Chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales cảnh báo: “Quyền được chết” được hợp pháp hóa có thể trở thành “nghĩa vụ phải chết”

(Ảnh: Pixabay)

(Ảnh: Pixabay)

Theo Đức Hồng y Vincent Nichols, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales kiêm Tổng Giám mục Westminster, nếu như việc trợ tử được hợp pháp hóa ở Anh, “một sự bảo vệ quan trọng đối với sự sống con người sẽ mất đi”.

Trong một tuyên bố dự kiến ​​được đọc tại tất cả các Giáo xứ trong Tổng Giáo phận Westminster vào cuối tuần này, vị Hồng y người Anh cho biết quyền được chết “có thể trở thành nghĩa vụ phải chết”.

Tuần trước, nghị sĩ Đảng Lao động Kim Leadbeater tuyên bố bà sẽ trình một dự luật cho phép những người mắc bệnh nan y, có đủ năng lực tâm thần được kết liễu cuộc đời mình với sự hỗ trợ của bác sĩ.

Thủ tướng Đảng Lao động Sir Keir Starmer – người ủng hộ việc trợ tử – đã hứa với các nghị sĩ rằng họ sẽ được “bỏ phiếu tự do” về vấn đề này, nghĩa là họ có thể lựa chọn bỏ phiếu theo lương tâm của mình thay vì theo đường lối của đảng.

“Dự luật Lựa chọn cuối đời” sẽ được trình lên Quốc hội vào ngày 16 tháng 10.

“Lòng trắc ẩn phải là trọng tâm của cuộc trò chuyện này và tôi hy vọng rằng, với vai trò nhỏ bé của mình trong công việc này, tôi có thể nỗ lực tạo điều kiện cho một cuộc tranh luận mạnh mẽ nhưng cũng mang tính tôn trọng và có lòng trắc ẩn, mang lại cho mọi người sự an ủi và hy vọng rằng sẽ có ánh sáng ở cuối đường hầm”, Nghị sĩ Leadbeater trả lời các phóng viên hôm thứ Tư.

“Mọi thứ cần phải thay đổi. Luật hiện hành không còn phù hợp với mục đích nữa”, bà Leadbeater nói.

Đức Hồng y Vincent Nichols, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales kiêm Tổng Giám mục Westminster (Ảnh: CNA)

Đức Hồng y Vincent Nichols, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales kiêm Tổng Giám mục Westminster (Ảnh: CNA)

Trong thông điệp của mình, Đức Hồng y Nichols thừa nhận cuộc tranh luận về việc hợp pháp hóa trợ tử sẽ còn tiếp diễn trong nhiều tháng, cả trong xã hội lẫn tại Quốc hội, trước khi có cuộc bỏ phiếu chính thức.

Đức Hồng y Nichols cảnh báo những người ủng hộ vấn đề này cần phải “cẩn thận với những gì mình mong muốn”.

“Chắc chắn dự luật trình lên Quốc hội sẽ được xây dựng một cách cẩn trọng, đưa ra những tình huống rõ ràng và rất hạn chế mà trong đó việc hỗ trợ, trực tiếp và cố ý, chấm dứt sự sống của một người sẽ trở nên hợp pháp”, Đức Hồng y Nichols nói. “Nhưng xin hãy nhớ rằng, bằng chứng từ mọi quốc gia đã thông qua luật như vậy đều rất rõ ràng: Các trường hợp được phép tước đoạt sự sống ngày càng được mở rộng, khiến cho việc trợ tử và an tử, ngày càng dễ dàng và được chấp nhận hơn”.

Một số hình thức hỗ trợ tử đã được hợp pháp ở Áo, Bỉ, Canada, Đức, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, một số vùng của Hoa Kỳ và cả 6 tiểu bang của Úc.

Tháng trước, Gordon Macdonald, Tổng giám đốc điều hành của Care Not Killing, đã lưu ý về sự mở rộng việc sử dụng dịch vụ trợ tử ở những quốc gia mà nó được hợp pháp hóa.

“Vào thời điểm khi chúng ta nhận thấy việc các biện pháp bảo vệ ở các quốc gia như Canada, Bỉ và Hà Lan đã bị xói mòn nhanh chóng như thế nào vì vậy những người khuyết tật và những người mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, thậm chí cả chứng rối loạn ăn uống hiện đang được an tử, tôi mạnh mẽ kêu gọi Chính phủ tập trung vào việc sửa chữa hệ thống chăm sóc giảm nhẹ đang bị phá vỡ của chúng ta, khiến một trong bốn người Anh được hưởng lợi từ loại hình chăm sóc này không thể tiếp cận được, thay vì thảo luận lại về chính sách nguy hiểm và mang tính ý thức hệ này. Với tình trạng tự tử ở Anh đang ở mức kỷ lục, gây lo ngại về tài chính và Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đang trong tình trạng khủng hoảng, hiện không phải là lúc khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho nhiều vụ tự tử hơn bằng cách hợp pháp hóa trợ tử và an tử”, ông Macdonald nói.

Trong tuyên bố được đọc tại Giáo phận Westminster vào cuối tuần này, Đức Hồng y Nichols thừa nhận rằng đề xuất thay đổi luật có thể là “nguồn an ủi cho một số người”, nhưng đồng thời cũng cho biết thêm rằng “nó sẽ mang lại nỗi sợ hãi và lo lắng nghiêm trọng cho nhiều người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và những người khuyết tật”.

“Những gì được đề xuất hiện nay sẽ không phải là kết thúc của câu chuyện”, Đức Hồng y Nichols cho biết.

Ngài cũng cảnh báo rằng “quyền được chết” có thể trở thành “nghĩa vụ phải chết”.

“Một luật cấm một hành động là một sự ngăn chặn rõ ràng. Một luật cho phép một hành động thay đổi thái độ: Những gì được phép thường được khuyến khích một cách dễ dàng. Một khi luật trợ tử được chấp thuận, một biện pháp bảo vệ quan trọng đối với sự sống con người sẽ mất đi”, Đức Hồng y Nichols viết.

“Áp lực ngày càng gia tăng đối với những người đang cận kề cái chết, từ người khác hoặc thậm chí từ chính bản thân họ, buộc họ phải kết liễu cuộc sống của mình để gánh bớt gánh nặng chăm sóc từ gia đình, để tránh đau đớn hoặc vì lợi ích thừa kế”, Đức Hồng y Nichols tiếp tục.

“Tôi biết rằng, đối với nhiều người, có một nỗi sợ hãi sâu sắc trước viễn cảnh đau khổ kéo dài và mất phẩm giá. Tuy nhiên, bản thân sự đau khổ đó có thể được xoa dịu. Do đó, một phần của cuộc tranh luận này phải là sự cần thiết và nghĩa vụ tăng cường chăm sóc giảm nhẹ và cung cấp dịch vụ chăm sóc cuối đời, để thực sự có thể có, đối với tất cả chúng ta, viễn cảnh sống những ngày cuối đời trong sự đồng hành của những người thân yêu và các chuyên gia y tế tận tâm. Đây thực sự là cái chết trong phẩm giá”, Đức Hồng y Nichols nói.

Đức Hồng y Nichols cho biết thêm rằng “sự thay đổi triệt để trong luật” đang được đề xuất có nguy cơ khiến tất cả các chuyên gia y tế “thay đổi chậm chạp từ nghĩa vụ chăm sóc sang nghĩa vụ giết người”.

Tất nhiên, Đức Hồng y Nichols cũng đưa ra những lý do mang tính tôn giáo hơn để phản đối luật được đề xuất, đồng thời cho biết rằng “quên mất Thiên Chúa làm giảm giá trị nhân tính của chúng ta”.

“Đối với những người có đức tin vào thiên Chúa – phần lớn dân số thế giới – chân lý đầu tiên là sự sống, xét cho cùng, là một món quà của Đấng Tạo Hóa. Sự sống của chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa và sẽ tìm thấy sự viên mãn trong Chúa”, Đức Hồng y Nichols viết.

Ngài cho biết biểu hiện rõ ràng nhất của đức tin Kitô giáo là “mỗi con người đều được tạo dựng  theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa”.

“Đó là nguồn gốc của phẩm giá của chúng ta và nó là duy nhất đối với con người. Nỗi đau khổ của con người không phải là vô nghĩa. Nó không phá hủy phẩm giá đó. Đó là một phần nội tại trong hành trình của con người, một hành trình được Ngôi Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa, chính Chúa Giêsu Kitô, ôm lấy. Người đưa nhân loại của chúng ta đến vinh quang trọn vẹn chính qua cánh cổng đau khổ và cái chết”, Đức Hồng y Nichols viết.

“Chúng ta nhận thức rất rõ rằng đau khổ có thể đưa con người đến trạng thái tinh thần khủng khiếp nhất, thậm chí khiến họ tự tử, trong những trường hợp thường gặp nhất là khi họ thiếu sự tự do thực sự về tinh thần và ý chí, và do đó không phải chịu bất kỳ tội lỗi nào”, Đức Hồng y Nichols tiếp tục.

 “Nhưng dự luật được đề xuất này lại hoàn toàn khác. Nó tìm cách trao cho một người có ý chí và trí tuệ lành mạnh quyền hành động theo cách rõ ràng trái ngược với một sự thật nền tảng: Sự sống của chúng ta không phải là tài sản của riêng chúng ta, để tùy ý quyết định theo cách chúng ta cảm thấy phù hợp. Đây không phải là quyền tự do lựa chọn mà chúng ta có thể tự mình thực hiện mà không làm suy yếu nền tảng của lòng tin và phẩm giá chung mà một xã hội ổn định được xây dựng dựa trên đó”, Đức Hồng y Nichols nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết