát và ký kết giao ước với họ, và vào thời viên mãn sẽ thực hiện công trình cứu độ toàn vẹn cho toàn thể nhân loại tạo thành, hầu mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng trong Thần Khí Thánh của Người.

Chúa Cha sáng tạo trong Thần Khí

Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ vạn vật nhờ Lời và trong Thần Khí. Thần Khí ở đây  chính là “Hơi Thở” của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa phán “Lời Tạo Thành” ra, thì  “Hơi Thở” cũng cùng được thở ra để chuyển tải Lời và trào tuôn sự sống. “Hơi Thở” chính là sự sống và hơi ấm bên trong Thiên Chúa, giờ đây cùng với Lời được phán ra, sự sống và hơi ấm ấy được “thổi vào” thế giới tạo thành.

Kinh Thánh diễn tả, trong công cuộc tạo dựng, Thần Khí Thiên Chúa “bay là là trên mặt nước” (St 1, 2). Đây là một hình ảnh cho thấy sự hiện diện của “Hơi Thở Sự Sống” của Thiên Chúa. Chính nhờ “Hơi Thở Thánh” này mà mọi sự có sinh khí và sống động; cái gọi là “đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm” (St 1, 1) thì nhờ “Hơi Thở Thánh” mà có sự sống, ánh sáng toả lan và muôn loài sinh sôi nảy nở.

Nói cách khác, chính nhờ  “Lời được phán ra” trong “Thần Khí bay lượn” mà mọi sự từ không thành có, từ hư vô thành hiện hữu, trong một trật tự hài hoà hiệp nhất nhưng lại phong phú phát triển không ngừng. Đó là nguồn gốc của thế giới tạo thành, như lời Thánh Vịnh tụng ca: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33, 6), và “lạy Đức Chúa, sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104, 30).

Hơn nữa, Thần Khí không những bao trùm vũ trụ và hiện diện tác động trong vũ trụ như là sức sống và quyền năng của Thiên Chúa, nhưng trong việc tạo dựng con người, Thần Khí còn hoạt động, thấm nhập vào bên trong, biến xác thể bùn đất vô tri và bất động thành thân thể sinh động.

Thần Khí trong việc tạo dựng con người được xem như là sự thông truyền “Hơi Thở” đến từ Thiên Chúa: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2, 7). Hành động “thổi sinh khí vào lỗ mũi” diễn tả việc Thiên Chúa thông truyền chính sự sống thần thiêng của Thiên Chúa cho con người.

Chỉ duy có con người, được xem như là đỉnh cao của tạo thành mang hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa (x. St 1, 26 – 28), được Thiên Chúa tạo dựng trực tiếp bằng “đôi tay” của Người, và trực tiếp “thổi sinh khí” cho con người (x. St 2, 7). Con người trở thành những “thụ tạo mang Hơi Thở của Thiên Chúa,” những “thụ tạo tinh thần,” những “thụ tạo thuộc về Thần Khí,” những “thụ tạo có linh hồn bất tử.” Nói cách khác, chính Thần Khí của Thiên Chúa làm cho “hình ảnh Thiên Chúa” và sự “giống Thiên Chúa” nơi con người trở nên “sống,” và con người trở thành “bạn hữu” của Thiên Chúa bởi được thông chia chính “sức sống nội tại” của Người. Thần Khí không gì khác hơn chính là hành động thông truyền sự sống của Thiên Chúa và cũng là Đấng Ban Sự Sống.

Như thế, Thần Khí trong công cuộc sáng tạo chính là ân huệ và là quà tặng mà Thiên Chúa ban cho thế giới tạo thành. Nếu Lời-phán-ra khiến cho muôn loài “có” hiện hữu của nó, thì Hơi-Thở-thở-ra làm cho muôn loài “sống” và “sinh sôi nảy nở” (St 1, 11.12. 22. 24. 28). Thần Khí chính là Sự Sống và Quyền Năng của Đấng Tạo Hoá để trong Ngài Thiên Chúa làm cho vạn vật “sinh ra đầy dẫy” nhưng cũng bảo tồn và duy trì tất cả trong ý định quan phòng yêu thương và cứu độ của Người, bởi sinh khí bất diệt của Thiên Chúa ở trong muôn loài muôn vật (Kn 12, 1).

Giuse Đắc Thịnh, C.Ss.R.

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết