Chiến binh cầu vồng

  • Xã hội
  • Thứ Năm, 22-06-2017 | 10:34:59

“Chiến binh cầu vồng” là một trong những cuốn sách ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân Indonesia. Nó là cuốn hồi ký kể lại về thế hệ của đất nước này khi vừa được giải phóng khỏi ách đô hộ thực dân nhưng chưa hoàn toàn được tự do hạnh phúc, khi 90% dân không biết chữ, phải chiến đấu để có miếng ăn và bị kỳ thị.

chien_binh_cau_vongTrong bối cảnh ấy, câu chuyện của đội “chiến binh cầu vồng” vừa khiến người ta hy vọng về tương lai, vừa xót xa và cảm thương sâu sắc. Bối cảnh của câu chuyện diễn ra tại hòn đảo Belitong của đất nước Indonesia. Belitong là hòn đảo được ông trời ưu đãi khi ở đây có trữ lượng thiếc vô cùng lớn, mà như lời tác giả nói: “Chúng tôi sống trên cả một kho báu sáng lấp lánh”. Tuy nhiên, ở đây tồn tại sự phân biệt giai cấp vô cùng to lớn, sự bất công đến nao lòng, thể hiện rõ trong ngày khai trường trên đảo.

Họ có một tầng lớp con cháu nhân viên của PN – Công ty chuyên khai thác thiếc của nhà nước. Bọn trẻ giàu có ấy sống ở khu điền trang riêng biệt, đi học bằng xe hơi, được học tập trong môi trường đầy tiện nghi.

Trái ngược với bức tranh thêu hồng đó, phần lớn dân bản xứ trên đảo là những người sống trong các khu ổ chuột, làm đủ các ngành nghề khác nhau: ngư dân đánh cá, thợ nạo dừa, nông dân, công nhân… Và 12 đô la mỗi tháng là giá được trả cho sự lao động không ngừng nghỉ, trung bình cho mỗi gia đình đông con. Áp lực tài chính đè nén, đối với những đứa trẻ, ước mơ được đi học luôn cháy bỏng trong chúng, nhưng nó không dám căng  phồng lên bởi chúng biết, nào có dễ để được học hành tử tế.

Trong hoàn cảnh nghèo túng, một vài bậc phụ huynh đã cố gắng hết sức để con mình có một ngày khai trường… tuy là với tâm trạng lo âu. Bởi lẽ, lão thanh tra giáo dục đã đe dọa nếu cái ngôi trường Muhammadiyah bé nhỏ, tồi tàn không có nổi lấy 10 học sinh thì sẽ lập tức bị đóng cửa, phá nát để khai thác thiếc. Cuối cùng, Harun đã đến, cậu bé mắc bệnh Down -đứa học trò thứ 10 của ngôi trường- đã cứu vớt ước mơ của tất cả, và rồi trong sự vui mừng của bọn trẻ, ngập ngừng của cha mẹ, bọn trẻ đã được đến trường.
Nói về ngôi trường nghèo Muhammadiyah, không thể không nhắc đến hai cây “Đại thụ” khổng lồ khiến ai cũng ngưỡng mộ, đó là thầy hiệu trưởng Harfan và cô Mus – hai giáo viên duy nhất của ngôi trường. Hình ảnh cô Mus được tác giả miêu tả trước khi Harun xuất hiện, với “khuôn mặt cô giờ đã hơi sưng lên do cố nén những giọt nước mắt cứ chực trào ra”. Tôi quý cô Mus, vì cô chỉ mới mười lăm tuổi, nhưng trong cô cháy bỏng tình yêu nghề nghiệp và khao khát được dạy học. Cô cũng chỉ là một thiếu nữ trẻ thôi, ấy vậy mà cô đã ươm được những mầm xanh để chúng không ngừng lớn. Tôi kính trọng thầy Harfan, người đã đi dạy ròng rã mấy chục năm trời mà không cần đồng lương, vẫn tiếp tục gắn bó với ngôi trường Hồi giáo đổ nát ấy…

Những bạn nhỏ ở Muhammadiyah cũng khiến chúng ta không khỏi khâm phục, điển hình là cậu bé Lintang ham học. Ngày ngày, cậu bé phải dậy sớm từ lúc bốn giờ, đạp hơn 40 cây số qua những khu rừng cọ, khu đầm đầy cá sấu, nhưng Lintang chỉ một lần duy nhất đi học muộn và chưa bỏ học bao giờ… Hơn nữa Lintang lại có một trí thông minh kiệt xuất, cậu bé học một biết mười và không ngừng tìm tòi khám phá.

Nếu như bạn đọc “chiến binh cầu vồng”, bạn sẽ xót lòng trước cảnh tượng lớp học vào ngày mưa, khi bọn trẻ vừa núp dưới những chiếc dù vừa làm bài, còn cô Mus thì che đầu bằng lá chuối. Nhưng tôi thiết nghĩ, họ may… may so với vô số những kẻ đến trường chỉ vơ mớ kiến thức vô đầu, họ còn học được nhiều điều thú vị trong cuộc sống, ở trong mỗi con người bé nhỏ, luôn chất chứa một khát vọng sống, được vươn lên bay ra ngoài thế giới.
Và còn nhiều nhiều nữa những kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào xen lẫn với bối cảnh xã hội đầy khốn khó và bất công qua lời kể lại của tác giả – người trong cuộc. Nhưng khi gấp cuốn sách lại, đọng lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là hình ảnh đội “chiến binh cầu vồng” với 10 chiến binh đáng mến. Tôi sẽ nhớ “thủ thuật làm nở ngực” của Borek, màn đạo diễn văn nghệ đầy đặc sắc của Mahar, những phát ngôn lém lỉnh của Kucai, Sahara vừa mít ướt vừa can đảm…

Tôi sẽ nhớ cái lần nín thở khi Lintang bảo vệ cha mình (lúc ông nói với cô giáo, mình không biết chữ nên không thể điền tên vào tờ đơn), cậu đã mạnh dạn bảo: “Con sẽ điền vào tờ mẫu này sau thưa cô, nhưng chừng nào con biết đọc biết viết hẵng!” Mà đúng thế thật, Lintang đã điền vào tờ đơn, trước khi cậu học hết bảng chữ.
Tôi sẽ nhớ mãi câu nói của người thầy mà tôi kính trọng, dù chưa một lần gặp mặt: “Học không phải là phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh. Trường học ngày nay không còn là nơi để xây dựng nhân cách, mà là một phần của kế hoạch tư bản để làm giàu và nổi tiếng, để khoe khoang học vị và có quyền lực.”

Đương nhiên, câu chuyện kết thúc… không phải lúc nào cũng đẹp. Điều khiến tôi đau lòng nhất, là về “thần tượng bé nhỏ của tôi” – Lintang. Sau một thời gian, tác giả gặp lại người bạn cũ, Lintang lúc này trở thành một công nhân lái xe thuê nghèo khó. Tôi ấm ức hay đúng hơn là tức giận. Lintang của tôi, luôn ước mơ trở thành một nhà toán học, phút chốc lại phải từ bỏ chỉ vì cuộc sống khó khăn. Gặp lại, Lintang vẫn thông minh như ngày nào, vẫn là đôi mắt đó nhưng nó không còn biết cười mà bén như mắt diều hâu đang soi xuống bầy gà. Cậu nói nhẹ như không : “Ít nhất thì mình cũng đã giữ lời hứa với cha, là mình sẽ không làm nghề đánh cá”.

“Isaac Newton của tôi đã quy hàng số phận”. Tôi đã khóc, nhưng sau đó tôi đã nuôi một hy vọng, không phải cho riêng tôi mà cho Lintang, cho đội “chiến binh cầu vồng”, mong là, họ sẽ tiếp tục truyền nhiệt huyết của bản thân để những thế hệ sau (con cháu họ) có thể đến trường… Và như tác giả cũng đã viết, khi đấu tranh, hy sinh thật nhiều để được đến trường, cái họ mong muốn và gặt hái không chỉ là thành công về mặt sự nghiệp, mà đó là sự thành công về mặt nhân cách, về những tình cảm đẹp. Nhóm “chiến binh cầu vồng” đã làm được.

Sương Mai

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết