Châu Á vẫn là 'kẻ thù' của tự do tôn giáo

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew nói rằng “trong thập kỷ 2007-2017, những hạn chế của các chính phủ đối với tôn giáo – luật pháp, chính sách và hành động của các quan chức nhà nước hạn chế niềm tin và thực hành tôn giáo – đã gia tăng đáng kể trên thế giới.” Dẫn đầu bảng xếp hạng các quốc gia áp đặt các hạn chế đối với tự do tôn giáo là Trung Đông và Bắc Phi.

chiesa-distrutta-cina-

Châu Á được xác nhận là lục địa trong đó có những hạn chế và trở ngại lớn hơn đối với tự do tôn giáo. Điều này được chứng minh bằng báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew – trung tâm phân tích các vấn đề xã hội của Hoa Kỳ – theo đó “trong thập kỷ 2007-2017, các hạn chế của các chính phủ đối với tôn giáo – luật pháp, chính sách và hành động của các quan chức nhà nước hạn chế niềm tin và thực hành tôn giáo – đã gia tăng đáng kể trên toàn thế giới.” Và dữ liệu mới nhất cho thấy 52 chính phủ – bao gồm một số ở các quốc gia rất đông dân như Trung Quốc, Indonesia và Nga – áp đặt các mức giới hạn tôn giáo ‘cao’ hoặc ‘rất cao’, so với 40 quốc gia trong năm 2007, và số lượng các quốc gia nơi mọi người đang trải qua mức độ thù địch xã hội cao nhất đối với tôn giáo đã tăng từ 39 thành 56 quốc gia trong khoảng thời gian được nghiên cứu.

Dẫn đầu bảng xếp hạng các quốc gia áp đặt các hạn chế đối với tự do tôn giáo là Trung Đông và Bắc Phi, nhưng một số sự gia tăng lớn nhất trong thập kỷ qua là ở các khu vực khác, bao gồm Châu Âu – ở đó một số chính phủ ngày càng tăng các giới hạn về quần áo của phụ nữ Hồi giáo – và ở châu Phi cận Sahara, nơi mà một số nhóm đã cố gắng áp đặt các quy tắc tôn giáo của họ lên những người khác thông qua các vụ bắt cóc và cưỡng bức cải đạo.

Cụ thể, 19 trong số 20 quốc gia Trung Đông (tất cả trừ Lebanon) thiên vị một tôn giáo – 17 quốc gia có quốc giáo và hai quốc gia có tôn giáo được ưu tiên hoặc được thiên vị. Ở tất cả các quốc gia này, ngoại trừ Israel, tôn giáo được ưu tiên là Hồi giáo. Hơn nữa, tất cả các quốc gia trong khu vực đều can thiệp cách này cách khác vào các thẩm quyền tôn giáo hoặc vào các nội dung giáo lý về các vấn đề pháp lý. Chẳng hạn, trong luật gia đình ở Ai Cập khi vợ và chồng có cùng tôn giáo, tòa án áp dụng luật tôn giáo truyền thống của nhóm tôn giáo. Nhưng khi một người phối ngẫu là người Hồi giáo và người kia có tôn giáo khác (chẳng hạn như Kitô giáo Coptic), thì tòa án áp dụng luật gia đình của Hồi giáo.

Tuy nhiên, sự thiên vị của chính phủ đối với một tôn giáo đã tăng lên rất ít ở Trung Đông, một phần vì nó bắt đầu ở mức độ cao đến mức không có nhiều chỗ cho sự tăng thêm nữa. Trong khi đó, tại các khu vực địa lý rộng lớn khác, đã có sự gia tăng đáng kể về mức độ ủng hộ chính phủ của các nhóm tôn giáo.

Điều đó xảy ra trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại Thái Lan, một Hiến pháp mới đã có hiệu lực vào năm 2017 với một điều khoản nâng cao vị thế của Phật giáo Nguyên thủy bằng cách áp dụng “sự ưu đãi đặc biệt” thông qua “giáo dục, tuyên truyền các nguyên tắc của Phật giáo Nguyên thuỷ và thiết lập các biện pháp và cơ chế để ngăn chặn hành vi làm ảnh hưởng tiêu cực đến Phật giáo dưới mọi hình thức.”

Từ năm 2007 cũng đã có sự gia tăng con số các chính phủ châu Á can thiệp vào các thẩm quyền tôn giáo, vào các văn bản và vào giáo lý. Chẳng hạn, tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017, chính phủ đã phê chuẩn một đạo luật cho phép các cơ quan tôn giáo ở cấp tỉnh và cấp huyện có thẩm quyền cho phép đăng ký kết hôn và cử hành lễ kết hôn thay mặt cho nhà nước. Chính phủ cho biết điều này sẽ làm cho quá trình đăng ký hiệu quả hơn, trong khi các nhà phê bình cho rằng nó vi phạm các nguyên tắc thế tục của hiến pháp nước này.

Như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hồi giáo là tôn giáo mà năm 2017 được hưởng sự hỗ trợ của chính phủ nhiều hơn. Điều này khẳng định những gì đã nổi lên từ trước đây: kể từ năm 2015, Hồi giáo là quốc giáo phổ biến nhất trên toàn thế giới; tại 27 trong số 43 quốc gia có quốc giáo (63%), thì quốc giáo là Hồi giáo.

Nhưng không phải tất cả các quốc gia trong danh sách này đều ủng hộ Hồi giáo. Ở Hy Lạp, Iceland và Vương quốc Anh, một số giáo phái Kitô giáo là tôn giáo chính thức của nhà nước.

Sự bách hại các nhóm tôn giáo đặc biệt cao ở Iran, nơi chính quyền đã coi Baha’is là “những kẻ dị giáo” và ở Nga, nơi cảnh sát đột kích nhà cửa và nơi thờ cúng các nhóm thiểu số tôn giáo. Tại Indonesia, chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực buộc  người Hồi giáo Ahmadi cải đạo bằng cách yêu cầu họ ký giấy bỏ đạo trước khi họ có thể đăng ký kết hôn hoặc tham gia vào cuộc hành hương Hajj.

Ví dụ, ở Trung Quốc, chỉ một số nhóm tôn giáo được phép đăng ký với chính phủ và tổ chức các buổi thờ phượng. Để làm điều này, họ phải thuộc một trong năm “hiệp hội tôn giáo yêu nước” do nhà nước tài trợ (Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Công giáo và Tin lành). “Tuy nhiên, có báo cáo rằng chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ, tra tấn và lạm dụng thể xác các thành viên của cả hai nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký.”

Trong số các quốc gia có mức giới hạn cao nhất đối với tôn giáo, vô số chính sách được áp dụng nhằm hạn chế các hoạt động tôn giáo. Ví dụ, ở Maldives, việc quảng bá một tôn giáo khác ngoài Hồi giáo là một tội ác, bị trừng phạt tới 5 năm tù. Và ở Lào, các nhóm tôn giáo phải được chính phủ cho phép quy tụ, tổ chức các buổi lễ tôn giáo, xây dựng nhà thờ và thành lập các giáo đoàn mới.

Những hạn chế kiểu này cũng phổ biến khắp Trung Á. Bắt đầu từ năm 2017, chính phủ Turkmenistan tiếp tục từ chối thị thực cho người nước ngoài nếu họ bị nghi ngờ muốn làm công việc truyền giáo; Chính phủ cũng đã ngăn chặn việc nhập khẩu văn học tôn giáo. Tương tự, ở Uzbekistan, một cơ quan chính phủ đã tiếp tục chặn việc nhập khẩu cả sách báo Kitô giáo lẫn sách báo Hồi giáo.

Chỉ trong năm 2017, sự quấy rối hoặc đe dọa các nhóm tôn giáo của các chính phủ đã được báo cáo ở 86% các quốc gia trong khu vực. Điều này bao gồm cả sự quấy rối lâu dài và liên tục các nhóm thiểu số tôn giáo ở một số quốc gia, tiếp tục vào năm 2017. Ví dụ, ở Trung Quốc, hàng trăm ngàn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã được gửi đến “các trại cải tạo”.

Cuối cùng, nghiên cứu kết luận, “nhìn chung, các hạn chế của các chính phủ đối với tôn giáo và sự thù địch xã hội liên quan đến tôn giáo vẫn khá ổn định trong năm 2017, so với năm trước. Đây là lần đầu tiên có ít thay đổi trên toàn cầu sau hai năm liên tiếp gia tăng các hạn chế chung của chính phủ hoặc các nhóm và cá nhân.

“Trong năm 2017, khoảng một phần tư trong số 198 quốc gia được nghiên cứu (26%) chạm các mức ‘cao’ hoặc ‘rất cao’ về sự giới hạn chính phủ  – tức là luật pháp, chính sách và hành động của các quan chức chính phủ nhằm hạn chế niềm tin và thực hành tôn giáo. So với con số 28% của năm 2016, thì đang có sự suy giảm. Sự suy giảm này xảy ra sau hai năm tỷ lệ phần trăm các quốc gia có mức độ hạn chế cao đối với tôn giáo đã gia tăng”.

“Tỷ lệ các quốc gia có mức độ thù địch xã hội ‘cao’ hoặc ‘rất cao’ liên quan đến tôn giáo – nghĩa là các hành vi thù địch tôn giáo của các cá nhân, tổ chức hoặc nhóm tư nhân trong xã hội – đã tăng từ 27% năm 2016 lên 28% trong Năm 2017. Đây là tỷ lệ cao nhất về các quốc gia có mức độ thù địch xã hội cao hoặc rất cao kể từ năm 2013, nhưng giảm xuống dưới mức cao nhất 33% của năm 2012.

Trong năm 2017, 83 quốc gia (42%) đã thực hiện các hạn chế cao hoặc rất cao đối với tôn giáo do các hành động của chính phủ hoặc các hành động thù địch của các cá nhân, tổ chức và các nhóm xã hội tư nhân. Con số này vẫn ở mức tương tự kể từ năm 2016 sau hai năm tăng và chỉ dưới mức đỉnh 43% trong năm 2012. Như những năm trước, hầu hết các quốc gia tiếp tục có mức độ hạn chế tôn giáo từ thấp đến trung bình vào năm 2017.

Nói về tự do tôn giáo, Đức Ông Antoine Camilleri, thứ trưởng ngoại giao Vatican, khi phát biểu tại buổi thuyết trình về “Nhìn nhận cuộc bách hại Kitô hữu”, đã tố cáo “xu hướng ngày càng tăng, ngay cả trong các nền dân chủ ổn định, hình sự hóa hoặc trừng phạt các nhà lãnh đạo tôn giáo vì đã công khai tuyên xưng đức tin, đặc biệt là trong các lĩnh vực sự sống, hôn nhân và gia đình. Trái lại, “nghĩa vụ của Nhà nước là phải bảo vệ tất cả những người tuyên xưng, hoặc không tuyên xưng, một niềm tin tôn giáo, vì họ đều là công dân.”

Hoàng Tiến (theo AsiaNews)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết