Chính trị “đà điểu”

Dư âm của việc hơn mười nghìn người dân Hà tĩnh “chiếm thành Formosa” còn đang lan tràn mạnh mẽ, từ quốc nội sang lãnh vực quốc tế khiến nhiều người bàng hoàng: “Cái gì xảy ra vậy?”, hoặc “như thế là thế nào?”.

Sự kiện sôi sục ấy vừa kích thích sự háo hức của rất nhiều người “luận bàn” về ý nghĩa, mức độ, tầm vóc, vừa khiến cho đám đông những kẻ “cuồng đảng” luống cuống tìm cách bao biện, binh đỡ, chửi bới, kể cả muốn thấy có một “Thiên an môn” tại Vũng Áng.

Toàn bộ hệ thống thông tin và tuyên truyền im bặt trước sự kiện này. Vài tờ báo lẻ đưa những tin ngắn và sai lệch. Nhà cầm quyền cộng sản tỏ ra vẻ “bất cần đời”, coi đó không đáng quan tâm so với những vấn đề nóng hổi khác, như vụ “trảm” tổng biên tập báo Petrotimes Nguyễn như Phong – người “nổi tiếng” với quan điểm thật ấn tượng, là làm báo phải như con chó, nhà báo phải như “nhà” chó, hay như vụ cá chết hàng loạt ở Hồ Tây – Hà Nội mấy ngày qua, với những biện pháp giải quyết tích cực, kịp thời của nhà cầm quyền một cách “đáng ngạc nhiên”.

Không đả động đến việc “Formosa thất thủ”, mà hướng dư luận đến việc “giải cứu Hồ Tây”, phải chăng nhà cầm quyền cộng sản đang chơi trò “không biết, không nghe, không thấy”? Người khác bảo đó là kiểu chính trị như cái con… “đà điểu” theo mô tả của sách “Một vạn câu hỏi vì sao?” của tác giả Đức Thành, NXB Hồng Đức xuất bản tháng 9/2015.

lac da

Ô hô! Sự kiện người dân Hà Tĩnh “cưỡi” trên lưng “con lạc đà Formosa” hôm mùng 2/10/2016 to đùng thế kia, âm vang khí thế như vậy, mà “hấp háy” thế nào trở thành như cái con… “đà điểu Hồ Tây” với cách giải quyết chóng vánh, vì cá nào mà chẳng… chết; giải quyết trước hay sau, giải quyết thế nào, giải quyết theo ý ai cũng là… giải quyết.

Thế nhưng, dù có “in ra chữ”, có “mô tả” thế nào, thì “con lạc đà” không vì thế mà nghiễm nhiên trở thành như cái con… “đà điểu”. Sự im lặng “rúc đầu” xuống cát của nhà cầm quyền trước khí thế hừng hực trước cuộc biểu tình ngày 2/10/2016 vừa cho thấy sự lúng túng, vừa cho thấy sự bất lực thảm hại trước hơn 10.000 người dân đòi Formosa phải đến bù thoả đáng cho người dân, phải làm sạch môi trường biển, không được xả thải ra sông Quyền và phải đóng cửa.

Điều làm người dân phẫn nộ là lực lượng cảnh sát, quân đội, trang bị mọi khí tài, thay vì đứng về phía người dân mình đòi lẽ công bằng, đòi pháp luật phải nghiêm minh, lại dàn hàng ngang trước cổng chính của nhà máy Formosa “đối đầu” với chính người dân đang trong cảnh khốn cùng, trong đó có gia đình, có họ hàng cận thân của họ, như thể họ là đội quân của Formosa, không còn là “Quân đội Nhân Dân”, “Công an Nhân Dân” và cả “Chính quyền Nhân Dân” này nữa.

“Mũi tên tẩm độc Formosa” gây cho người dân Hà Tĩnh cái cảm giác đau nhói, tê buốt. Vì họ liều mình đứng dậy đòi công lý đâu phải cho riêng họ, nhưng cho toàn dân tộc Việt Nam, trong đó có người thân, có gia đình những người lính cầm súng đang chĩa vào họ.

Cuộc biểu tình kết thúc, đồng nghĩa với việc bước vào một giai đoạn mới. Việc “phất cờ chiến thắng” trên cổng thành Formosa đã trở thành như một chiến thắng hào hùng trên nỗi sợ thâm căn cố đế, và đưa ra một tối hậu thư với quyết tâm đồng lòng sát cánh với nhau, đấu tranh kiên trì cho đến thắng lợi hoàn toàn, theo như tâm nguyện của đồng bào bốn tỉnh Miền Trung.

Cho đến bay giờ chính quyền vẫn chưa có động thái gì, đang loay hoay với vụ cá chết ở Hồ Tây, hay vẫn như cái con… “đà điểu”, vùi đầu xuống cát?

Âm hưởng của việc “chiếm thành Formosa” một cách ôn hoà và văn minh, là hành động chưa từng có trong lịch sử, với những tính chất bất bạo động, thể hiện sự tự giác và tự trọng, không hận thù, hờn căm, không đập phá hoặc “đòi nợ máu” ai, làm nức lòng những người có lương tri, trong đó có cả những đảng viên đã bỏ đảng, những cựu cán bộ nhà nước. Những người ấy đồng ý rằng, hành động của người dân Kỳ Anh – Hà Tĩnh là đúng, là chính đáng và cần thiết để bày tỏ lập trường qua thái độ kiên quyết này, để buộc nhà nước phải trở về với “Nhân Dân”, mở ra con đường đối thoại trong sự tôn trọng những “người chủ” của đất nước, giải quyết vấn đề theo yêu cầu của họ, không vì bảo vệ quyền lợi của Formosa mà hy sinh chính những người dân của mình.

Có lẽ tinh thần bất bạo động, với sự nhất quán, đồng lòng đoàn kết, để biểu lộ ý chí của mọi người hôm ấy đã thúc đẩy sự thành công ngoài mức tưởng tượng, và cũng khiến nhà cầm quyền phải bối rối, không dám manh động sử dụng bạo lực trấn áp như thường thấy.

Người dân đang chờ nhà cầm quyền đối thoại để tỏ rõ lập trường qua vụ Formosa này, trước mắt là việc giải quyết những lá đơn khởi kiện Formosa. Như thế là buộc nhà nước phải dứt khoát chọn lựa đồng bào hay Formosa, như trước đây Formosa đã buộc người dân phải chọn cá hay thép, và họ đã biết câu trả lời của người dân.

Linh mục Phêrô Trần Đình Lai, Chánh xứ Đông Yên, Giáo phận Vinh, người tổ chức cuộc biểu tình nói:“Đó là một bài học cho họ hiểu sức mạnh của quần chúng. Người dân Việt Nam sống trong một đất nước tự do, có chủ quyền mà không hơn gì một người nô lệ, rất là tệ. Do đó họ phải đứng lên họ đòi lại quyền sống của mình thôi. Nhà cầm quyền phải nhận ra điều đó để thay đổi cách lãnh đạo của mình, cách phục vụ dân của mình”.

Không biết nhà cầm quyền cộng sản có lắng nghe và thay đổi cách lãnh đạo được định nghĩa là phục vụ người dân, hay vẫn như cái con… đà điểu” vùi đầu xuống cát?

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết