Chủ tịch Quỹ Giáo hoàng: Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV có thể thúc đẩy việc gia tăng đóng góp từ thiện trong Giáo hội

Đức Thánh Cha Lêô XIV mỉm cười với đám đông tham dự giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật, ngày 11 tháng 5 năm 2025 (Ảnh: Daniel Ibáñez/ CNA)

Đức Thánh Cha Lêô XIV mỉm cười với đám đông tham dự giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật, ngày 11 tháng 5 năm 2025 (Ảnh: Daniel Ibáñez/ CNA)

Trong khi toàn thế giới hân hoan chào đón sự đắc cử của vị Giáo hoàng đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ, ông Ward Fitzgerald – Chủ tịch Quỹ Giáo hoàng, tổ chức từ thiện duy nhất đặt trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên thực hiện các dự án cứu trợ nhân đạo của Đức Thánh Cha – nhận định rằng triều đại của Đức Thánh Cha Lêô XIV có thể sẽ góp phần gia tăng việc đóng góp từ thiện trong Giáo hội.

“Tôi thực sự tin rằng vì Đức Thánh Cha Lêô là người Mỹ, ngài sẽ có mối liên hệ đặc biệt với người Mỹ, điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng các khoản quyên góp cho những công việc phục vụ người nghèo, những người dễ bị tổn thương và những người bị gạt ra bên lề xã hội”, ông Fitzgerald chia sẻ.

Quỹ Giáo hoàng được tài trợ bởi các khoản đóng góp từ những người được gọi là “Những Quản lý của Thánh Phêrô”, nhằm hỗ trợ các dự án cứu trợ nhân đạo do Đức Giáo hoàng chỉ định và công cuộc đào tạo thường xuyên cho các Linh mục và tu sĩ. “Từ 90 đến 95% các ân nhân này là người Mỹ”, ông Fitzgerald cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng không có khoản đóng góp nào được chuyển đến Vatican hay Tòa Thánh.

Một phần lý do khiến ông Fitzgerald tin rằng việc bầu chọn Đức tân Giáo hoàng có thể tác động tích cực đến việc quyên góp không chỉ cho Quỹ Giáo hoàng mà còn cho Tòa Thánh là vì Đức Thánh Cha Lêô là người nói tiếng Anh bản ngữ.

“Một cách thông thường … Đức Giáo hoàng có vẻ xa lạ với người Mỹ”, ông cho biết. “Chúng tôi, với tư cách là một xã hội, không có quyền có một vị Giáo hoàng nói ngôn ngữ của mình – cũng như các quốc gia khác cũng không có quyền đó. Tuy nhiên, việc giao tiếp tốt hơn có thể giúp khơi dậy đức tin và thúc đẩy các hoạt động của Tòa Thánh”.

“Tôi cho rằng điều này đặc biệt quan trọng trong một thời đại mà tiếc là người ta thường xuyên sử dụng video và điện thoại”, ông ông Fitzgerald cho biết thêm.

Sau cùng, ông Fitzgerald cho biết: “Tôi thiết nghĩ việc giao tiếp bằng lời nói thay vì bằng văn bản sẽ giúp người Mỹ ủng hộ những công việc của Đức Thánh Cha – bao gồm việc phục vụ người nghèo, những người bị gạt ra bên lề và những người dễ bị tổn thương”.

Ông Fitzgerald, người đã từng gặp gỡ Đức Hồng y Robert Prevost – nay là Đức Thánh Cha Lêô XIV – mô tả Đức Thánh Cha về mặt chính trị không phải là người cánh hữu hay cánh tả, mà là một “người ôn hòa nhân hậu” hay “nhân hậu theo xu hướng ôn hòa”.

Ông cho biết triết lý của Đức Thánh Cha Lêô dựa trên ba trụ cột: trân trọng sự hài hòa giữa đức tin và lý trí, được hình thành qua việc học hỏi Thánh Tôma Aquinô; cam kết dẫn đưa mọi người đến với Chúa Kitô, chịu ảnh hưởng từ linh đạo Augustinô; và sự bận tâm sâu sắc đến người nghèo và những người bị gạt ra bên lề, được thể hiện qua sứ vụ mục tử của ngài tại Peru.

Ngoài vai trò là Chủ tịch Quỹ Giáo hoàng, ông Fitzgerald còn là Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập của ExCorde Capital – một công ty đầu tư tư nhân chuyên về thị trường nợ bất động sản và cổ phiếu. Một điều ông cho biết ông hy vọng sẽ thấy dưới triều đại Giáo hoàng của Đức Lêô XIV là sự minh bạch hơn trong vấn đề tài chính của Vatican và quản lý tốt hơn bất động sản của mình.

“Tôi nghĩ rằng Giáo hội hoàn vũ sẽ quảng đại hơn với Tòa Thánh nếu họ hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của Vatican”, ông Fitzgerald nói, đồng thời ghi nhận rằng nhiều người hiện đang có ấn tượng chung là có sự lãng phí và thiếu giám sát.

“Tôi không khẳng định điều đó là đúng hay sai vì tôi không nắm rõ, nhưng tôi nghĩ rằng nếu Tòa Thánh có thể truyền đạt rõ ràng nguồn vốn đang được sử dụng vào đâu… tôi tin rằng thế giới sẽ ủng hộ”, ông nói thêm.

“Thêm vào đó, vì Đức tân Giáo hoàng đến từ Hoa Kỳ, một quốc gia giàu có hơn nhiều quốc gia khác, nên rất có thể Hoa Kỳ sẽ đóng góp vượt phần trách nhiệm của mình cho các mục tiêu ấy”, ông nói thêm.

Về bất động sản của Tòa Thánh, ông Fitzgerald cho biết: dù đôi khi tài sản của Giáo hội là một tài sản thực sự, thì đôi lúc nó cũng có thể trở thành “gánh nặng và cản trở”.

“Giờ đây là lúc cần gỡ bỏ gánh nặng của việc duy trì những tài sản bất động sản không phục vụ sứ mạng loan truyền chân lý của Giáo hội và Chúa Giêsu Kitô”.

Hoàng Thịnh (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết