Các chính sách mới của Tổng thống Donald Trump liên quan đến người nhập cư không có giấy tờ đã gây ra sự bang hoàng và phẫn nộ cho nhiều người ở Mỹ Latinh.
Giáo hội trong khu vực là một trong những tổ chức hiện đang nỗ lực tìm hiểu xem những thay đổi như vậy sẽ tác động như thế nào đến công việc của mình và đang xây dựng các chiến lược để ứng phó với chúng.
Lời cam kết thúc đẩy việc “trục xuất hàng loạt” của tân Tổng thống của Hoa Kỳ và những cách thức gây xôn xao dư luận mà chính quyền của ông thực thi các chính sách của mình đã bị chỉ trích ở các nước Mỹ Latinh như Brazil.
Vào ngày 24 tháng 1, chuyến bay đầu tiên chở 88 người nhập cư Brazil bị trục xuất đã đến Manaus, tiểu bang Amazonas. Cảnh quay hành khách bị còng tay và báo cáo về hành động bạo lực trên máy bay – một số người trong số họ nói rằng họ đã bị các nhân viên an ninh Hoa Kỳ đánh đập khi họ phàn nàn về việc thiếu điều hòa bên trong máy bay – đã gây ra tranh cãi trên khắp cả nước.
Các Giám mục Mỹ Latinh như Đức Tổng Giám mục Roberto González Nieves Địa phận San Juan, Puerto Rico và Đức Tổng Giám mục José Domingo Ulloa Mendieta Địa phận Panama City, nhấn mạnh rằng các chính sách nhập cư mới của Hoa Kỳ nên xem xét đến nhu cầu và quyền của người nhập cư. Đức Tổng Giám mục Ulloa cho biết các quy tắc mới sẽ biến biên giới thành “những chiếc đập nhân đạo”.
Đông đảo các nhóm Công giáo làm việc với những người di cư ở Châu Mỹ Latinh. Không chỉ các Hội dòng như Dòng Scalabrini, có Đặc sủng là hỗ trợ người tị nạn và người nhập cư, thúc đẩy các hành động giúp đỡ những người vượt qua khu vực này đến Bắc Mỹ. Các Hội dòng như Dòng Tên và Dòng Ngôi Lời cũng tiếp tục duy trì các nơi trú ẩn tạm thời và nhà ăn trên đường đi, cũng như nhiều Giáo xứ, Giáo phận, các nhóm mục vụ và các tổ chức Caritas.
Một trong những sáng kiến gần đây nhằm xây dựng các chiến lược ứng phó với tình hình mới là cuộc họp trực tuyến do Red Clamor (Mạng lưới Giáo hội Mỹ Latinh và Caribe về Di cư, Di dời, Tị nạn và Buôn người) thúc đẩy, quy tụ hàng chục nhóm Công giáo, vào ngày 31 tháng 1. Hơn 100 người đã thảo luận về những thách thức do Trump đặt ra.
“Những tác động của các biện pháp mới rất đa dạng. Chúng đe dọa những người hiện đang di chuyển đến Hoa Kỳ, những người đã sống ở đó trong nhiều thập kỷ và các tổ chức trực tiếp hoặc gián tiếp nhận tiền từ Hoa Kỳ”, Đức Giám mục Eugenio Lira Địa phận Matamoros, Mexico, người đứng đầu Ủy ban Mục vụ Di dân của Mexico, nói với Crux.
Đức Giám mục Lira là một trong những diễn giả của cuộc họp, và nhấn mạnh rằng các cuộc đột kích vào các trường học, công ty và thậm chí là nhà thờ với mục đích giam giữ những người nhập cư không có giấy tờ đã đe dọa nhiều gia đình. Đồng thời, chúng gây tổn hại đến cuộc sống của vô số người, những người ngày này qua ngày khác chỉ đơn giản là phải ngừng lui tới một số nơi để tránh bị trục xuất.
“Một số người nhập cư đã sống ở Hoa Kỳ trong hai hoặc ba thập kỷ. Khi họ bị trục xuất về quốc gia ban đầu, nhiều khi họ không còn gia đình hoặc bạn bè ở đó nữa”, Đức Giám mục Lira cho biết.
Red Clamor đã tranh luận về các hình thức tăng cường tổ chức của mình và đưa ra những gợi ý về cách thức các nhóm thuộc Giáo hội có thể giúp đỡ.
“Bất chấp mọi khó khăn, chúng tôi vẫn cùng nhau tiến bước. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp tư vấn về thể chất, tâm lý và tinh thần cho những người nhập cư, cũng như thúc đẩy giáo dục, công việc, nơi trú ẩn, v.v.”, Đức Giám mục Lira cho biết.
Một trong những động thái quan trọng hiện nay là tăng cường đối thoại giữa các tổ chức Giáo hội khác nhau, cũng như thúc đẩy liên minh với các tổ chức giáo dục Công giáo, các Giáo xứ và Giáo phận, vị Giám chức cho biết thêm.
“Nếu các khoản quyên góp từ Hoa Kỳ không còn đến được các dự án của Giáo hội nữa, chúng ta phải tìm kiếm ở cấp địa phương các liên minh mới với chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức Công giáo”, Đức Giám mục Lira cho biết.
Thật vậy, một số dự án có thể bị ngừng trong ngắn hạn, giống như sáng kiến do một tổ chức Caritas địa phương ở vùng Amazon, tại Brazil, được tài trợ hoàn toàn bởi một tổ chức của Liên Hợp Quốc – tổ chức này sẽ ngừng nhận tiền từ Hoa Kỳ nếu Trump giữ lời hứa.
“Vào thời điểm này, chúng tôi vẫn đang chờ xem mọi thứ sẽ diễn biến như thế nào. Chúng tôi lo ngại rằng quá nhiều hành động có thể bị gián đoạn”, Cha Paolo Parise thuộc Dòng Scalabrini nói với Crux.
Với tư cách là một nhà truyền giáo người Ý sinh ra ở Brazil, Cha Parise đứng đầu Missão Paz (Mission Peace), một trung tâm dành cho người tị nạn và người nhập cư ở São Paulo. Ngài cho biết các hoạt động của trung tâm đã nhận được tiền tài trợ từ nhiều nhà tài trợ khác nhau, vì vậy không gặp rủi ro như các sáng kiến Công giáo khác.
“Thật không may, một số tổ chức phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Liên Hợp Quốc chẳng hạn”, Cha Parise nói.
Cha Parise lập luận rằng các biện pháp của Trump là một hành động ngoạn mục đối với những người ủng hộ ông. Chúng được lên kế hoạch tàn bạo và gây xôn xao dư luận, gây ra nỗi sợ hãi trong số những người nhập cư không có giấy tờ và cảm giác vui mừng cho những người ủng hộ ông.
“Nhưng chúng ta phải nhớ rằng đảng Dân chủ, mặc dù ít ồn ào hơn, cũng đã trục xuất người dân hàng loạt. Ví dụ, [Cựu Tổng thống Barack] Obama đã trục xuất nhiều người hơn Trump [trong nhiệm kỳ trước của ông]”, Cha Parise nói.
Ngài nói thêm rằng mặc dù các chính sách mới có thể sẽ làm giảm dòng di cư trong một thời gian, nhưng sẽ không ngăn chặn được lâu.
“Mọi người sẽ luôn tìm cách để đến Hoa Kỳ và Canada”, Cha Parise cho biết.
Tuần trước, Cha Parise đã gặp một nhóm người tị nạn Afghanistan tại Sân bay São Paulo. Brazil là quốc gia duy nhất trên thế giới cấp thị thực nhân đạo cho người Afghanistan kể từ khi Taliban chiếm Kabul, và nhiều người trong số họ vẫn ở lại sân bay một thời gian khi đến Brazil, cho đến khi họ tìm ra nơi để đi.
“Chỉ một số ít trong số họ nói với tôi rằng họ muốn ở lại Brazil. Hầu hết họ muốn chuyển đến Bắc Mỹ”, Cha Parise nói.
Theo ý kiến của Cha Conrado Zepeda, Giáo sư Khoa học xã hội tại Đại học Ibero American ở Puebla, người đứng đầu dịch vụ di cư và tị nạn của Dòng Tên trong nhiều năm tại Mexico, Giáo hội Mỹ Latinh “đang đứng về phía những người nhập cư hơn bao giờ hết”.
“Các Giáo xứ hoặc các nhóm bảo thủ hơn không có bất kỳ công việc nào liên quan đến người nhập cư đã khởi xướng các sáng kiến trong vài năm qua, nhờ sự nhấn mạnh của Đức Thánh Cha Phanxicô về chủ đề đó. Giáo hội Mỹ Latinh hiện gần như nhất trí về vấn đề đó”, Cha Zepeda nói với Crux.
Cha Zepeda cũng cho rằng có thể chính quyền Trump sẽ không thực hiện hàng triệu vụ trục xuất.
“Những người nhập cư là một yếu tố bổ sung trong các cuộc đàm phán kinh tế và chính trị của các cường quốc. Nhưng sự tàn bạo của quá trình này sẽ gây ra nhiều chấn thương”, Cha Zepeda nói.
Minh Tuệ (theo Crux)