Chân phước Gennaro Maria Sarnelli

Sarnelli (1702 – 1744) xuất hiện dưới mắt những người cùng thời như một ngọn “núi lửa” tuôn trào tư tuởng và sáng kiến. Ngài như ngọn “Vésuve” luôn luôn hoạt động

sarnelli-534x462Truyền thống Dòng Chúa Cứu Thế luôn coi chân phước Gennaro Maria Sarnelli như người anh em sinh đôi với Đấng sáng lập là thánh Anphongsô Maria đệ Ligôri. Cả hai đều là người Napoli. Cả hai đều đi theo một con đường: học luật và đậu tiến sĩ luật đạo và luật đời tại Đại học Napoli. Cả hai đều thi hành nghề luật sư và đều từ bỏ ghế luật sư để gia nhập hàng giáo sĩ, hiến mình cho những người nghèo bị bỏ rơi ở thủ đô. Gần như hoàn toàn tự nhiên, cả hai lần lượt trở thành tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và thừa sai của giới bình dân.

Gennaro và Anphongsô : hai cuộc đời sóng đôi

Những điểm tương đồng giữa Anphongsô và Gennaro Maria Sarnelli được giải thích một phần nhờ hai người có chung một nền tảng tôn giáo, văn hoá và xã hội. Không phải ngẫu nhiên nếu chúng ta thấy cả hai ở “Học Viện Trung Hoa” (hiện nay là Học Viện Đông Phương) do cha Matteo Ripa, một gương mặt vĩ đại khác người Napoli, sáng lập và cả hai đều nghĩ đến việc truyền giáo ngoại quốc. Cũng không phải ngẫu nhiên nếu như cả hai đều hiểu rằng nước Trung Hoa mà họ hướng tới đã ở nơi những hạng người bần cùng của thủ đô. Chính vì thế mà chúng ta thấy cả hai đã sát cánh bên nhau trong công việc xây dựng các “Nguyện Đường Buổi Tối“, một ý hướng ban đầu đào tạo giáo dân cho công việc tông đồ giữa các giáo dân.

Ta có thể kể ra một điểm tương đồng khác trong khi nhấn mạnh rằng : cả Sarnelli và Anphongsô đều ý thức đến tầm quan trọng của việc xuất bản nhằm phổ biến những tư  tưởng và những việc đạo đức cho công chúng đương thời. Cuộc đấu tranh chung chống lại sự dốt nát, cách riêng là sự dốt nát tôn giáo là cái cả hai đều mắc nợ Thời đại ánh sáng mà trong đó cả hai đã được đào luyện.

Việc tông đồ bằng ngòi bút chiếm một phần lớn công sức của Sarnelli và Anphongsô. Sarnelli mất khi còn khá trẻ, mới 42 tuổi. Khi ấy Anphongsô còn chưa được coi là một bậc thầy trong lãnh vực xuất bản sách tôn giáo, cũng như chưa phải là một bậc thầy trong lãnh vực thần học luân lý Kitô giáo. Sức viết của Sarnelli làm chúng ta ngạc nhiên vì số lượng tác phẩm mà ngài đã cho xuất bản trong một cuộc đời ngắn ngủi với biết bao hoạt vụ tông đồ. Chính kinh nghiệm mục vụ đã chỉ cho ngài viết những cuốn sách lớn nhỏ khác nhau về giáo lý, giáo dục trẻ em, nạn mãi dâm, huấn luyện cầu nguyện và suy niệm. Có thể nói, ngài đã khai sáng một lối viết gắn liền với cuộc sống thường nhật của Kitô hữu. Lối viết này sau đó đã phát triển nhờ thiên tài Anphongsô. Chính lối viết này đã làm cho thánh Anphongsô trở thành vị “Tiến sĩ bình dân” duy nhất trong lịch sử Giáo Hội.

Một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế không “điển hình”

Chẳng có gì là ngạc nhiên nếu đích thân thánh Anphongsô đã lãnh trách nhiệm viết cuốn tiểu sử đầu tiên về người anh em trẻ của ngài là Sarnelli. Điều này là bằng chứng tỏ tường cho thấy lòng ngưỡng mộ của ngài đối với Sarnelli. Bởi vì, thánh Anphongsô chỉ viết tiểu sử những người mà ngài gắn bó nhất đó là : Sarnelli, đấng đáng kính Paolo Cafaro, cha giải tội của ngài, và thầy trợ sĩ đầu tiên Vito Curzio.

Những bản tiểu sử ấy có giá trị, trên hết, như một bằng chứng về lòng cảm phục và mộ mến của một vị thánh, người đã không để mình cuốn theo những tình cảm dễ dãi; người trong lúc viết tiểu sử các thánh, một ngày kia đã từng tự nhắc bảo mình rằng : “Nếu tiểu sử các thánh, sau khi nói đến các nhân đức, cũng đề cập đến những khuyết điểm của các ngài, thì cuốn tiểu sử sẽ dầy lên hai lần hơn”.

Nhưng, sẽ là bất công, nếu coi cuộc đời chân phúc Gennaro Maria Sarnelli chỉ là hình ảnh mờ nhạt phản chiếu cuộc đời bạn ngài là thánh Anphongsô. Chính lòng quý mến mà vị thánh đã dành cho chân phúc Sarnelli không cho phép chúng ta làm như vậy. Chúng ta thấy rằng thánh Anphongsô tỏ ra suy nghĩ bao nhiêu, thì chân phúc Sarnelli lại hoạt động tự phát và hay thay đổi bấy nhiêu. “Bậc thầy của các nhà luân lý” là người thực hành đến độ thực dụng; lý tưởng đến độ không tưởng. Ligôri có khả năng sống kỷ luật sắt bao nhiêu thì Sarnelli lại không thể tự nhốt mình vào lối sống giờ giấc của tu viện.

Sarnelli xuất hiện dưới mắt những người cùng thời như một ngọn “núi lửa” tuôn trào tư tuởng và sáng kiến. Ngài như ngọn “Vésuve” luôn luôn hoạt động, gây ấn tượng cho cả bạn bè lẫn địch thủ của ngài. Hoạt động dồn dập mau chóng dẫn Sarnelli đến chỗ bệnh tật và cái chết. Gần như ngài bị nghiền nát bởi nhu cầu hoạt động liên tục này.

Đối với những người cùng thời thì lòng hăng say hoạt động là đức tính nổi bật nhất của ngài. Cha Gregorio Rocco, một tu sĩ Dòng Đaminh nổi tiếng, đã nói rằng “Sarnelli muốn hoán cải cả thế giới một lượt”. Có người cũng nghĩ rằng người như Sarnelli dường như ít thích hợp với việc làm thành viên của nhóm tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên. Lối sống liên tục đặt ra những dự định khác nhau dường như cho thấy “cái đầu của Don Gennaro đã bị quay quay”. Nhưng đối với thánh Anphongsô, một con người có khiếu thẩm định tinh tế, thì một con người như Sarnelli lại rất tốt : Sarnelli làm một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế ngoại thường, ngài tự do để làm việc, như là một con người có thể, ngài đã sống lý tưởng của Dòng Chúa Cứu Thế là hiến mình trọn vẹn phục vụ những người nghèo và những người bị bỏ rơi.

Di  sản của  Sarnelli

Bằng lối sống ơn gọi Dòng Chúa Cứu Thế rất riêng tư của mình – ưu tiên chăm lo cho những người bé mọn và những người bị gạt ra bên lề xã hội, Sarnelli đã có một hậu duệ thường là thánh. Chúng ta nhớ đến thánh Giêrađô Majella vị tông đồ của những người thợ, người dân vùng sâu vùng xa Miền Nam Napoli cuối thế kỷ XVIII; thánh Clêmentê Maria Hofbauer, người cha của các trẻ mồ côi ở Áo và Ba Lan cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX; thánh Gioan Népomucène Neumann, người lo cho số phận  của những người nhập cư ở Hoa Kỳ giữa thế kỷ XIX; chân phúc Phêrô Donders, vị tông đồ của những người phong hủi và những nô lệ ở Surinam thuộc Hòa Lan cuối thế kỷ XIX; Gioan Ploussamd, vị tông đồ giữa những bộ lạc du mục người Touaregs trong thời đại chúng ta; và nhớ đến những tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế khác mà Giáo Hội còn chưa tôn vinh hoặc sẽ không bao giờ được tôn vinh trên bàn thờ – những người đã không ngại hy sinh đời sống bình lặng trong tu viện, để gánh lấy sự nghèo khó vật chất, văn hóa và tôn giáo của anh em đồng loại.

Nếu quen nhìn với mẫu thánh thiện được xác định bởi những việc đạo đức và bởi một đời sống kỷ luật của khuôn mẫu thánh thiện cổ thời, thì thoạt nhìn đến đời sống của Sarnelli, sự tự do và độc lập của ngài khiến chúng ta bối rối. Tuy nhiên, chính những yếu tố này đã đưa ra một khuôn mẫu thánh thiện mới mà tôi không ngần ngại gọi đó là sự thánh thiện hiện đại, khi chúng ta đã nhận ra tầm quan trọng của việc sống theo Thần Khí, theo tự do, theo trách nhiệm cá nhân. Tất cả được bảo trợ bởi lòng xót thương vừa có tính nhân bản vừa có tính Tin  Mừng, là cái có lẽ thiếu thốn trong cơ cấu đang được kế hoạch hoá và trong lòng bác ái có tổ chức của chúng ta.

Trong tinh thần ấy Gennaro Maria Sarnelli có một vị thế để ngài có thể tiếp tục nói cho con người thời đại chúng ta.

Francesco Chiovaro

Trích Lời nói đầu tác phẩm “Gennaro Maria Sarnelli – Tông đồ gấi điếm thành Napoli

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết