Bài phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo thuộc Liên minh Châu Âu với La Croix.
Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich chia sẻ rằng Liên minh châu Âu sẽ nổi lên suy yếu hơn nhiều từ cuộc khủng hoảng coronavirus nếu nó không tăng cường tinh thần liên đới thực tế giữa 27 quốc gia thành viên.
Vị Hồng y 61 tuổi là Chủ tịch của COMECE (Ủy ban Hội đồng Giám mục Liên minh châu Âu) và là một trong những cộng tác viên quan trọng nhất của Đức Giáo hoàng Phanxicô về các vấn đề châu Âu.
Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich cũng là một tu sĩ Dòng Tên như Đức Giáo hoàng Phanxicô, và đã trở thành Tổng giám mục Địa phận Luxembourg kể từ năm 2011.
Đức Hồng Y Hollerich đã có cuộc trò chuyện với Céline Schoen, cộng tác viên La Croix, về tương lai của châu Âu trong một cuộc phỏng vấn chung với tờ nhật báo ‘Nederlands Dagblab’ tiếng Hà Lan lấy cảm hứng từ Kitô giáo.
La Croix: Châu Âu sẽ nổi lên mạnh hơn hay suy yếu hơn từ cuộc khủng hoảng coronavirus?
Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich: Tất cả phụ thuộc vào việc nó có thể đưa ra tuyên bố về tinh thần liên đới ở Châu Âu hay không.
Nếu đúng là như vậy, châu Âu sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này và trở nên mạnh mẽ hơn.
Nếu không, khoảng cách giữa các nước giàu nhất và nghèo nhất sẽ mở rộng và toàn bộ châu Âu sẽ bị suy yếu.
Phải chăng châu Âu quá chậm trễ trong việc ứng phó với đại dịch?
Trước tiên, châu Âu hoàn toàn vắng bóng.
Các quốc gia chỉ nghĩ về bản thân và đóng cửa biên giới của họ. Kết quả là hình ảnh của châu Âu đã bị ảnh hưởng.
Tôi đã đọc một bình luận trên báo chí khiến tôi đau lòng: bình luận có nội dung rằng chúng tôi ở phía Bắc đã chứng kiến người dân Ý chết và không nói một lời nào.
Ngay từ đầu, chúng ta cần có sự đồng cảm ở châu Âu bởi vì không phải người Ý, người Tây Ban Nha hay người Pháp đang phải chịu đựng đau khổ. Đó chính là những anh chị em của chúng ta.
Pháp và Đức đã vạch ra một kế hoạch phục hồi sau đại dịch coronavirus vốn sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu cho vay kinh phí để tài trợ cho nó .. Liệu đây có phải là một bước quan trọng trong sự hội nhập châu Âu?
Công cụ của sự liên đới này hiện đang đi đúng hướng. Hiện tại chúng tôi lo ngại phản ứng của Hà Lan. [Lưu ý: người dân Hà Lan phản đối ý tưởng về việc tương tế hóa các khoản nợ của các quốc gia thành viên.]
Tất cả các quốc gia cần phải hiểu rằng, ngay cả khi họ hành động theo bản năng quốc quyền chủ nghĩa, sự liên đới là vì lợi ích tốt nhất của chính họ.
Nếu không có sự hợp tác, trước hết là liên minh tiền tệ và sau đó là toàn bộ Liên minh châu Âu sẽ bị phá hủy.
Phải chăng châu Âu cần nhiều nguồn lực hơn để đối mặt với những thách thức siêu quốc gia?
Vâng, cuộc khủng hoảng này đã cho thấy rằng cần phải hướng tới sự hội nhập, nếu không châu Âu sẽ sụp đổ.
Tôi rất vui khi thường xuyên nghe thấy rằng chúng ta cần phải “hướng tới cộng đồng nhiều hơn”.
Tôi không nói rằng tất cả mọi thứ liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe phải được xã hội hóa, nhưng chúng ta cần phải đảm bảo rằng một phản ứng thích hợp có thể được đưa ra trong trường hợp khủng hoảng. Bởi vì tất cả chúng ta đều biết rằng thảm họa này sẽ không phải là cuối cùng.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng này không là gì so với những khó khăn mà các quốc gia sẽ phải đối mặt vì biến đổi khí hậu.
Làm thế nào để sự phục hồi kinh tế có thể được dung hòa với các mối bận tâm về sinh thái?
Cuộc khủng hoảng này đã cho chúng ta một thời gian để suy ngẫm vốn sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định cho tương lai, đưa ra các lựa chọn sinh thái, chứ không chỉ là tái khởi động nền kinh tế như trước đây.
Nhưng chúng ta cũng cần phải ghi nhớ khía cạnh xã hội của phương trình: nếu như một số người tự nhận thấy mình thất nghiệp vì những lựa chọn sinh thái, họ sẽ quay lưng lại với các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường.
Cho dù bất cứ điều gì xảy ra, công ích chung cần phải được bảo vệ. Với lòng can đảm và tầm nhìn thực sự, chúng ta có thể tiến bước về phía trước trên cả hai mặt trận này.
Các tín hữu – đặc biệt là người Công giáo – học được những bài học nào từ các biện pháp cách ly xã hội vốn đã làm đảo lộn cuộc sống bình thường của họ?
Chúng ta xem các Bí tích như là lòng đạo đức cá nhân và muốn uổng phí ân sủng của Thiên Chúa giống như cách chúng ta tiêu thụ rất nhiều thứ khác.
Đại dịch này đã cho chúng ta thấy rằng chúng ta cần cộng đồng Giáo hội, Giáo hội chính là thân thể của Chúa Kitô.
Làm thế nào để chúng ta có thể giáo dục con cái của chúng ta không bị cuốn vào chủ nghĩa tiêu thụ?
Câu hỏi đặt ra ngày hôm nay bởi vì cuộc khủng hoảng đã nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thật hết sức mong manh.
Và sự mong manh này có thể dạy chúng ta biết sống trong tâm tình tri ân và tạ ơn Thiên Chúa.
Đức Hồng y sẽ phản ứng thế nào với những tín hữu, và thậm chí cả các Giám mục, những người nghi ngờ quan điểm của Đức Giáo hoàng Phanxicô về những người di cư?
Mọi người cần phải biết về những người di cư.
Cách đây vài ngày trước, tôi đã gặp một người đàn ông ở Luxembourg nói rằng những người Hồi giáo là con cái của ma quỷ, và họ phải bị tống ra khỏi châu Âu.
“Vậy anh có bạn bè nào là người Hồi giáo không?” Tôi hỏi người đàn ông. Anh thưa “Không có”.
Khi một xã hội trải qua một sự thay đổi sâu sắc, nỗi sợ hãi phi thực tế xuất hiện và chúng ta tìm kiếm ai đó để đổ lỗi – những người di cư, những người theo tôn giáo khác, vv …. Thật vô trách nhiệm khi các nhà lãnh đạo chính trị hoặc Giáo hội rơi vào cái bẫy này.
Ủy ban Châu Âu đang nghiên cứu Hiệp ước mới về người Tị nạn và Di cư. Những giới hạn không được vượt qua là gì?
Chúng ta không được phản bội nhân quyền, quyền xin tị nạn. Sự sống phải được đảm bảo.
Và chúng ta không được chấp nhận các trại tập trung ở biên giới của mình, nếu không các giá trị của châu Âu sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Cấu trúc của châu Âu cần những lý tưởng, nhưng nếu chúng biến mất, tại sao lại tiến tới sự hội nhập nhiều hơn?
Ngày nay, nhiều người đang chết đuối ngoài khơi Malta, những người khác đang bị giết hại tại biên giới Hy Lạp. Đó không phải là lý tưởng châu Âu của tôi.
“Thế giới hậu COVID” sẽ như thế nào và châu Âu nắm giữ đóng vai trò gì trong đó?
Vai trò của châu Âu là cực kỳ quan trọng. Hãy tưởng tượng trong một khoảnh khắc thế giới không có châu Âu …
Một cuộc đối thoại trong sự thinh lặng sẽ diễn ra giữa Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Về phần mình, châu Âu có thể trở thành một trung gian hòa giải, một sự nhắc nhở về những giá trị nhất định; đầu tiên và quan trọng nhất là nhân quyền.
Nhưng chúng ta cần phải đi xa hơn nữa tiến tới sự khoan dung, điều chắc chắn cung cấp một nền tảng chung.
Điều đó là không đủ, bởi vì nó dựng lên các rào cản: chúng ta khoan dung lẫn nhau, vượt ra ngoài bức tường của sự chia rẽ… Điều chúng ta cần hôm nay đó là tình yêu thương dành cho nhau.
Minh Tuệ (theo La Croix)