Thử hỏi, với cơ chế và thể chế hiện nay, tệ nạn chạy chức – chạy quyền – chạy luân chuyển có thể chấm dứt được không?
Mấy ngày nay, sau phát biểu của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một hội nghị toàn quốc của Đảng cộng sản, báo chí lại ồn ào bàn luận về tệ nạn chạy chức, chạy quyền, chạy “luân chuyển”…. Không chỉ trên mặt báo, chuyện chạy chức, chạy quyền này cũng được đề cập trong một số phát biểu tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII đang diễn ra.
Trong các lời bàn luận và phát biểu đó, có một điều được coi là đương nhiên, đến nỗi chẳng thấy ai nhắc đến (hay phải cố tình né tránh không nhắc đến?). Đó là: ở Việt Nam hiện nay, chỉ các đảng viên cộng sản mới có điều kiện để phạm tội chạy chức, chạy quyền, chạy “luân chuyển”. Cũng chỉ các đảng viên cộng sản (thường là cao cấp) mới là đối tượng để người ta chạy đến “mua” chức, “mua” quyền. Bởi lẽ, trong thể chế chính trị hiện nay, chỉ có các đảng viên cộng sản mới được nắm giữ các chức vụ chủ chốt và “béo bở” mà những kẻ ham muốn quyền lực – lợi lộc luôn luôn thèm khát và phải “chạy” để chiếm lấy cho bằng được, cũng như chỉ các đảng viên cộng sản mới nắm giữ quyền hành quyết định chức, quyền cho những kẻ chạy chức, chạy quyền. Thực tế, “một bộ phận” đảng viên đã và đang phạm tội chạy chức, chạy quyền và hưởng lợi từ tệ nạn này.
Nhiều người cứ tỏ ra “trăn trở” lắm, “tâm tư” lắm… với câu hỏi đâu là căn nguyên của tệ nạn chạy chức, chạy quyền. Nhưng câu trả lời thì, thật ra, đã rõ như ban ngày: chính việc khẳng định một cách tiên thiên sự lãnh đạo của một đảng chính trị duy nhất, là căn nguyên sâu xa của tệ nạn này. Căn nguyên thứ hai là sự thiếu độc lập giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, dẫn đến tình trạng lạm quyền và lộng quyền. Bao lâu hai nguyên nhân căn bản đó chưa được giải quyết thực sự, thì cuộc chiến chống lại tệ nạn chạy chức, chạy quyền sẽ không thể thành công.
Vấn đề, như thế, đụng chạm đến nền tảng của thể chế hiện nay.
Đáng lẽ, như Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam đã từng đề nghị (ngày 01-03-2013), “trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định một cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì chủ thể của quyền bính chính trị chính là nhân dân”. Đáng lẽ Hiến Pháp, như HĐGM đã yêu cầu, phải “xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào”.
Nhưng những lời đề nghị và yêu cầu tâm huyết ấy đã không được lắng nghe và tôn trọng. Và muôn vàn hệ lụy tiêu cực, thậm chí là đau lòng, đã và đang xảy ra. Trong đó, có tệ nạn chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển.
Khi việc trao phó chức vụ công quyền vào tay một người lại là kết quả của tệ nạn “chạy”, thì chắc chắn việc đó sẽ không nhằm mục tiêu vì thiện ích chung. Cũng thế, khi việc nắm giữ một chức vụ công quyền là kết quả của tệ nạn “chạy”, thì tất nhiên người nắm giữ chức vụ đó sẽ không làm việc vì thiện ích chung nữa.
Thế mà, như Công đồng Vaticanô II quả quyết, “Thiện ích chung chính là lý do tồn tại, là ý nghĩa và là căn bản pháp lý thiết yếu cho các tổ chức chính trị” (Gaudium et Spes, 74).
Bởi vì chỉ có các đảng viên cộng sản mới chạy chức chạy quyền, và bởi vì hiện nay tệ nạn chạy chức chạy quyền đã là phổ biến (như mọi người đều công phải công nhận), thì rõ ràng những cuộc “chạy” này sớm muộn sẽ dẫn đến chỗ buộc người dân phải đặt vấn đề về “lý do tồn tại, ý nghĩa và căn bản pháp lý” của đảng phái chính trị đang nắm độc quyền lãnh đạo. Chính ông Đỗ Văn Đương, đại biểu Quốc hội, trong phiên họp sáng 29/3 của Quốc hội, đã công nhận tệ nạn này có liên quan đến sự tồn vong của chế độ, khi ông phát biểu: “Chúng ta cứ nói đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhưng vì nhạy cảm, phức tạp nên phải làm, bởi vì nó nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ”.
Nhưng thử hỏi, với cơ chế và thể chế hiện nay, tệ nạn chạy chức – chạy quyền – chạy luân chuyển có thể chấm dứt được không?
Giuse Ngọc Huỳnh