Chay

“Đây là lúc Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ”

Lent 2017

Mùa Chay là thời điểm ân sủng đặc biệt để thánh hóa bản thân và đời sống, sống tinh thần sám hối, thanh luyện tâm hồn, canh tân đời sống trong lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa. Lời Chúa hằng ngày trong mùa chay giúp người tín hữu một mặt, ý thức về thân phận mỏng dòn, bấp bênh của con người, “hãy nhớ ngươi là bụi tro, ngươi sẽ trở về bụi tro”, về những nguy cơ của tội lỗi, sự dữ, và những cám dỗ, những thử thách có thể đưa đến cám dỗ đánh mất Ơn Cứu Độ, mặt khác, chỉ cho thấy nội dung căn bản của việc sám hối, tin vàoTin mừng và những hình thức áp dụng thích hợp kèm theo trong thời đại hôm nay. Vì thế, sống đúng với ý nghĩa và mục đích sâu xa của Mùa Chay không phải chỉ đơn thuần là thực hành một thói quen cũ được lập lại hàng năm vào thời điểm này, là dự Lễ Tro để được xức tro, ăn bớt đi một bữa và quá chú tâm vào việc kiêng thịt, tìm mọi lý lẽ giải thích việc phải ăn tôm, ăn cá…!

Con người ngày nay đang đối diện trước hiểm hoạ mất dần ý thức về sự thiện và tội lỗi, nói gì đến làn ranh phân biệt giữa sự thiện và sự ác, giữa chân lý và sự bịp bợm, giữa lương thiện và bất lương, giữa danh dự và vô liêm sỉ, giữa trung thực và dối trá… Những gì là nền tảng xây dựng nên nhân cách con người, gìn giữ trật tự trong cộng đồng như lương tâm, luân lý, đạo đức không còn là kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động của con người nữa, thay vào đó là tương đối hóa những giá trị thuộc về chân lý, là xu thế sống ích kỷ và thích hưởng thụ.

Vì thế, người ta quăng mình vào cơn lốc xoáy tàn bạo của việc kiếm tiền,  làm giầu bằng mọi cách, sẵn sàng lường gạt và bóc lột người khác bằng mọi thủ đoạn, tranh thủ mọi thời cơ để tham nhũng và hối lộ, bắt chấp những nguyên tắc sơ đẳng, những nghĩa vụ hiển nhiên về công bình, bác ái và tôn trọng quyền lợi của người khác, của dân tộc hoặc quốc gia. Người ta dùng những mỹ từ để biện minh và hợp thức hóa cho việc tàn sát các thai nhi, vô tư dùng những chất độc tẩm ướp vào thực phẩm để đầu độc nhau, lén lút xả thải vô vàn chất độc ra môi trường để hủy hoại giống nòi… Đó là tội tập thể, thứ tội này khích lệ, dung dưỡng, bao che cho tội cá nhân hoành hành.

Còn phải nói đến thứ tội vô cảm và sợ hãi trong tôn giáo, muốn tách biệt đời sống tôn giáo khỏi đời sống con người ngoài xã hội, tách biệt những thực hành tôn giáo ra khỏi việc dấn thân của những người đang hoạt động trong xã hội. Thay vì mạnh bạo, đồng lòng và đồng thuận lên án những sai trái, những bất công, áp bức, chà đạp luân lý đạo đức của con người thời đại và can đảm “ xức tro” cho chính mình để nêu gương sám hối, về trách nhiệm phải quan tâm hay chưa quan tâm đủ đến những thiện chí cộng tác của những người đang cộng tác vào ơn thánh để mưu ích cho mình và cho tha nhân.

Chúa Giêsu khi khai mạc sứ mạng Cứu Thế, đã kêu gọi:“Thời gian đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15), và trong suốt thời gian rao giảng Nước Thiên Chúa, Người chưa hề tỏ ý muốn thỏa hiệp hay nhượng bộ xu thế của thời đại. Trái lại, Người đã thẳng thắn lên án thói hư tật xấu của mọi thành phần trong dân Do Thái, như tiêu biểu cho tội lỗi của con người ở khắp nơi và mọi thời đại: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.” (Mt 16, 4). Dấu lạ Giôna chính là vì lời giảng của ông mà dân thành Ninivê xưa đã ăn năn sám hối để được tha thứ tội lỗi và khỏi bị tiêu diệt.

Mùa Chay thánh chính là thời gian Thiên Chúa thi ân, là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2). Để xứng với ân huệ ấy, sự sám hối phải đi kèm với ăn chay theo đúng tinh thần của Chúa:“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức,đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi cư ngụ. Thấy ai mình trần thì cho áo che thân. Không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục.”
(Is 58, 6-7)

Như vậy, mùa chay trước hết nhắm đến chính Giáo hội sống cái nghèo của Tin mừng và phục vụ con người như Đức Giêsu. Bằng không, mọi lời giảng dạy hoa mỹ sẽ chẳng có sức thuyết phục và còn có tác dụng ngược lại, nếu chính mình vẫn ham mê vật chất, địa vị, phe nhóm và mù lòa, dửng dưng với các vấn đề trong xã hội, không can đảm lên án những thảm họa về luân lý đạo đức, về nhân cách con người, về môi trường…, không chịu “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc” nhiều người có nguy cơ trầm luân đời đời, sau đó,  giúp cho người tín hữu biết nhạy cảm trước những nỗi đau cùng khổ của tha nhân hôm nay, trên đất Việt này, giữa những đồng bào đang chịu bao đau khổ bởi bạo quyền, của sự dữ.

Vô cảm trước những đau khổ của con người là thờ ơ với chính Chúa Giêsu (x. Mt 25, 31-46). Điều này được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn đến trong sứ điệp mùa chay 2017 với dụ ngôn Ông nhà giầu và anh Lazarô nghèo khổ. “Gốc rễ của mọi bất hạnh của ông là không chịu nghe lời Chúa. Kết quả là ông không còn yêu mến Thiên Chúa và càng ngày càng khinh miệt người thân cận của mình… Khi chúng ta đóng cửa lòng mình trước hồng ân lời Chúa, thì rốt cuộc chúng ta cũng sẽ đóng cửa lòng mình trước hồng ân là những anh chị em của chúng ta.”

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết