Chính quyền Trung Quốc phá hủy hai ngôi Thánh đường kính Đức Mẹ bất chấp thỏa thuận Vatican-Trung Quốc

Là một phần của cuộc đàn áp đang diễn ra liên quan đến việc thực hành tôn giáo trong nước, chính quyền Trung Quốc đã phá hủy hai ngôi Thánh đường Công giáo kính Đức Mẹ trong tuần trước. Động thái diễn ra chỉ một tháng sau khi chính phủ Trung Quốc ký một thỏa thuận với Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục.

Theo các báo cáo từ AsiaNews, chính quyền đã phá hủy nhà thờ kính Đức Mẹ Bảy Sự tại Dongergou (Sơn Tây), và nhà thờ kính Mẹ Núi  Anlong (Quý Châu).

Hai ngôi Thánh đường này là địa điểm hành hương cho cả Giáo hội Công giáo Trung Quốc chính thức và Giáo hội Công giáo “hầm trú” tại Trung Quốc.

Các nhà chức trách cho rằng ngôi Thánh đường tại Anlong bị phá hủy do thiếu giấy phép xây dựng cần thiết. Các tín hữu Công giáo địa phương đã phát biểu với AsiaNews rằng họ tin rằng việc phá hủy là một phần của cái gọi là những nỗ lực “Hán hóa” của Đảng Cộng sản để đưa Giáo hội Công giáo phù hợp hơn với sự hiểu biết của chính phủ về văn hóa, xã hội và chính trị Trung Quốc.

Tháng trước, Toà Thánh đã thông báo rằng ĐTC Phanxicô đã ký một thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc hướng tới việc bình thường hóa tình hình của các tín hữu Công giáo Trung Quốc.

Giáo hội tại Trung Quốc đã bị chia rẽ giữa Giáo hội “hầm trú” hiệp thông trọn vẹn với Rôma, và Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CPCA), trung thành với chính phủ chứ không phải Vatican.

Chính phủ Trung Quốc đã bổ nhiệm các giám mục là thành viên thuộc Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, bao gồm các vụ bổ nhiệm bất hợp pháp mà không có sự chấp thuận của Rome.

Trong khi những thông số chính xác của hiệp ước không được biết rõ, Vatican đã tuyên bố vào hồi tháng Chín rằng ĐTC Phanxicô đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông đối với bảy giám mục được bổ nhiệm bất hợp pháp sau khi ký kết một thỏa thuận tạm thời với chính phủ Trung Quốc.

Hai giám mục do chính phủ bảo lãnh gần đây đã tham dự Thượng Hội đồng về Giới trẻ được tổ chức tại Rome. Một trong số đó, Đức Giám Mục Joseph Guo Jincai, đã bị Rôma ra vạ tuyệt thông tại thời điểm ngài được bổ nhiệm vào năm 2010.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, Bắc Kinh có thể đề nghị các ứng viên giám mục, nhưng Đức Giáo Hoàng sẽ là người đưa ra phê duyệt cuối cùng.

Thỏa thuận này nhằm mục đích bình thường hóa tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc, tiến tới sự thống nhất giữa các Giáo hội hầm trú và Giáo hội chính thức được chính phủ phê chuẩn.

Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc, mà Roma gọi là mang tính “mục vụ” chứ không phải “ngoại giao” đã bị chỉ trích dữ dỗi bởi các nhóm nhân quyền và một số nhà lãnh đạo Giáo hội, trong đó có Đức Hồng y Joseph Zen.

ĐHY Zen, nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông đã viết trong một bài báo được đăng trên tờ New York Times hồi tuần trước rằng thỏa thuận này chính là một bước tiến tới “sự hủy diệt” của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc.

Các đoạn băng video do người dân địa phương chụp và đăng trên AsiaNews vào hồi tuần trước cho thấy các nhà chức trách đã sử dụng cần cẩu để tháo dỡ các bức tượng khỏi hai ngôi Thánh đường kính Đức Mẹ; trong một đoạn video khác, tiếng búa khoan có thể được nghe thấy từ việc phá hủy nhà thờ kính Mẹ Núi Anlong.

Việc phá hủy hai ngôi Thánh đường này là những vụ việc mới nhất trong một loạt những hành động được thực hiện chống lại các địa điểm tôn giáo, vốn đã được tiếp tục trong suốt năm 2018.

Vào tháng 12, một nhà thờ Công giáo ở tỉnh Thiểm Tây đã bị phá hủy hoàn toàn, mặc dù trước đây nhà thờ này đã có được giấy phép pháp lý cần thiết từ Văn phòng Tôn giáo, theo AsiaNews.

Vào cuối tháng Hai, chính quyền địa phương đã cưỡng bức dỡ bỏ Thánh giá, các bức tượng và tháp chuông khỏi một nhà thờ Công giáo, theo một báo cáo của Liên minh Công giáo Châu Á (Union of Catholic Asian News).

Vào tháng Năm, tổ chức nhân quyền China Aid đã báo cáo rằng một nhà thờ Thiên chúa giáo ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc đã bị “phá hủy hoàn toàn”, và 40 giáo dân cố gắng ngăn chặn việc phá hủy nhà thờ đã bị giam giữ.

Vào đầu tháng Sáu, Chặng Đàng Thánh Giá tại Nhà thờ Đức Mẹ Núi Cát Minh ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, một địa điểm hành hương nổi tiếng đối với các tín hữu Công giáo, đã bị chính quyền địa phương phá bỏ mà không có bất cứ lý do gì.

Vào tháng Bảy, các quan chức chính phủ đã san bằng nhà thờ Công giáo Liangwang ở tỉnh Sơn Đông, mặc dù gần đây nhà thờ này đã có giấy phép của chính phủ để hoạt động hợp pháp như một nhà thờ.

Hoạt động gia tăng đàn áp trùng khớp với những thay đổi ở cấp độ chính phủ quốc gia vào mùa xuân năm nay. Đồng thời, Chủ tịch Tập Cận Bình đã loại bỏ những giới hạn đối với nhiệm kỳ của mình, việc giám sát đối với Giáo hội Công giáo được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các quy định mới về việc thực hành tôn giáo đã có hiệu lực vào tháng Hai, bao gồm cả việc cấm trẻ em bước vào nhà thờ.

Vào tháng Chín, chính phủ Trung Quốc đã đặt thêm những hạn chế đối với việc rao giảng Tin Mừng, khiến cho hoạt động này trở nên bất hợp pháp đối với bất kỳ lời cầu nguyện tôn giáo, các bài chia sẻ giáo lý hoặc bất kì bài giảng nào được phép xuất bản trực tuyến.

Trong khi Đức Hồng y Zen lên án những vi phạm về tự do tôn giáo trong bài viết của mình vào hồi tuần trước, ngài đã cảnh báo các giáo sĩ thuộc Giáo hội hầm trú chống lại việc bắt đầu một “cuộc cách mạng”.

“Họ lấy đi những ngôi Thánh đường của chúng ta? Chúng ta không còn có thể dâng lễ? Hãy về nhà, và cầu nguyện cùng với gia đình. Canh tác đất đai. Đợi chờ thời cơ tốt hơn. Sau đó, quay trở lại hầm mộ. Cộng sản không thể tồn tãi vĩnh cửu”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết