Chủ tịch được chỉ định của COP28 hội kiến Đức Thánh Cha Phanxicô để thảo luận về các mục tiêu chung về khí hậu

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Chủ tịch chỉ định của COP28 UAE, Tiến sĩ Sultan Al Jaber vào thứ Tư, ngày 11 tháng 10 năm 2023, tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Chủ tịch chỉ định của COP28 UAE, Tiến sĩ Sultan Al Jaber hôm thứ Tư, ngày 11 tháng 10 năm 2023, tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Tiến sĩ Sultan Al Jaber, chủ tịch được chỉ định của COP28 UAE, tại Vatican. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trước cuộc họp COP28 được tổ chức tại Expo City Dubai từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 12 tháng 12.

Hội nghị các bên (COP) là hội nghị thường niên được thành lập sau khi ký kết hiệp ước Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) vào năm 1992 tại Hội nghị Rio của Liên Hợp Quốc, còn được gọi là Hội nghị thượng đỉnh Trái đất. COP đại diện cho tất cả các quốc gia tham gia UNFCCC và là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới, đại diện cho các chủ thể nhà nước và phi nhà nước, gặp gỡ và thảo luận về các mục tiêu chính sách nhằm thiết lập các mục tiêu chung – và thường đầy tham vọng – để giảm thiểu vấn đề biến đổi khí hậu.

Một số mục tiêu chính của COP28 bao gồm khử cacbon, đạt mức phát thải khí mêtan bằng 0 vào năm 2030, thay đổi cơ chế tài chính để chuyển đổi năng lượng bền vững, và phát triển các hệ thống công bằng và toàn diện.

Trong cuộc gặp ngày 11 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô và ông Al Jaber đã thảo luận về vai trò của các nhà lãnh đạo đức tin và các tổ chức dựa trên đức tin trong việc thúc đẩy các mục tiêu về khí hậu của COP28.

Theo thông cáo báo chí của COP28, một sáng kiến quan trọng dành cho các nhà lãnh đạo đức tin sẽ là hội nghị thượng đỉnh toàn cầu mang tên ‘Confluence of Conscience’, sẽ diễn ra vào ngày 6-7 tháng 11 tại Abu Dhabi. “Chủ tịch COP28 cũng sẽ đồng tổ chức Faith Pavilion tại COP28, đánh dấu gian hàng đầu tiên theo kiểu như vậy tại một sự kiện COP”, thông cáo báo chí cho biết.

Ông Al Jaber cũng nhân cơ hội này để cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì những nỗ lực của ngài trong việc thúc đẩy vận động cho vấn đề biến đổi khí hậu.

“Tôi muốn cảm ơn Vatican, dưới Triều đại Giáo hoàng của ngài, vì công việc ủng hộ tham vọng cao hơn về hành động vì khí hậu và công lý xã hội. Bản cập nhật của ngài về Laudato Si’ 2015: Về việc Chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta thực sự truyền cảm hứng. Chúng tôi mong muốn đảm bảo rằng COP28 khuếch đại lời kêu gọi hành động từ các nhà lãnh đạo tôn giáo và chúng tôi dự định thực hiện điều này thông qua hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo đức tin toàn cầu tại Abu Dhabi”, ông Al Jaber nói.

“Chắc chắn sự can thiệp và vận động hành động của ngài sẽ truyền cảm hứng cho hàng triệu người và sẽ giúp chúng tôi nâng cao tham vọng tại COP28 mà chúng tôi rất cần phải điều chỉnh. Ngoài ra, tôi muốn đề nghị ngài cử một đại diện của Vatican tới hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo đức tin toàn cầu tại Abu Dhabi”, ông Al Jaber tiếp tục.

Chủ tịch được chỉ định của COP28, Tiến sĩ Sultan Al Jaber, đến từ UAE, tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một món quà tại cuộc gặp gỡ hôm thứ Tư, ngày 11 tháng 10 năm 2023, tại Vatican  (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Chủ tịch được chỉ định của COP28, Tiến sĩ Sultan Al Jaber, đến từ UAE, tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một món quà tại cuộc gặp gỡ hôm thứ Tư, ngày 11 tháng 10 năm 2023, tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Ông Al Jaber đã được công bố là chủ tịch được chỉ định của COP28 vào tháng Giêng. Ông cũng là Bộ trưởng công nghiệp và công nghệ tiên tiến của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Đặc phái viên về khí hậu, chủ tịch của Masdar, một công ty năng lượng tái tạo có trụ sở tại Abu Dhabi, và Giám đốc điều hành của Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi.

Hiện tại, có 198 bên tham gia UNFCCC. Tòa Thánh đã tham gia cả hiệp ước UNFCCC lẫn Hiệp định Khí hậu Paris 2015 (còn gọi là Thỏa thuận Paris) vào năm 2022 với tư cách là một bên không thuộc Phụ lục I (các bên thuộc Phụ lục I bị ràng buộc về mặt pháp lý cần phải giảm phát thải khí nhà kính; các bên không thuộc Phụ lục I , điển hình là các quốc gia đang phát triển, chỉ được yêu cầu báo cáo lượng khí thải)

Tòa Thánh bày tỏ rằng việc gia nhập sẽ cho phép Tòa Thánh “đóng góp và hỗ trợ về mặt luân lý cho nỗ lực hợp tác của tất cả các quốc gia, phù hợp với trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt và khả năng tương ứng của họ, trong một phản ứng hiệu quả và phù hợp trước những thách thức được đặt ra bởi vấn đề biến đổi khí hậu đối với nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta”.

Vận động cho vấn đề biến đổi khí hậu là trọng tâm trong Triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô. Thông điệp Laudato Si’ năm 2015 của ngài nhấn mạnh nghĩa vụ luân lý cần phải bảo vệ hành tinh khỏi những tác động tai hại nhất của vấn đề biến đổi khí hậu cũng như sự đồi buộc về mặt luân lý trong việc xây dựng các hệ thống mới để chống đói nghèo và đạt đến mức độ phát triển bền vững.

Vào ngày 4 tháng 10, Đức Thánh Cha đã công bố Tông Huấn Laudate Deum rất được mong đợi của mình, được coi là phần thứ hai của Thông điệp Laudato Si’.

“8 năm đã trôi qua kể từ khi tôi công bố Thông điệp Laudato Si’, khi tôi muốn chia sẻ với tất cả quý vị, những anh chị em của tôi trên hành tinh đau khổ của chúng ta, những sự bận tâm chân thành của tôi về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Tuy nhiên, theo thời gian, tôi nhận ra rằng những phản ứng của chúng ta vẫn chưa thỏa đáng, trong khi thế giới chúng ta đang sống đang sụp đổ và có thể tiến gần đến điểm bùng phát”, Đức Thánh Cha viết.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết