Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng là một linh mục thánh thiện, thông thái, tràn đầy tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tôi ước mong được chia sẻ một ít tâm tình về tình yêu của ngài dành cho tù nhân lương tâm và giới trẻ cũng như một ít kỷ niệm về ngài.
Tôi hân hạnh được biết Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng khi hoạt động trong phong trào sinh viên tại Hà Nội từ năm 2008. Với vai trò trưởng Cộng Đoàn Vinh tại Hà Nội lúc đó, tôi thường có dịp gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi với ngài. Về sau, tôi mong được trò chuyện với ngài nhiều hơn khi có cơ hội. Thế nên, mặc dù khi đã rời Việt Nam để đến Hoa Kỳ học tập, mỗi khi ngài có dịp viếng thăm hay chữa bệnh tại Hoa Kỳ, tôi vẫn tìm cách đến gặp ngài.
Tình yêu dành cho các tù nhân lương tâm
“Làm sao cho các thanh niên sinh viên được tự do”. Đó là lời ưu tư của ngài chia sẻ với tôi tại Nam California trước khi trở lại Việt Nam vào cuối tháng 9 năm 2015.
Dù sức khỏe yếu, lúc đó ngài vẫn tìm cách thăm hỏi và động viên cựu tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần cho bằng được, sau khi chị vừa được trả tự do tới Hoa Kỳ. Trên đường tới nơi gặp gỡ, ngài nhắn tôi: “Lát nữa cậu nhớ nhắc mình cầu nguyện cho linh hồn mẹ của chị Tần và mẹ của anh Sơn nhé.” Trong thánh lễ, ngài đã cầu nguyện cho linh hồn các thân mẫu của chị Tạ Phong Tần và anh Paulus Lê Sơn, cho ngục sỹ Nguyễn Chí Thiện và cầu bình an cho các thanh niên sinh viên đang bị tù đầy.
Suốt buổi gặp gỡ, ngài vui cười vì gặp lại chị Tần và gặp lại người thân quen như gặp lại người con, người em và những người bạn sau một thời gian dài. Ngài đưa tin vui mừng để tạ ơn Chúa về việc nhạc sỹ Tô Hải được rửa tội, sinh viên Nguyễn Phương Uyên hay ông Nguyễn Hữu Cầu cũng đã được trả tự do.
Mỗi lần gặp ngài tại Hoa Kỳ, tôi thấy lòng ngài luôn luôn thao thức rằng mình phải làm gì đó giúp anh em thanh niên sinh viên đang bị nhà cầm quyền giam giữ cách bất công. Có lẽ bởi chính ngài và cả gia đình ngài đã là những nạn nhân của chế độ Cộng sản nên ngài càng hiểu thấu nỗi khổ của những người bị nạn. Tại Việt Nam, ngài cho phép và trực tiếp tổ chức các buổi cầu nguyện cho những người bị giam giữ cách oan khiên, cho truyền thông của Dòng Chúa Cứu Thế tham gia tích cực vào việc đưa tin, vận động các cá nhân và các tổ chức khắp nơi trên thế giới để kêu gọi trả tự do cho những người bị tù đày, đặc biệt là các thanh niên sinh viên.
Ngài quan tâm đến từng con người bị nạn chứ không riêng gì các sự kiện. Vào năm 2009, khi tôi bị nhà cầm quyền bắt giữ trong vụ Tam Tòa – Giáo Phận Vinh, ngài lập tức điện tin khắp nơi cho những người thân quen để hiệp thông. Sau khi tôi được trả tự do, chính ngài và các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã đích thân ghé thăm tôi tại gia đình. Hành động đó của ngài đã để lại cho tôi nhiều xúc động và một dấu ấn khó quên trong đời. Tôi được tăng thêm sức mạnh và rồi từ đó càng dấn thân nhiều hơn trên con đường mưu cầu tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam.
Sau khi trở về Viêt Nam và hưu dưỡng tại Sài Gòn vào năm 2015, ngài vẫn luôn luôn dành nhiều sự quan tâm cho các thanh niên sinh viên. Tôi biết ngài gặp nhiều trở ngại sức khỏe nhưng ngài vẫn dùng email để gửi cho tôi tấm hình ngài chụp với anh em sinh viên đã được tự do. Ngài vui mừng cho tôi biết vì được gặp lại anh em và rồi chia sẻ niềm vui đó với tôi nữa. Điều đó cho thấy các tù nhân lương tâm luôn có một chỗ đặc biệt trong trái tim của ngài.
Tình yêu dành cho giới trẻ
Nhớ về những năm tháng hoạt động ở Hà Nội, tôi nhận thấy ngài dành cho giới sinh viên một tình yêu sâu sắc. Dù nhân lực và nguồn lực của nhà Dòng không nhiều nhưng ngài dành nhiều sự ưu đãi cho hàng ngàn sinh viên khắp nơi tụ về Hà Nội học tập, trong đó có sinh viên Vinh chúng tôi. Ngài cắt cử các cha lo về mục vụ sinh viên. Ngài dành phòng ốc cho sinh viên sinh hoạt, hội họp và học tập. Chính vì thế, trong môi trường chế độ cộng sản, sinh viên có nơi nương tựa về đời sống đức tin, tinh thần và thăng tiến tri thức.
Ngài mời các giáo sư, các giảng viên để dạy các lớp tiếng Anh, tiếng Pháp cho sinh viên. Nhiều sinh viên, nữ tu và chủng sinh đang du học ở Pháp, Úc hay Hoa Kỳ đều biết các lớp học này tại Thái Hà. Với tầm nhìn xa trông rộng khi thấy vai trò của việc học Anh Ngữ là con đường đưa giới trẻ hòa nhập với thế giới văn minh, ngài tiếp tục khuyến khích hai cô em họ là Thanh Xuân và Tuệ Phương ở California, Hoa Kỳ để thiết lập một tổ chức từ thiện chuyên về giáo dục mang tên Education For The Poor. Chương trình này đã hoạt động nhiều năm trong việc phát triển giáo dục và đã đưa nhiều thiện nguyện viên từ Hoa Kỳ về dạy tiếng Anh cho hàng ngàn sinh viên tại Sài Gòn, Huế, Vinh và Hà Nội từ năm 2007 đến nay.
Trong các cuộc găp gỡ, ngài luôn tỏ ra vui mừng vì gặp giới trẻ. Ngài coi chúng tôi là quan trọng chứ không phải chính ngài. Nếu có anh em nào khen ngài một chuyện gì đó thì ngài thường mỉm cười và nói đùa: “ Các cậu lại tôn sùng chủ nghĩa cá nhân rồi.” Thế là chúng tôi lại được cười một cách vui thú.
Con người gieo niềm hy vọng
Đời sống cha Matthêu Vũ Khởi Phụng luôn chan chứa niềm hy vọng và ngài truyền tải ngọn lửa đó cho người khác. Trong vụ Thái Hà, dù lúc căng thẳng hay khi được bình an, tôi nhận thấy ngài vẫn giữ cho mình được sự bình thản cần thiết. Gặp gỡ ai, ngài đều tỏ ra lạc quan. Nụ cười vẫn luôn hiện trên khuôn mặt hiền từ và nhân hậu của ngài.
Vào năm 2008, khi nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp Thái Hà, một trong những vũ khí để tranh đấu cho sự thật lúc đó là truyền thông. Số người nổi bật trên mặt báo Dòng Chúa Cứu Thế lúc đó tôi biết ngoài cha Nguyễn Văn Khải, cha Nguyễn Ngọc Nam Phong, có anh JB Nguyễn Hữu Vinh, và một vài người khác. Nói chung là không nhiều người ưa thích viết về những sự việc được gọi là “nhạy cảm” như thế. Một hôm khi tôi đang ngồi trong phòng khách của Giáo xứ Thái Hà, cha Phụng từ đâu bước đến vỗ vai tôi.
“Hôm nay cậu có một bài viết phải không?” Ngài hỏi tôi
Tôi thưa: “Dạ vâng”
“Cậu viết nhiều chưa?” Cha hỏi tiếp.
Tôi thưa: “Dạ, đó là bài đầu tiên”
Ngài mỉm cười, động viên và nói tôi hãy cố gắng viết tiếp. Niềm hy vọng đụng chạm đến trái tim tôi. Lúc đó tôi đang học về kinh tế nên cũng không thiết tha gì nhiều đến việc văn chương và viết lách. Thế nhưng, chỉ qua một cuộc đối thoại tình cờ với sự khích lệ và đón nhận từ ngài, tôi đã là một trong số anh em được vinh hạnh trở thành những “phóng viên vỉa hè” để phục vụ trong lĩnh vực truyền thông, đặc biệt đưa tin các sự kiện nhà cầm quyền đàn áp tôn giáo tại Giáo tỉnh Hà Nội lúc đó.
Năm 2013, trong hành trình từ San Jose lên miền Nam California, ngài say mê chia sẻ cho tôi nghe về Công Đồng Vaticano II và niềm hy vọng nơi con người Đức Gioan XXIII. Lúc đó Giáo Hội đang hân hoan chuẩn bị cho việc phong thánh hai vị giáo hoàng Gioan Phaolo II và Gioan XXIII. Với những gì được biết về ngài, tôi nhận ra rằng, chính mình đang được phúc ngồi cạnh một mẫu gương của niềm hy vọng. Tôi biết một điều ngài đang tâm đắc trong thời gian gần đây, là mong sao chuyển tải thêm nhiều tư liệu về Công Đồng Vaticano II và gương Thánh Gioan XXIII cho người Việt Nam. Cách đây ít tháng, ngài nói năm sau sẽ sang lại Hoa Kỳ dâng lễ mừng thọ cho bà cô tại Long Beach rồi đi Roma để nghiên cứu thêm về Thánh Công Đồng và Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII.
Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng đã gieo vãi biết bao hạt giống trong nhiều lĩnh vực khác nhau, rồi hôm nay, ngài đã bỏ lại tất cả để về với Chúa. Ngẫm về bao việc ngài đã làm, tôi chợt nghĩ về lời của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô: “Tôi trồng, anh Apolô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cor 3:6).
Trong lúc chào tạm biệt để về Việt Nam, ngài nói: “Hẹn gặp lại cậu năm sau ở Hoa Kỳ rồi đi thăm và cảm ơn một số cá nhân và tổ chức vì đã cầu nguyện và hỗ trợ cho Thái Hà lúc thọ nạn”. Lời hẹn ấy vẫn còn âm vang trong tôi. Tôi tin chắc rằng, giờ đây ngài đã ra khỏi thế gian, ngăn cách thể lý không còn là trở ngại, nên ngài sẽ viếng thăm, cảm ơn những ai đã giúp đỡ Thái Hà và chúc lành cho mọi người từ cửa sổ nhà Cha Trên Trời.
Vĩnh biệt Cha kính yêu- Matthêu Vũ Khởi Phụng!
California, ngày 5 tháng 3 năm 2016,
Joseph Nguyễn Văn Thống