
Sự kiện “Thứ Tư Đỏ” được tổ chức vào ngày 27 tháng 11, thu hút sự chú ý đối với hoàn cảnh của các Kitô hữu bị đàn áp trên khắp thế giới (Ảnh: ACN)
LEICESTER, Anh – Bộ Ngoại giao Anh đã thắp sáng các văn phòng của mình với những ánh điện màu đỏ như một cử chỉ của sự liên đới với các Kitô hữu bị bách hại trên toàn thế giới.
“Thứ Tư Đỏ” là một chiến dịch được thúc đẩy bởi Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN) và Tổ chức Liên đới Kitô giáo Tòa cầu (Christian Solidarity Worldwide) nhằm khuyến khích tất cả mọi người “đứng lên vì tự do tôn giáo”, bằng cách thắp sáng các địa danh nổi bật và các nhà thờ với những ánh điện màu đỏ, cũng như các hoạt động khác để làm nổi bật cuộc đàn áp tôn giáo toàn cầu.
Rehman Chishti, Đặc phái viên về Tự do Tôn giáo Tín ngưỡng của Thủ tướng Vương quốc Anh, đã dẫn đầu một cuộc thắp nến diễu hành từ Quảng trường Quốc hội đến Nhà thờ Chánh Tòa Westminster để tham dự một nghi thức tập trung vào các Kitô hữu bị đàn áp tại các quốc gia như Iraq, Pakistan và Nigeria.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Anh đưa ra một sự ủng hộ như vậy đối với sự kiện này và Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ Anh quốc (ACN UK) coi đó như là kết quả của cuộc điều tra độc lập chưa từng có được sự ủy thác của Bộ Ngoại giao về cuộc đàn áp Kitô giáo do Đức Giám mục Anh giáo Địa phận Truro, Đức Cha Philip Mounstephen, dẫn đầu.
Báo cáo ghi nhận cuộc đàn áp lan rộng mà các Kitô hữu trên toàn thế giới phải đối mặt, và đồng thời lưu ý rằng Kitô giáo là nhóm tôn giáo bị đàn áp nhất trên hành tinh.
“Theo sau sự tán thành đối với sự kiện #RedWednesday trong phần nhận xét của Đức Giám mục Địa phận Truro về sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao Anh đối với các Kitô hữu bị đàn áp – được ủy nhiệm bởi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt, cuộc diễu hành chính là một cơ hội thực sự để các Kitô hữu cùng kề vai sát cánh bên nhau và theo một cách thức hết sức rõ ràng, cho thấy rằng cuộc sống của các Kitô hữu và các nhóm thiểu số bị đàn áp khác đang thực sự có vấn đề”, theo Patricia Hatton thuộc Tổ chức ACN Anh quốc.
Chính phủ Anh đã tăng cường cam kết của mình đối với vấn đề tự do tôn giáo, và năm 2018 đã chứng kiến việc bổ nhiệm Đặc phái viên đầu tiên về Tự do tôn giáo tín ngưỡng của Thủ tướng. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đã xây dựng lập pháp đối với Đại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế vào năm 1998, một vị trí hiện đang được nắm giữ bởi cựu thống đốc bang Kansas và thượng nghị sĩ Sam Brownback.
Fionn Shiner, nghị sĩ quốc hội và nhân viên báo chí thuộc Tổ chức ACN (Anh), đã phát biểu với Crux rằng sự đã tham gia của Bộ Ngoại giao Anh vào sự kiện “Thứ Tư Đỏ” đang tạo ra một sự khích lệ như là “một cử chỉ tượng trưng”.
Tuy nhiên, ông Shiner cho biết ông hy vọng phần còn lại của các khuyến nghị trong báo cáo Truro sẽ được thực hiện.
Các khuyến nghị bao gồm việc tìm kiếm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các chính phủ ở Trung Đông và Bắc Phi bảo vệ các Kitô hữu, và các nhóm thiểu số bị đàn áp khác, và đồng thời cho phép các quan sát viên của Liên Hợp Quốc giám sát các biện pháp an ninh cần thiết; xem xét việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những kẻ thủ phạm vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với các nhóm thiểu số tôn giáo, bao gồm cả các Kitô hữu; trao quỹ được dành riêng cho việc giúp đỡ các Kitô hữu bị bách hại; đào tạo huấn luyện bắt buộc về kiến thức tôn giáo cho tất cả nhân viên Bộ Ngoại giao, cả trong và ngoài nước; và đồng thời yêu cầu tất cả các Đại sứ quán Anh tại các quốc gia liên quan đưa ra các phản ứng phù hợp đối với bất kỳ hành vi vi phạm tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.
Tuy nhiên, ông Shiner cho biết việc thay đổi thái độ giữa các quan chức chính phủ sẽ phải mất nhiều năm, đặc biệt là bởi vì hầu hết họ đều “thiếu sự hiểu biết về tôn giáo và phải mất hơn một vài tháng để thay đổi điều đó”.
“Ở các quốc gia phương Tây, có một thái độ rằng tôn giáo là một vấn đề không thay đổi, không quan trọng với cách người ta sống cuộc sống của họ, trong hầu hết các tôn giáo trên thế giới vẫn vô cùng quan trọng. Nó ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới quan của con người: Cách thức họ ăn mặc, hành động, suy nghĩ, ăn, uống, v.v. Các quan chức chính phủ sẽ nỗ lực để hiểu được những phần lớn của thế giới nếu họ không hiểu về các tôn giáo, cách họ tương tác và sự khác biệt và chồng chéo giữa thế giới quan của họ. Các tôn giáo khác nhau dẫn đến sự khác biệt trong hành vi, chuẩn mực văn hóa và thái độ. Kiến thức tôn giáo, khi cố gắng tìm hiểu thế giới, là điều bắt buộc”, ông Shiner nói.
Ông Shiner cho biết điều này khiến cho khuyến nghị của ‘Truro Review’ đối với việc phát triển kiến thức tôn giáo trong các nhân viên Bộ Ngoại giao Anh đặc biệt quan trọng, “bởi vì câu ngạn ngữ cổ xưa về việc dạy một người đàn ông câu cá”.
ACN Anh quốc cho biết vấn đề về việc bảo vệ các Kitô hữu bị đàn áp là rất cấp bách, đặc biệt là ở Syria và Iraq, nơi mà dân số Kitô giáo lâu đời đã suy giảm trước cuộc đàn áp của Nhóm Nhà nước Hồi giáo và các vụ bạo lực khác. Tổ chức này ước tính rằng dân số Kitô giáo tại Iraq đã giảm từ 1,5 triệu người xuống còn khoảng 150.000 người trong 15 năm.
“Một điều chúng tôi muốn chứng kiến đó là việc Liên Hợp Quốc cung cấp các trại tị nạn dành riêng cho các Kitô hữu trong khu vực. Các báo cáo của chúng tôi chỉ ra rằng các Kitô hữu đôi khi không được phép vào các trại tị nạn của Liên Hợp Quốc và nếu họ có thể tiếp cận được, họ thường phải chịu bạo lực, đe dọa, sỉ nhục và bắt bớ trong chính các trại tập trung này. Liên Hợp Quốc đã không có bất kỳ động thái nào để bảo vệ các Kitô hữu đang tìm kiếm nơi ẩn náu mặc dù đây quả là một mối nguy hiểm đã được biết đến”, ông Shiner phát biểu với Crux.
Ông Shiner đã đề cập đến dữ liệu cho biết trại tị nạn Syria Zaatari – với 80.000 cư dân – đã không tiếp đón bất kỳ, dù chỉ là một, gia đình Kitô hữu nào.
“Cộng đồng quốc tế cần phải thúc đẩy việc thành lập các trại tị nạn cụ thể cho các Kitô hữu, cũng như dập tắt chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo phổ biến ở các trại tập trung hiện nay”, ông Shiner nói.
Ông Shiner cũng đã đề cập đến quyền trở lại của các Kitô hữu ở Iraq và Syria, những người mà các nhà lãnh đạo của họ muốn có sự hiện diện của Kitô hữu trong khu vực – vốn đã tồn tại từ thời Kinh Thánh – sẽ tiếp tục.
“Để điều này xảy ra, toàn bộ cộng đồng cần phải được xây dựng lại. Điều này bao gồm việc xây dựng lại các cộng đồng, nhà cửa, nhà thờ, tạo công ăn việc làm, v.v. Các Kitô hữu có thể mong muốn trở về quê hương của họ nhưng họ sẽ không thể làm như vậy nếu họ không cảm thấy họ có một tương lai khả thi ở đó”, ông Shiner giải thích.
“Nếu như cộng đồng quốc tế cam kết xây dựng lại các cộng đồng Kitô giáo như một phương tiện để duy trì sự hiện diện của Kitô giáo ở Trung Đông, thì nó có thể ngăn chặn việc các Kitô hữu rời bỏ khu vực. Nó cũng có thể dẫn đến sự gia tăng dân số Kitô giáo”, ông Shiner nói.
Ông Shiner cho biết điều cuối cùng mà cộng đồng quốc tế có thể làm đó chính là, “đưa những kẻ gây ra những tội ác tàn bạo ở Iraq và Syria ra ánh sáng công lý”.
“Đây cũng chính là một trong những khuyến nghị của ‘Truro Review’, bởi vì Bộ trưởng Ngoại giao yêu cầu một cuộc thảo luận tập trung vào vấn đề Tự do Tôn giáo Tín ngưỡng tại một cuộc họp Nội các để thảo luận về việc truy tố các thủ phạm ISIS đối với các tội ác tình dục chống lại những người phụ nữ Yazidi và Kitô giáo, chứ không chỉ như là những kẻ khủng bố”, ông Shiner nói.
Minh Tuệ (theo Crux)