Nữ tu Gabriella Bottani thuộc Hội Dòng Thừa Sai Thánh Tâm Comboni chia sẻ suy nghĩ của mình sau chuyến viếng thăm Nigeria – nơi chị đã tham dự một Hội nghị quốc tế do Caritas Quốc tế và Hội đồng Giáo hoàng về Chăm sóc Mục vụ cho người di dân phối hợp đồng tổ chức. Chủ đề của Hội nghị lần này đó là nạn buôn người.
“Buôn người là một vấn đề cực kỳ phức tạp. Thật khó có thể truy nguyên nguồn gốc nơi nó bắt đầu cũng như nơi nó kết thúc, và quan trọng nhất, nó được điều khiển bởi một lực lượng không thể đánh bại. Nếu chúng ta không đoàn kết hiệp lực, chúng ta không có cơ hội để có thể đánh bại chúng”.
Đó là những chia sẻ của Nữ tu Gabriella Bottani – điều phối viên của Mạng lưới quốc tế Talitha Kum hoạt động trong lĩnh vực chống nạn buôn người. Nữ tu Bottani đồng thời cho biết chị khá mãn nguyện với kết quả của Hội thảo mang tên “One Human Family, One Voice, No Human Trafficking – Một gia đình nhân loại, Chung một tiếng nói, Đẩy lùi nạn buôn người” được tổ chức bởi Tổ chức Caritas Quốc tế phối hợp với Hội đồng Giáo Hoàng về Chăm sóc Mục vụ cho người di dân. Hội nghị – diễn ra từ ngày 5/9 đến ngày 7/9 tại thủ đô của Nigeria – triệu tập các tổ chức Kitô giáo từ hơn 40 quốc gia, đại diện của các tổ chức cùng với một số chuyên gia quốc tế – cùng bàn luận về vấn đề ‘Nạn buôn người tại châu Phi’.
Việc kinh doanh buôn bán người là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên hành tinh. Nó đem lại lợi nhuận hơn 150 tỷ đô la mỗi năm và “tuyển dụng” 14,2 triệu người (chiếm 68% trong các lĩnh vực như nông nghiệp, bất động sản, các công việc sản xuất trong nước, 4,5 triệu người (chiếm 22%) trong ngành công nghiệp tình dục và 2,2 triệu người (chiếm 10%) trong các công việc cưỡng bức lao động trong các cơ cấu nhà nước như nhà tù, các lực lượng vũ trang,..
Châu Phi là một trong những châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng này. Trong số 21 triệu nô lệ sống trên thế giới hiện nay, khoảng 4 triệu người đến từ châu Phi và làm việc tại châu Phi hay ở nước ngoài. Lục địa này cũng được sử dụng như là một điểm quá cảnh đối với những chuyến đi ép buộc buộc của nhiều con người đến từ nhiều dân tộc cũng như địa vị khác nhau trong xã hội. Tình hình đáng lo ngại này đã thúc đẩy Giáo Hội trong nhiều năm nhằm truyền bá việc nâng cao nhận thức đồng thời tìm ra những biện pháp thích hợp trong việc thỏa thuận với các cơ quan chính quyền để giải quyết tình trạng này.
“Kết quả của Hội nghị này” – Nữ tu Bottani cho biết – “là rất tích cực. Nó đem lại cơ hội đối với nhiều tổ chức để họ có thể trao đổi với nhau nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn buôn người. Chúng tôi – những người nữ tu – đã bắt đầu việc thu hút sự chú ý của cộng đồng về vấn đề này từ nhiều năm trước đây và chúng tôi đã nhân được rất nhiều sự khuyến khích để thấy rằng nhận thức về hiện tượng này đã và đang lan rộng khắp Giáo Hội hoàn vũ, cũng như sự sẵn sàng để chống lại tất cả các hình thức đáng lên án của nó”. ‘Talitha Kum’ được thành lập như là một Hiệp hội các nữ tu vào năm 2009. Hiện nay, tổ chức này đang hoạt động tại 70 quốc gia trên khắp 5 châu lục, với 17 mạng lưới liên kết. Giáo dân và một số dòng nam gần đây đã bắt đầu tham gia mạng lưới này. “Mục tiêu của chúng tôi” – Nữ tu Bottani cho biết – “đó là nhằm thiết lập một mạng lưới đồng thời thúc đẩy các dự án nhắm tới việc phòng ngừa, đào tạo và bảo vệ: một số dòng tu đã thành lập một số nơi trú ẩn hoặc ‘các nhóm đường phố’ quy tụ những người phụ nữ đã rơi vào tệ nạn mại dâm. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã tham gia vào một dự án vận động có quy mô lớn với chính phủ: một trong những thành tựu lớn nhất của chúng tôi đó là việc đạt được một thoả thuận với chính phủ Nigeria chính thức công nhận vai trò của chúng tôi tại nước này.
Trong số các diễn giả nổi bật nhất tại Hội nghị, Đức Hồng Y Tagle – Chủ tịch Tổ chức Caritas Quốc tế – kêu gọi các Kitô hữu hãy trở nên “những con người có lương tri đối với xã hội”. Một tuyên bố rất quan trọng tại cuối Hội nghị đã tố cáo hiện tượng cũng như những nguy cơ khi tình trạng buôn người đang ngày càng trở nên lu mờ đối với cộng đồng thế giới, đồng thời chỉ ra rằng vấn nạn này có liên quan đến tất cả các nền văn hóa. Do đó, nó đòi buộc chúng ta phải có sự đối thoại liên tôn và liên văn hóa, đặt nền móng cho hàng loạt những cam kết quan trọng. Điều này liên quan đến việc ủng hộ cách tiếp cận toàn diện dựa trên sự tôn trọng các quyền con người, đào tạo các tín hữu và truyền tải thông tin tới các nhà lãnh đạo tôn giáo hoặc những người đại diện của các cộng đồng khác nhau về hiện tượng này, để vấn nạn này được mọi người quan tâm sâu rộng hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một lời kêu gọi mạnh mẽ đã được gửi đến các nhà lãnh đạo các chính phủ, yêu cầu họ xem xét lại các chính sách đối với người di dân đồng thời kêu gọi họ thực hiện các công ước quốc tế.
Hội nghị này chính là cơ hội để có thể nhìn vào nhiều khía cạnh khác nhau của nạn buôn người. Chẳng hạn như những thủ đoạn bóc lột mới mẻ đang ngày càng trở nên tinh vi hơn. Những hình thức bóc lột này bao gồm việc buôn người nhằm vào những người làm việc trong ngành công nghiệp hàng hải, những công nhân sống trên các boong tàu trong thời gian dài mà không có bất kỳ hình thức bảo vệ nào. Kế đến, còn nhiều hình thức bóc lột khác có liên quan đến những hình thức thực hành tôn giáo hay truyền thống hay những hình thức bóc lột lao động trong nước, tất cả các hình thức trắng trợn của chế độ nô lệ, mà trong nhiều trường hợp thậm chí không bị coi là một tội ác. Việc buôn bán nội tạng và khai thác nhằm vào những người di dân – những người buộc phải đi dọc theo những tuyến đường nguy hiểm để có thể đến được các quốc gia Tây phương hoặc trong bối cảnh của các cuộc chiến tranh, nơi nhiều trẻ em đang bị buộc phải làm việc hay phải cầm vũ khí.
Nhưng chế độ nô lệ châu Phi đến tận cửa nhà mỗi người chúng ta: việc tuyển dụng bất hợp pháp những người làm việc trong những nghành lao động nông nghiệp với mức lương rất thấp tại nhiều nơi ở Italy và châu Âu và buộc phải bán dâm. Nó là một con quái vật với nhiều cái đầu đáng kinh khiếp. “Thế nhưng nó có thể bị đánh bại” – nữ tu Gabriella kết luận – “bằng sự can đảm, bằng chính đôi bàn tay của mỗi chúng ta khi nó nắm chặt lấy nhiều đôi bàn tay của nhiều người khác”.
Minh Tuệ (theo Vatican Insider)