Bất bình đẳng là điều chấp nhận được, nhưng không phải bằng mọi giá. Cần có một khuôn khổ…
Bất bình đẳng là một thực tế. Và có nhiều thái độ đối với thực tế này.
Giáo hội Công giáo đề cao công lý và sự bình đẳng. Và với một cái nhìn thực tế, Giáo hội cũng chấp nhận sự bất bình đẳng. Nhưng theo nghĩa nào?
Bất bình đẳng về phẩm giá
Sự bất bình đẳng về phẩm giá là điều không thể chấp nhận được. Khi khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng, là chúng ta hiểu về sự bình đẳng này. Nhân vị, nhân phẩm, nhân quyền là những giá trị cao cả. Sự bình đẳng về phẩm giá là một nguyên tắc và lý tưởng mà nhân loại phải luôn đề cao và hướng tới.
Bất bình đẳng về thu nhập và về cơ hội
Sự bất bình đẳng về thu nhập và về cơ hội, thì lại là một thực tế có thể chấp nhận và phải chấp nhận. Nhưng không phải là sự chấp nhận bằng mọi giá.
Người ta được sinh ra trong những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Sự phân phối không đồng đều các tài năng và cơ hội, sự khác biệt khách quan và chủ quan giữa người ta với nhau…, là những điều bình thường, thậm chí còn được một số người coi là hữu ích cho đời sống cá nhân và xã hội. Tham vọng cào bằng mọi thứ đã gây ra biết bao kinh nghiệm đau thương. Và vì thế, sự chênh lệch về thu nhập và cơ hội, tự nó, không phải là điều xấu.
Nhưng sẽ là tội lỗi, nếu 1% dân số chiếm 40% của cải xã hội, và sẽ là tội ác nếu nhân danh sự đa dạng và khác biệt để loại trừ người khác, nhất là người nghèo và người yếu thế.
Thực ra, sự bất bình đẳng về thu nhập và về cơ hội là có thể chấp nhận được, nếu xã hội được xây dựng theo các nguyên tắc nhân vị, bổ trợ, liên đới và công ích, và luôn hướng đến các giá trị chân lý, công lý, tự do và tình yêu. Nói cách khác, trong chừng mực mà các nguyên tắc và giá trị đó cho phép, sự bất bình đẳng sẽ là điều chấp nhận được. Ngược lại, sự bất bình đẳng sẽ là một nguồn gây bất ổn cho xã hội.
Khi các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở… chỉ được thiết kế theo nguyên tắc khả năng chi trả của người dân, đến độ gạt người nghèo ra bên ngoài (vì họ không có khả năng chi trả) và không tôn trọng các nguyên tắc công ích và liên đới, thì sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các dịch vụ căn bản trong cuộc sống là điều không thể chấp nhận được. Nhưng điều đó, tiếc thay, lại đang diễn ra ngày càng trầm trọng trong xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay.
Ngoài ra, còn một yếu tố nữa cần phải được tính đến khi nói về sự chấp nhận, ở một mức độ, sự bất bình đẳng thu nhập và xã hội. Đó là các nguyên tắc đạo đức. Thực tế bất bình đẳng sẽ không là nguồn gây ra sự bất ổn xã hội, nếu người ta biết tôn trọng các chọn lựa đạo đức tốt lành, ví dụ chọn lựa ưu tiên đáp ứng các nhu cầu của người nghèo, chọn lựa tôn trọng quyền tham gia của tất cả các thành viên của xã hội vào đời sống quốc gia và cộng đồng…
Gieo hạt giống tốt
Ngay từ những trang đầu tiên của Thánh Kinh, sự khác biệt và bất bình đẳng giữa Cain và Abel đã trở nên nguồn cơn của tội sát nhân nguyên thủy.
Có lẽ sẽ là không tưởng nếu muốn xóa sạch sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội trên đất nước chúng ta hôm nay. Tố cáo và lên án những thực tế bất bình đẳng là điều phải làm. Nhưng như thế thôi chưa đủ.
Điều cần thiết và tích cực hơn, có lẽ là nỗ lực xây dựng xã hội theo các nguyên tắc tôn trọng nhân vị, công ích, liên đới và bổ trợ, và theo các giá trị chân lý, công lý, tự do và tình thương. Kiên trì đeo đuổi các chọn lựa ưu tiên cho người nghèo và những người bất hạnh, đề cao và tạo điều kiện cho sự tham gia thực tế của mọi công dân vào đời sống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa… là những nỗ lực tốt lành và cần thiết.
Cứ chỉ lo nhổ cỏ dại, luống đất sẽ vẫn đầy cỏ dại. Nhưng nếu gieo vào đó một ít giống hoa, cỏ dại sẽ không còn đất sống.
Tân Thanh