Chính quyền Biden bị chỉ trích vì loại Nigeria khỏi danh sách theo dõi đàn áp tôn giáo

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 30-06-2024 | 19:33:53

lga-persecution-in-nigeria-hero

Các nhà hoạt động tự do tôn giáo đang chỉ trích Bộ Ngoại giao của chính quyền Biden vì tiếp tục loại Nigeria khỏi danh sách theo dõi “các quốc gia cần đặc biệt quan tâm” (CPC), bất chấp báo cáo của chính Bộ này nhấn mạnh cuộc đàn áp bạo lực đối với các Kitô hữu ở nước này.

Một chuyên gia cho rằng việc loại Nigeria khỏi danh sách này cho thấy “sự mâu thuẫn đáng lo ngại” trong chính sách của Bộ Ngoại giao đối với vấn đề tự do tôn giáo.

Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2023 do Bộ Ngoại giao công bố hôm thứ Tư nhấn mạnh tình hình tự do tôn giáo ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Khi công bố báo cáo, Ngoại trưởng Antony Blinken đã chỉ trích sự bất khoan dung tôn giáo đang gia tăng trên toàn cầu và đồng thời đưa ra “tầm nhìn” cho thế giới trong đó “tất cả mọi người đều có thể lựa chọn và thực hành tín ngưỡng của mình”.

Những người ủng hộ đã phản đối việc mô tả đặc điểm của báo cáo về cuộc đàn áp cá Kitô hữu ở Nigeria là một loạt “các cuộc xung đột giữa các cộng đồng” và là kết quả của sự cạnh tranh giành nguồn lực chứ không phải là các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Bà Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, nói với CNA rằng báo cáo thể hiện “chương trình nghị sự rộng hơn” về phía Bộ Ngoại giao Biden “không chỉ trích các vụ tấn công nhằm vào các Kitô hữu ở Nigeria”.

“Những vụ tấn công này, những vụ tấn công đẫm máu khủng khiếp giống như Hamas, rất bạo lực, rất tàn bạo, chúng dường như chưa bao giờ bị chính phủ ngăn chặn, điều tra hay truy tố”, bà Shea nói. “Các Kitô hữu bị tấn công không có khả năng tự vệ, họ không được chính phủ của mình bảo vệ và họ không có lực lượng dân quân của riêng mình. Vì vậy, họ cực kỳ dễ bị tổn thương”.

 Chuyện gì đang xảy ra ở Nigeria?

Nigeria là quốc gia lớn nhất ở châu Phi tính theo dân số. Khoảng một nửa dân số Nigeria, hơn 111 triệu người, là Kitô hữu. Mặc dù vậy, chính phủ Nigeria do người Hồi giáo thống trị và nhiều bang trong nước hoạt động theo luật Sharia.

Dân số Kitô giáo ngày càng bị chỉ trích trong những năm gần đây và là mục tiêu của một số nhóm khủng bố Hồi giáo, chẳng hạn như Boko Haram, Tỉnh Tây Phi của Nhà nước Hồi giáo và các nhóm cực đoan của bộ tộc Fulani.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, đã có hơn 4.000 Kitô hữu bị giết hại, 3.300 người bị bắt cóc và 100.000 người phải di tản ở Nigeria trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 9 năm 2023.

Chính phủ Nigeria phần lớn đã nhắm mắt làm ngơ trước những vụ tấn công này, trong nhiều trường hợp từ chối cử cảnh sát hoặc lực lượng quân đội cho đến khi các vụ tấn công xảy ra.

Ngoài ra, Nigeria nhắm mục tiêu vào các Kitô hữu với luật chống báng bổ, truy tố họ vì đã lên tiếng bảo vệ tôn giáo của họ.

Báo cáo ghi nhận sự gia tăng các vụ tấn công, giết người, bắt cóc và truy tố đã dẫn đến cái mà báo cáo gọi là “bầu khí của sự sợ hãi và việc di tản” trong cộng đồng Kitô giáo. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết rằng “vì các vấn đề tôn giáo, sắc tộc, cạnh tranh đất đai, tài nguyên và tội phạm thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nên thật khó để phân loại nhiều vụ việc là hoàn toàn, hoặc thậm chí chủ yếu, dựa trên bản sắc tôn giáo”.

Nigeria bị loại khỏi danh sách những kẻ ngược đãi tồi tệ nhất thế giới

Bà Shea nói rằng vì có nhiều Kitô hữu bị giết hại ở Nigeria hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, nên không có lý do gì để nước này không nằm trong danh sách của CPC, mà bà giải thích là một “danh sách ngắn gây ảnh hưởng về những kẻ ngược đãi tồi tệ nhất trên thế giới”.

 Các quốc gia hiện nằm trong danh sách bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Pakistan và Ả Rập Saudi.

Bà Shea giải thích rằng danh sách CPC giúp tạo ra sự thay đổi bằng cách gây áp lực kinh tế và ngoại giao của Hoa Kỳ. Trong nhiều trường hợp, việc chỉ định CPC có thể đi kèm với các biện pháp trừng phạt kinh tế đặc biệt, điều mà bà nói sẽ đặc biệt hiệu quả trong trường hợp của Nigeria vì Hoa Kỳ gửi cho nước này hơn 1 tỷ USD viện trợ hàng năm.

“Hoa Kỳ cung cấp một tỷ đô la viện trợ nước ngoài cho Nigeria mỗi năm và họ cần đảm bảo rằng viện trợ đó được chi tiêu hợp lý để không góp phần vào việc này, cũng như đảm bảo rằng chính phủ Nigeria thực sự đang bảo vệ tất cả công dân của mình”, bà Shea nói.

Trong khi đó, Sean Nelson, một luật sư của nhóm vận động Liên minh Bảo vệ Tự do Quốc tế, nói với CNA rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao thể hiện sự thiếu mạch lạc và mâu thuẫn trong chính sách của chính quyền đối với Nigeria.

“Việc loại Nigeria khỏi danh sách CPC bất chấp bằng chứng rõ ràng được cung cấp bởi báo cáo của Bộ Ngoại giao cho thấy sự mâu thuẫn sâu sắc đáng lo ngại trong cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với quyền cơ bản là tự do tôn giáo, vốn làm suy yếu uy tín của Hoa Kỳ”, ông Nelson nói.

“Một cách tiếp cận nhất quán”, ông Nelson tiếp tục, “sẽ duy trì mức độ nghiêm trọng mà quốc gia chúng ta luôn coi là vi phạm quyền cơ bản này, trong khi một cách tiếp cận không nhất quán sẽ đẩy quyền tự do tôn giáo xuống hạng thứ hai”.

“Bước đầu tiên để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng này, ngay cả với bạn bè của chúng ta, là thừa nhận chúng, và nói mà không hành động chỉ có tác động không đáng kể”, ông Nelson nói. “Bộ Ngoại giao nên tuân theo các bằng chứng để đưa ra kết luận hợp lý và sử dụng các công cụ mà Quốc hội đã trao cho để đảm bảo rằng việc thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế vẫn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết