Cách đây 1 năm, vào dịp Lễ Chân Phước Phêrô Donders, Tỉnh Dòng mới của Dòng Chúa Cứu Thế, mang tên ngài và bao gồm các đơn vị cũ như Buenos Aires, Paraguay, Santiago de Chile và Resistencia ở Mỹ Latinh, đã được chính thức ra mắt. Nhân dịp này, Scala News đã đề nghị Cha Giám Tỉnh Hector Javier Machado CSsR, suy ngẫm về sự dấn thân của Tỉnh Dòng mới tại vùng đất Châu Mỹ, nơi mà vị Chân Phước Dòng Cứu Thế đã dành cuộc đời của mình để cứu giúp những người yếu đuối và bị bỏ rơi nhất.
Kính thưa Cha Javier, tại sao Cha lại chọn Chân Phước Phêrô Donders làm Quan thầy của Tỉnh Dòng mới?
Sau nhiều đề xuất trong các cuộc họp khác nhau, khi Chân Phước Phêrô Donders được đề xuất làm tên cho Tỉnh Dòng mới của chúng tôi tại cuộc họp của bốn Hội đồng của các đơn vị cũ, những người ủng hộ đề xuất này đã làm như vậy vì những lý do sau đây, trong số những lý do khác:
Chúng tôi chọn Ngài này vì Chân Phước Dòng Chúa Cứu Thế Phêrô Donders đã dành cuộc đời của mình ở Châu Mỹ Latinh. Ngài tiếp tục ở lại đây, và đây là Đền thờ dâng kính Ngài. Ngài là người gần gũi nhất với sự thánh thiện của Hội Dòng của chúng ta tại Mỹ Latinh, và chúng tôi muốn trông cậy vào Đấng cầu bầu và là mẫu gương của Dòng Chúa Cứu Thế trong hành trình đầy thử thách của sự hiệp nhất mà chúng tôi sắp thực hiện. Sự thánh thiện trong cuộc đời của Chân Phước Phêrô Donders đã truyền cảm hứng cho chúng ta về sự tách biệt (distacco) và phó thác hoàn toàn vào bàn tay của Thiên Chúa, một điều mà chúng ta cần phải không ngừng vun đắp để có thể thực hiện dự án của sự hiệp nhất và hiệp thông này. Mặt khác, Chân Phước Phêrô Donders đã xác quyết rằng Ngài đang loan báo về Ơn Cứu Chuộc dồi dào một cách cụ thể cho những nô lệ làm việc trên các cánh đồng mía ở Surinam, cho người dân bản địa và những người phong cùi bị gạt ra bên lề ở Batavia, qua đó nhắc nhở chúng ta rằng việc tái cấu trúc là vì sứ vụ.
Trong năm đầu tiên với tư cách là Tỉnh Dòng Phêrô Donders, Cha nhận thấy những khía cạnh nào của vị Chân Phước Dòng Chúa Cứu Thế được phản ánh trong công tác mục vụ hoặc truyền giáo của Dòng Chúa Cứu Thế tại địa phương của ngài?
Có một khía cạnh trong cuộc đời của Chân Phước Phêrô Donders được phản ánh trong những lựa chọn của Tỉnh Dòng của chúng tôi, đó là lựa chọn cụ thể ưu tiên những người bị gạt ra bên lề nhất, chẳng hạn như nô lệ, người bản địa và những người mắc bệnh phong bị bỏ rơi ở Batavia. Tỉnh Dòng Phêrô Donders có sự hiện diện truyền giáo tại những nơi xa xôi như Mozambique ở Châu Phi, Patagonia thuộc Argentina-Chile ở cực nam của lục địa Mỹ Latinh, các thung lũng xung quanh Cachi ở Salta, vùng nông thôn Goyano ở Corrientes và vùng nông thôn ở Carapeguá, vùng truyền giáo Itapúa ở miền nam Paraguay, San Lorenzo ở miền bắc Chile và tất cả các vùng ngoại vi của các Giáo xứ thành thị của chúng tôi, cùng với những nơi xa xôi và nghèo khó khác mà chúng tôi tiếp cận. Trong chưa đầy một năm hoạt động của Tỉnh Dòng, Chân Phước Phêrô Donders nhắc nhở chúng ta rằng những khu vực ngoại vi của đơn vị của chúng tôi là những nơi đặc quyền của sứ vụ của chúng tôi và đòi hỏi sự sẵn sàng để tiếp tục ở đó và thậm chí mở lòng mình ra với nhiều thách thức tông đồ hơn ở những vùng xa xôi và bị bỏ rơi, trong phạm vi mà tình hình kinh tế của chúng tôi và của các anh em tu sĩ cho phép.
Xin Cha có thể gợi ý những chi tiết nào về cuộc đời của Chân Phước Phêrô Donders cho toàn thể Hội Dòng để chúng ta có thể suy ngẫm và hiểu biết hơn về Ngài và do đó tôn kính Ngài trên toàn thế giới?
Trong hai câu trả lời trước, có những chi tiết về cuộc đời của Chân Phước Phêrô Donders có thể khiến toàn thể Hội Dòng suy ngẫm, nhưng có một khía cạnh thiết yếu trong cuộc đời của Ngài đặc biệt soi sáng cho chúng ta trong thời điểm chúng ta đang sống với tư cách là một gia đình Dòng Chúa Cứu Thế trên khắp thế giới. Chúng ta muốn nói đến khả năng tái cấu trúc của Ngài trong suốt cuộc đời quảng đại hy sinh của mình. Chúng ta hãy nhớ rằng Cha Phêrô Donders, một Linh mục Giáo phận, năm 32 tuổi đã rời bỏ sự an nhàn ở Hà Lan và đến Surinam, nơi ngài cần phải tái cấu trúc cuộc đời của mình. Sau đó, vào năm 56 tuổi, sau khi phân định nghiêm túc và để đáp ứng với hoàn cảnh của thời điểm đó, ngài đã rời bỏ sứ vụ Giáo phận của mình và gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế để tiếp tục đời sống tu trì truyền giáo, mà ở đó ngài cũng cần phải tái cấu trúc cuộc sống của mình. Ngoài những khoảnh khắc quan trọng này, toàn bộ cuộc đời của Chân Phước Phêrô Donders phản ánh khả năng biết buông bỏ, mở lòng mình ra với những thực tại khác, tái xem xét về công việc truyền giáo của mình, nghĩa là tái cấu trúc bản thân để phục vụ sứ vụ, xác định rõ ràng những người tiếp nhận và đối thoại bị bỏ rơi nhất, những người mà Thiên Chúa đã gửi Ngài đến vì Ngài luôn sẵn sàng.
Minh Tuệ (theo Scala News)