Chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải công nghiệp… mỗi năm mỗi tăng, nhưng năng lực xử lý chất thải không tăng tương ứng.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 cho thấy, chất thải sinh hoạt ngày càng tăng với tốc độ 10% mỗi năm trên toàn quốc và còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng lẫn về mức độ nguy hại.
Chất thải phát sinh từ hoạt động y tế ngày càng tăng. Ước tính năm 2015, lượng chất thải rắn y tế phát sinh là 600 tấn/ngày và đến năm 2020 sẽ tăng lên 800 tấn/ngày.
Công trình xử lý nước thải đạt chuẩn quy định còn ít, chỉ có 40 trong số 787 đô thị trên cả nước có công trình xử lý nước thải và mới chỉ xử lý được 10 – 11% nước thải sinh hoạt. Phần còn lại chưa được xử lý và tất nhiên đang là nguồn thải lớn, gây ô nhiễm.
Theo báo cáo, tính đến hết năm 2015 cả nước có 283 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong tổng số 283 khu công nghiệp đang hoạt động mới có 212 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (75%, xử lý được 60% lượng nước thải), 24 khu công nghiệp đang xây dựng (11%), 30 khu công nghiệp còn lại chỉ mới có lộ trình thực hiện.
Cả nước có gần 900 cụm công nghiệp, điều đáng buồn là số cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung rất ít, chỉ từ 3-5%.
Các làng nghề như tái chế giấy, kim loại, nhựa cũng gây ô nhiễm rất lớn.
Theo nguồn gốc có khoảng 46% chất thải rắn phát sinh từ đô thị và 17% từ khu công nghiệp, còn lại là ở nông thôn, làng nghề và y tế. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 63 tấn/ngày. Đối với khu công nghiệp, lượng chất thải rắn xấp xỉ 4,7 triệu tấn mỗi năm. Theo Báo cáo, chất thải rắn mỗi năm tăng thêm 10%. Năm 2014, lượng chất thải rắn ở các đô thị là khoảng 32.000 tấn/ngày.
Chiều 29-9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015. Báo cáo dài 244 trang với 10 chương gồm các vấn đề: Phát triển kinh tế – xã hội và sức ép đối với môi trường; Biến đổi khí hậu, thiên tai; Phát sinh và xử lý chất thải rắn; Môi trường nước; Ô nhiễm không khí; Môi trường đất; Đa dạng sinh học; Tác động của ô nhiễm môi trường; Quản lý môi trương và Những thách thức môi trường và định hướng bảo vệ môi trường trong 5 năm tới.
Vũ Minh