BEIRUT — Vụ việc một chiếc thuyền nhỏ bị lật úp khi chở quá tải hành khách đang cố gắng rời khỏi Lebanon một cách bất hợp pháp là “bằng chứng lớn nhất về cuộc khủng hoảng tồi tệ” mà đất nước này đang phải chịu đựng khi nó tiếp tục chìm sâu về mặt kinh tế, Cha Michel Abboud thuộc Dòng Cát Minh, Chủ tịch Caritas Lebanon, cho biết.
Trong số các nạn nhân của thảm kịch vào ngày 23 tháng 4 ngoài khơi gần thành phố Tripoli, miền bắc nước này có một trẻ sơ sinh chỉ mới 40 ngày tuổi.
Con thuyền được cho là chở 84 người, bao gồm trẻ em, phụ nữ, đàn ông và một số người già. Tính đến ngày 25 tháng 4, số người chết là 6 người; 45 người đã được giải cứu và cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục, Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn cho biết.
Đại tá Haitham Dinnaoui, chỉ huy lực lượng hải quân của quân đội Lebanon, phát biểu với truyền thông vào ngày 24 tháng 4 rằng con thuyền có “tải trọng tối đa cho phép chỉ 10 người”. Không có áo phao hay xuồng cứu sinh nào trên thuyền, Đại tá Dinnaoui cho biết.
Các hành khách chủ yếu là những người tị nạn Syria và người Lebanon.
Trong Thánh lễ được cử hành vào nngày 24 tháng 4 nhân Lễ Lòng Chúa Thương Xót, Đức Hồng y Bechara Rai người Lebanon, Thượng phụ Công giáo Maronite, đã bày tỏ sự đau buồn của mình về thảm kịch chìm thuyền, đồng thời lưu ý rằng các hành khách “đang cố gắng trốn thoát bất hợp pháp khỏi thực tế cay đắng của cuộc đời họ”.
Đức Hồng Y Rai bày tỏ hy vọng về việc giải cứu những người vẫn mất tích và gửi “lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn khủng khiếp này, cầu xin Thiên Chúa Toàn năng cho linh hồn họ được yên nghỉ và ban cho gia đình họ sự an ủi để chịu đựng nỗi đau mất mát của họ”.
Truyền thông địa phương đađưa tin những người sống sót cáo buộc quân đội cố tình đâm một tàu hải quân vào con thuyền. Đại tá Dinnaoui cho biết thuyền trưởng của chiếc thuyền di cư đã cố gắng vượt qua tàu hải quân, dẫn đến vụ tai nạn.
Một công dân Lebanon đã bị bắt vì tình nghi có liên quan đến hoạt động buôn lậu.
Điều kiện sống ngày càng xấu đi của Lebanon ở quốc gia từng có thu nhập trung bình đã khiến người dân phải thực hiện các biện pháp tuyệt vọng để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.
Kể từ cuối năm 2019, tiền tệ của Lebanon đã mất giá hơn 90%. Nghèo đói hiện đã trở thành hiện thực đối với hơn 80% dân số trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái với tình trạng thiếu điện, thuốc men, nhiên liệu và lương thực trầm trọng.
“Mọi người thường chạy trốn khỏi hai hình thức dẫn đến sự chết chóc, hoặc chết vì chiến tranh, hoặc chết vì đói. Điều đã xảy ra ở Tripoli là mọi người đang cố gắng thoát khỏi nạn đói và tìm kiếm một nơi mà họ cảm thấy an toàn, một nơi mà họ có thể tìm thấy tương lai cho chính mình và cho con cái của họ”, Cha Abboud phát biểu với CNS vào ngày 25 tháng 4.
“Những sự việc chúng ta đã chứng kiến là một sự xác nhận rằng tình hình đang trở nên tồi tệ hơn”, Cha Abboud nói.
“Caritas đã và đang nỗ lực hết sức để sát cánh cùng những người nghèo ở mọi quốc tịch và cung cấp các nhu cầu cơ bản từ việc nằm viện, thực phẩm, tài chính và y tế, v.v.”, Cha Abboud nói. “Nhưng rõ ràng là nhu cầu đã trở nên rất lớn, và chúng tôi không thể tiếp tục một mình. Chúng tôi cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và tất cả các nhà tài trợ và những người ủng hộ có tấm lòng hảo tâm”.
Trong khi những người rời khỏi Lebanon bất hợp pháp như vậy thường là những người tị nạn Syria, trong đó có khoảng 1,5 triệu người ở Vùng đất Cedars, ngày càng có nhiều người dân Lebanon mạo hiểm với những biện pháp tuyệt vọng như vậy để chạy trốn khỏi quê hương đang bị khủng hoảng của họ.
Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết Lebanon đã chứng kiến sự gia tăng các chuyến ra khơi kể từ năm 2020, khi 38 chiếc thuyền với hơn 1.500 hành khách cố gắng thực hiện các chuyến hành trình nguy hiểm. Hơn 75% các tàu bị đánh chặn hoặc quay trở lại Lebanon.
Điểm đến chính là Síp, một thành viên của Liên minh Châu Âu cách Biển Địa Trung Hải 100 dặm. Những người di cư chạy trốn với hy vọng cuối cùng sẽ được sang châu Âu.
Cuộc khủng hoảng kinh tế của Lebanon – được coi là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ những năm 1850 – đã được đổ lỗi cho nhiều thập kỷ quản lý chính trị yếu kém và tham nhũng.
Thảm kịch đã làm dấy lên các cuộc biểu tình ở Tripoli và xung quanh Lebanon, bao gồm cả trước tư gia ở Tripoli của Thủ tướng Lebanon Najib Mikati, một tỷ phú. Tripoli là thành phố nghèo nhất của Lebanon.
Minh Tuệ (theo Crux)