
Ông Thomas Heine-Geldern, Chủ tịch tổ chức Giáo hoàng mang tên “Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ” (ACN)
Đối với ông Thomas Heine-Geldern, Chủ tịch của tổ chức Giáo hoàng mang tên ‘Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ’ (ACN): “Năm 2019 là năm của các vị Anh hùng Tử đạo, một trong những năm đẫm máu nhất đối với các Kitô hữu trong lịch sử. Nó lên đến đỉnh điểm trong các vụ tấn công nhằm vào ba nhà thờ tại Sri Lanka khiến hơn 250 người thiệt mạng. Chúng tôi cũng rất quan tâm đến tình hình của các Kitô hữu tại Trung Quốc và Ấn Độ”.
Nói một cách tích cực, “các chính trị gia và các nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng và có tiếng tăm tại Tây Âu hiện đang đề cập đến vấn đề tự do tôn giáo hơn bao giờ hết”. Như một ví dụ đáng khích lệ, ông Heine-Geldern đã đề cập đến thông điệp video được ghi lại bởi người thừa kế của Anh, Thái tử Charles, gửi cho tổ chức ACN nhân dịp lễ Giáng sinh. Trong đoạn video này, Thái tử Charles đã đề cập đến sự đau khổ và cuộc đàn áp ngày càng gia tăng của các Kitô hữu trên toàn thế giới và đồng thời kêu gọi tinh thần liên đới với họ.
Trong bối cảnh này, ông Heine-Geldern một lần nữa kêu gọi các tổ chức đa quốc gia và quốc tế – chẳng hạn như Liên minh Châu Âu và Liên Hợp Quốc – cho phép và bảo vệ tự do tôn giáo như một quyền cơ bản của con người ở tất cả các cấp và ở tất cả các quốc gia. “Ngày càng có nhiều người nói về tự do tôn giáo, nhưng vẫn còn quá ít hành động thiết thực được đưa ra. Thật khó có thể tin rằng nơi một đất nước chẳng hạn như Pháp, các vụ tấn công nhắm vào các tổ chức Kitô giáo vượt xa con số 230 trong năm qua. Cũng gây sốc đó là các sự kiện tại Chile, nơi mà 40 nhà thờ đã bị xúc phạm và hư hại kể từ giữa tháng 10”.
Hướng về phía châu Phi, Chủ tịch của tổ chức ACN đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với tình hình của các Kitô hữu ở Nigeria, nơi mà những kẻ khủng bố Hồi giáo Boko Haram luôn khiến cho miền Bắc và khu vực dọc biên giới tới Cameroon luôn trong tình trạng sợ hãi. “Vào đêm Giáng sinh, Kwarangulum, một ngôi làng ở bang Borno nơi có nhiều anh chị em Kitô hữu sinh sống, đã bị các chiến binh thánh chiến tấn công. Bảy người đã bị bắn chết, một phụ nữ trẻ bị bắt cóc và nhiều ngôi nhà và nhà thờ đã bị thiêu rụi. Chỉ một ngày sau đó, một bè đảng của tổ chức IS đã công bố một đoạn video cho thấy cảnh hành quyết 10 Kitô hữu và một người Hồi giáo ở phía đông bắc Nigeria. Chúng tôi vô cùng đau buồn trước vụ việc này. Chúng ta đang mừng lễ trong khi những người khác đang phải chịu cảnh tang tóc và sống trong sợ hãi”.
Theo ông Heine-Geldern, năm 2019 cũng là một năm thảm họa đối với các Kitô hữu ở Burkina Faso. Chủ tịch của tổ chức ACN tiếp tục mô tả, từng chút một, việc các Kitô hữu đang bị đẩy ra ở một số khu vực trong nước. Nhiều trường học và nhà nguyện đã phải đóng cửa. “Các nguồn tin của chúng tôi đã báo cáo rằng đã xảy ra ít nhất 7 vụ tấn công nhằm vào các cộng đồng Công giáo và Tin lành vốn đã dẫn đến cái chết của 34 Kitô hữu – trong số đó có hai linh mục và hai mục sư. Các đối tác dự án của chúng tôi đã nói về những nỗ lực gây ra tình trạng bất ổn trong nước, kích động cuộc xung đột tôn giáo cũng như khuấy động bạo lực”.
Tình hình của các Kitô hữu ở Cận Đông luôn nằm trong suy nghĩ và những lời cầu nguyện của Chủ tịch của tổ chức ACN. Trong bối cảnh này, ông Heine-Geldern đã trích dẫn những lời của Đức Tổng Giám mục Địa phận Erbil, Đức Cha Bashar Matti Warda, vốn đã thu hút sự chú ý đối với những nguy hiểm và tình hình của các Kitô hữu ở Iraq: cuộc xâm lược của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo “chỉ là một trong rất nhiều vụ tấn công nhằm vào cộng đồng các Kitô nơi đây”. Vị Giám chức cũng cho biết thêm rằng cuộc xâm lược đã xảy ra trước một số vụ tấn công khác trong lịch sử và “với mỗi vụ tấn công, số lượng các Kitô hữu ở Iraq – và Syria – đã giảm một cách đáng kể”. Theo vị Giám chức, cuộc khủng hoảng đang ngày càng leo thang ở Lebanon đã làm trầm trọng thêm tình hình của các Kitô hữu ở nước này, đồng thời có tác dụng phụ là tạo ra nhiều trở ngại cho công việc viện trợ cho Syria.
Tuy nhiên, ông Heine-Geldern đã nhìn lại một năm với thái độ biết ơn. “Vẻ đẹp trong tất cả mọi công việc của chúng tôi đó là, ngoài thập giá và sự đau khổ, chúng tôi còn có thể trải nghiệm tận mắt sự tận tụy và tình yêu sâu sắc của rất nhiều người. Hãy lấy Syria làm ví dụ. Một đất nước mà trên thực tế hiện vẫn còn chiến tranh và đang phải chịu những hậu quả của chiến tranh. Trong vài năm qua, chúng tôi đã nhiều lần đến thăm đất nước này và thật cảm hứng khi mà tất cả mọi người – những anh chị em giáo dân, các Nữ tu, các Linh mục và Giám mục hi sinh tận tụy, được hỗ trợ bởi sự quảng đại của các ân nhân của chúng ta – đang nỗ lực làm tất cả mọi thứ có thể và không thể nhằm làm giảm bớt những khó khăn về mặt tinh thần và vật chất của người dân”.
Minh Tuệ (theo Zenit)