Cha sở Giáo xứ Thánh Gia tại Gaza bị thương trong vụ oanh kích của Israel chia sẻ về tác động đối với cộng đoàn Giáo xứ

Cha Gabriel Romanelli tại Giáo xứ Thánh Gia trong cảnh chiến tranh (Ảnh: ACN)

Cha Gabriel Romanelli tại Giáo xứ Thánh Gia trong cảnh chiến tranh (Ảnh: ACN)

“Tạ ơn Chúa vì đã không có nhiều người bị thương hơn”, Linh mục Gabriel Romanelli chia sẻ trong cuộc phỏng vấn độc quyền với EWTN vào ngày 24 tháng 7, sau vụ oanh kích hôm 17 tháng 7 nhằm vào Giáo xứ Thánh Gia ở Gaza, khiến 3 người thiệt mạng và 15 người bị thương, trong đó có chính ngài.

“Đó là một trải nghiệm kinh hoàng”, Cha Romanelli nói với chương trình “EWTN Noticias” trong cuộc phỏng vấn bằng tiếng Tây Ban Nha, đồng thời cho biết rằng mặc dù khuôn viên Giáo xứ đã từng bị tấn công vào đầu cuộc chiến hồi tháng 12 năm 2023, nhưng đây là lần đầu tiên nhà thờ bị tấn công trực tiếp. Mặt tiền của nhà thờ đã bị trúng đạn trong một cuộc không kích mà phía Israel sau đó tuyên bố là một tai nạn.

“Thánh giá biểu tượng mà anh chị em thường thấy — cao khoảng 2 mét — đã bị hư hại nặng”, Cha Romanelli kể về cây Thánh giá gắn trên mái nhà thờ. “Các mảnh đạn bay tứ phía”, ngài kể lại.

“Khu vực này khá nhỏ, và mặc dù chúng tôi đã quen với tiếng bom rền hằng ngày và những mảnh kim loại rơi xuống thường xuyên, nhưng chưa từng có vụ việc nào nghiêm trọng như thế kể từ khi chiến sự bắt đầu”, Cha Romanelli nói thêm. “Vụ oanh kích vừa qua đã để lại một hậu quả nghiêm trọng”.

Cha Romanelli bị thương ở chân trong vụ tấn công, và hiện vết thương đang dần lành lại dù có bị “nhiễm trùng nhẹ”. Trong số những người bị thương khác, ngài cho biết hiện chỉ có 2 người đã qua cơn nguy kịch: một người bị thương ở chân và một người bị tổn thương nội tạng.

Cuộc sống bên trong bức tường Giáo xứ Công giáo duy nhất tại Gaza

Trong 17 ngày trước vụ tấn công vào Giáo xứ Thánh Gia, Cha Romanelli đã mô tả bầu khí của “hoạt động quân sự dữ dội và pháo kích dữ dội”. Giữa khung cảnh ấy, những người đang trú ẩn trong khuôn viên Giáo xứ vẫn cố gắng “duy trì một số thói quen thường ngày”.

Mỗi sáng, Cha Romanelli cho biết, các cư dân tại Giáo xứ bắt đầu ngày mới lúc 7 giờ sáng với giờ chầu Thánh Thể thinh lặng. “Trẻ em và thanh thiếu niên tham dự theo cách riêng của mình — viết lời cầu nguyện hoặc suy niệm”, ngài nói. “Thật là một phép lạ khi các em vẫn có thể cầu nguyện cho hòa bình giữa sự hỗn loạn”. Sau đó là các lời cầu nguyện buổi sáng bằng tiếng Ả Rập và phép lành Thánh Thể.

Do tình hình leo thang gần đây, Giáo xứ buộc phải đình chỉ nhiều hoạt động, bao gồm các trò chơi, sinh hoạt giới trẻ và các chương trình giáo dục. “Các mảnh đạn thường xuyên văng tứ tung đến mức chúng tôi không thể mạo hiểm để bất cứ ai ra sân trung tâm, dù đó là một khoảnh sân nhỏ,”, Cha Romanelli giải thích.

Khuôn viên Giáo xứ Thánh Gia bao gồm hai ngôi nhà do các Nữ tu Thừa sai Bác ái, Hội Dòng do Thánh Têrêsa Calcutta sáng lập, điều hành, cùng với nơi cư trú của các Linh mục và Nữ tu thuộc Dòng Ngôi Lời, một nhà trẻ và phòng sinh hoạt thiếu nhi, một trường trung học cơ sở và một trường tiểu học.

Cha Romanelli cho biết các lớp học hiện đã được chuyển đổi thành khu sinh hoạt, nơi khoảng 500 người tị nạn — chủ yếu là Kitô hữu — đang cư ngụ. “Một số ít người Hồi giáo ở lại với chúng tôi là những người mắc bệnh nan y hoặc khuyết tật, được các Nữ tu chăm sóc”, ngài nói.

Dù khuôn viên Giáo xứ là nơi trú ẩn quý giá, nhưng Cha Romanelli cho biết việc thiếu điều kiện vệ sinh và nước sinh hoạt, cộng với thời tiết nắng nóng hơn 100 độ F (khoảng 38 độ C) tại Gaza khiến việc giữ trẻ em trong các phòng học chật hẹp, mỗi phòng có 10–12 em, là điều “gần như không thể”. Trước khi căng thẳng leo thang, những buổi tối chơi bóng đá và bóng rổ là sinh hoạt quen thuộc của các em nhỏ trước giờ cầu nguyện.

Hiện các gia đình chủ yếu “tự xoay xở” giữa tình trạng thiếu lương thực trầm trọng đang bao trùm khu vực, nhưng Giáo xứ vẫn nấu ăn chung hai lần mỗi tuần. Giáo xứ chủ yếu sử dụng điện mặt trời, và công việc lọc nước vẫn đang được duy trì.

Giữa sự gián đoạn nghiêm trọng đối với đời sống hằng ngày do vụ tấn công gần đây gây ra, Cha Romanelli cho biết việc đào tạo đức tin cho giới trẻ vẫn đang tiếp diễn “dù ở mức độ khiêm tốn”. Giáo xứ đôi khi chiếu các bộ phim tôn giáo, tùy thuộc vào điều kiện điện. “Ngày mai, chúng tôi sẽ xem phim về cuộc đời Thánh Rafqa, một vị thánh người Liban”, Cha Romanelli nói.

Khi được hỏi liệu Giáo xứ có nguy cơ bị đóng cửa trong hoàn cảnh hiện tại không, Cha Romanelli trả lời: “Chúng tôi sẽ đi đâu? Các Kitô hữu ở đây vẫn luôn nói: ‘Chúng tôi sẽ ở lại với Chúa Giêsu’”.

“Không ai nghĩ đến chuyện rời đi”, ngài nói thêm. “Ngay từ đầu họ đã biết rằng chẳng có nơi nào khác để đi. Nguy hiểm ở khắp nơi, không chỉ ở những nơi được cho là ‘khu vực nguy hiểm’”.

Vai trò thiết yếu của Giáo hội trong việc trợ giúp và đem lại hy vọng cho người dân Gaza

Các tổ chức Công giáo, cùng với các Giáo hội Kitô giáo khác, đã có thể phân phát viện trợ nhân đạo cho hàng chục ngàn gia đình trong thời gian ngừng bắn cách đây 5 tháng. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn Gaza đang trong tình trạng giao tranh ác liệt, “hầu như không có viện trợ nào được đưa vào khu vực phía bắc Gaza”, Cha Romanelli cho biết.

Caritas Giêrusalem và Giáo xứ Thánh Gia đã cung cấp dịch vụ y tế cho cộng đồng rộng lớn hơn thông qua hai phòng khám dã chiến. Tổng cộng, theo Cha Romanelli, Giáo hội hiện có 10 phòng khám tại Gaza, gồm một phòng khám cố định và 9 phòng khám lưu động. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vật tư y tế đang hạn chế nghiêm trọng khả năng hoạt động của họ.

“Có một nhu cầu cấp thiết, đặc biệt là về lương thực và thuốc men”, ngài nhấn mạnh. Dù một số viện trợ đã được phân phát ở phía nam Gaza, nhưng khu vực Thành phố Gaza ở phía bắc, nơi tập trung phần lớn cộng đồng Kitô hữu, vẫn chưa nhận được gì.

Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ nghi lễ Latinh tại Giêrusalem, đã có thể vào Gaza sau vụ tấn công, nhưng không được phép phân phát viện trợ. “Ngài đang nỗ lực hết sức để đem ận chuyển hàng cứu trợ”, Cha Romanelli nói.

“Chúng tôi khẩn thiết cầu xin sự cho phép đưa viện trợ nhân đạo quy mô lớn vào khu vực”, Cha Romanelli nói thêm. “Dù đôi khi có xe tải bị cướp phá, điều đó không thể là lý do để ngăn chặn toàn bộ công tác cứu trợ nhân đạo. Càng có nhiều viện trợ được đưa vào, khả năng bị cướp bóc sẽ càng giảm”.

Lời kêu gọi gửi đến cộng đồng quốc tế

Trong lời chia tay, Cha Romanelli kêu gọi các tín hữu và cộng đồng quốc tế cầu nguyện và “nói lên sự thật một cách rõ ràng và công bằng”. Hòa bình có thể đạt được thông qua cầu nguyện và ngoại giao, ngài cho biết.

Về mặt thực tiễn, Cha Romanelli khuyến khích những ai muốn trợ giúp hãy “chuyển sự hỗ trợ của mình thông qua Tòa Thượng phụ nghi lễ Latinh tại Giêrusalem”, vốn đã từng thành công trong việc đưa viện trợ vào khu vực này trong quá khứ.

“Khi chúng tôi bước đi trên con đường Thập Giá này tại Gaza, chúng tôi bám víu vào niềm hy vọng rằng mỗi ‘Chặng Đàng Thánh Giá’ sẽ kết thúc với ngôi mộ trống — với sự Phục Sinh”, Cha Romanelli nói. “Chúa Kitô hiện đang chịu đau khổ nơi những người vô tội. Nhưng một ngày kia, vinh quang sẽ chiếu tỏa”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết