CẦU NGUYỆN
TRONG TINH THẦN VÀ TRUYỀN THỐNG THÁNH ANPHONGSÔ LIGUORI
Rev. Michael Brehl, C.Ss.R.
Hiệu đính: Rev. Raymond Coriveau, C.Ss.R.
Chuyển ngữ: Lm. Antôn Nguyễn Văn Nam, C.Ss.R.
“Lời hằng sống! Người đã dành ba mươi ba năm trong khó khăn và gian khổ. Người đã trao ban giá máu và cuộc đời Người vì sự cứu rỗi cho chúng ta. Như thế, Người đã không giữ lại bất cứ điều gì để làm cho chúng ta yêu mến Người. Vậy thử hỏi tại sao có người biết điều này rồi mà vẫn chưa yêu mến Người? Ôi Thiên Chúa, con là một trong số những người vô ơn bạc nghĩa đó. Con thấy tội lỗi con đã phạm. Ôi lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Con xin dâng cho Ngài trái tim vô ơn bội nghĩa của con – vô ơn bội nghĩa nhưng hối hận ăn năn. Vâng, trên hết mọi lỗi lầm, lạy Đấng Cứu Thế rất đáng mến, con xin hối lỗi về tội coi khinh Ngài. Con hối hận, và con xin lỗi Ngài với lòng chân thành của con.
Linh hồn tôi hỡi, ngươi đang yêu một Thiên Chúa đã chấp nhận trở thành tội nhân vì ngươi. Thiên Chúa đã bị đánh phạt như một tên nô lệ vì ngươi, một Thiên Chúa đã bị sỉ nhục vì ngươi, một Thiên Chúa đã chết trên thập giá vì ngươi như thể Người là một tên vô lại. Vâng, Đấng Cứu Độ con, Thiên Chúa của con, con yêu mến Ngài. Xin hãy nhắc nhớ con luôn rằng Ngài đã chịu đau khổ vì con, để con không bao giờ quên lãng yêu mến Ngài một lần nào nữa.
Những vết roi thương tích nơi Chúa Giêsu gắn kết con với Ngài. Những mũi gai trên đầu Ngài giúp con yêu mến Ngài hơn. Những lưỡi đòng đâm thấu Ngài ghim chặt con vào thánh giá Chúa Giêsu, để con có thể sống và chết cùng với Ngài”.[1]
Thánh Anphongsô đã có lòng sùng kính sâu sắc đối với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Đây là lòng sùng kính chính yếu của cha mẹ ngài. Mẹ ngài, người được giáo dục bởi các nữ tu Phan Sinh, đã thực hành lòng sùng kính này trong nhiều năm. Cha của ngài trưng bày bốn bức tượng chịu nạn của Chúa Kitô trên khoang tàu soái hạm của ông. Khi còn là một chàng trai, vào năm 1719, Anphongsô đã vẽ Chúa Giêsu chịu nạn để diễn tả lòng sùng kính của ngài.
Thánh Anphongsô tin rằng những đoạn văn về cuộc Thương Khó là những đoạn thích hợp nhất để khích lệ lòng yêu mến của chúng ta trong khi nguyện gẫm, để thúc đẩy chúng ta yêu mến nhiều hơn qua việc tìm kiếm sự hiệp nhất trong những lời nguyện xin. Anphongsô tin rằng những suy niệm trong trình thuật Thương Khó của các Tin mừng sẽ nung đốt những ai cầu nguyện với một tình yêu thánh thiêng. Ngài đã viết về cuộc Thương Khó, “đã giải thích đơn sơ như những Tin mừng đã làm”:
“Không có điều gì có thể tỏ lộ cho chúng ta những kho báu chứa đựng trong những đau khổ của Chúa Giêsu Kitô hơn là trình thuật về sự Thương Khó… Có thể nói là đầy đủ khi suy niệm trên những trình thuật mà các tác giả Tin mừng trình bày về nỗi đau khổ của Đấng Cứu Thế trong ba nơi quan trọng của cuộc Thương khó: ở vườn cây dầu, thành Giêrusalem, và đồi Calvary”.[2]
Trình thuật Thương Khó có một chỗ đứng ưu việt trong thần học và linh đạo của thánh Anphongsô, bởi vì ngài tin rằng suy niệm trên các bản văn của cuộc Thương Khó sẽ giúp các tu sĩ DCCT trở nên những thừa sai hiệu quả hơn.
“Nếu sự hoán cải xuất phát từ sự sợ hại, nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn rồi lại quên đi… Tôi có một bức tranh Chúa Giêsu chịu khổ nạn, để trước giờ suy niệm về cuộc Thương Khó, bạn có thể đặt nó trước mọi người tham dự… Những giọt nước mắt là kết quả của việc chăm chú nhìn vào Đấng Chịu Đóng đinh đến từ trái tim tan nát vì tình yêu trong cuộc Thương Khó của Ngài. Sự hoán cải của một con người do bởi tình yêu thì mạnh mẽ hơn và kéo dài lâu hơn. Tình yêu có thể làm được những điều mà sự sợ hãi không thể làm được”.[3]
Chúa Giêsu sinh ra và chết như mỗi chúng ta vậy. Chúng ta bắt đầu chết dần ngay từ thời điểm chúng ta được sinh ra. Ở một nơi nào đó trong tác phẩm Chuẩn bị cho cái chết (Preparation for Death), thánh Anphongsô nhắc nhở chúng ta rằng mỗi lần chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Kính Mừng, với câu “bây giờ và trong giờ lâm tử” là lúc chúng ta tiến gần đến thời khắc đó… Đây là một ý tưởng hạnh phúc cho một ngày sống!
Điều này cũng đúng với Chúa Giêsu bởi sự liên kết của Người với nhân tính qua mầu nhiệm Nhập Thể. “Chúa Giêsu bị đóng đinh và bị kết án đến chết chỉ vì Người đã trở nên đồng thân đồng phận với con người, trong thế gian tội lỗi của chúng ta”.[4] Sự liên kết này diễn tả đầy đủ trong lá thư của Jean Donovan ở El Salvador, được tìm thấy sau cái chết của cô, gửi tới vị hôn thê đang ở Mỹ. Cô ấy viết rằng cô không thể rời El Salvador bởi vì sự liên kết chặt chẽ với những đứa trẻ tại một đất nước đầy xung đột như thế khiến cô không thể thoát thân cho riêng mình, mặc dù vé máy bay đã sẵn trong túi của cô.
Sự thật không chỉ là tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng điều quan trọng là chúng ta sẽ chết cách nào. Chúng ta sẽ nhận biết những chân lý về cái chết… và Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu sẽ cho chúng ta câu trả lời ‘bằng cách nà’.
“Sự Thương Khó” là một từ thú vị trong tiếng Anh. Tôi đề nghị chúng ta hiểu nó trong nhiều ngữ nghĩa khác nhau.
Sự thương khó có thể diễn tả sự đau khổ, đặc biệt sự đau khổ mãnh liệt. Khi chúng ta nói đến Sự Thương Khó của Chúa Giêsu, chúng ta thường nghĩ đến đau khổ và các chết trên thập giá vì chúng ta.
“Passion” còn diễn tả sự say mê hay một cảm xúc mãnh liệt – như khi một ai đó say sưa một điều gì hay một ai khác. Có những cặp từ thường đi đôi với ‘passion’: tình yêu và sự say mê, giận giữ và cảm xúc mãnh liệt, công bằng và sự mãnh liệt. Có thể chúng ta cần để ý đến các khía cạnh này trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu một cách cẩn trọng hơn khi chúng ta bắt đầu cuộc suy niệm.
1. Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu có lòng chạnh thương với những người nghèo và những người đau khổ, những người bị loại trừ và ‘những người bé mọn’ là những người đã bị sử dụng như những con tốt để gài bẫy Người. Chúa Giêsu nhìn rảo quanh giận dữ với đám đông trong hội đường (x. Mt 12,9-14; Mc 3,1-6; Lc 6,6-11). Người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình và bị điệu ra trước mặt Người trong thân phận trần truồng – Chúa Giêsu đã cứu cuộc mạng sống và phục hồi cuộc đời người phụ nữ ấy (x. Ga 8,3-11).
Chúa Giêsu có một tình yêu mãnh liệt với thánh ý của Thiên Chúa, và Người thể hiện ra bằng một khao khát nhức nhối:
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.” (Lc 12,49-50)
Đây là một đoạn Kinh Thánh khác mà thánh Anphongsô rất yêu thích, và được trích dẫn nhiều trong những bài giảng đầu tiên, trong đó ngài nói về sự Thương Khó của Chúa Giêsu!
Chúa Giêsu có một lòng nhiệt thành trong sứ vụ của Người – và Người tuyên bố với quyền năng khi nói về Nước Thiên Chúa. Như trong Lc 4,16-20, khi Chúa Giêsu trở về quê hương và cầm lấy cuộn sách của ngôn sứ Isaia. Chúng ta suy tư đoạn văn nổi tiếng này như điểm then chốt trong Hiến Pháp, và đây cũng là điểm quan trọng để hiểu về lòng nhiệt thành của Chúa Giêsu trong sứ vụ của Người, sứ vụ mà Người đã chia sẻ với chúng ta.
Chúa Giêsu đã có một điềm báo về Cuộc Thương Khó đang chờ đợi Người. Người thấy điều ấy nơi gương của thánh Gioan Tẩy Giả. Thánh Gioan Tẩy Giả đã cho thấy số phận của một con người đấu tranh cho công lý và Nước Thiên Chúa (x. Mt 11,12; 14,3-13; Mc 6,17-29; Lc 3,19-20).
Khi Chúa Giêsu báo trước về đau khổ và cái chết của Người, chúng ta cảm nghiệm được phần nào sự nhiệt thành của Người vì thánh ý cứu độ của Thiên Chúa, và sự cam kết hoàn toàn của Người để hoàn thành ý định của Chúa Cha cách hoàn hảo (x. Lc 9,51; 9,44; 18,31-33).
Chúa Giêsu suy nghĩ về những bài ca của Người Tôi Tớ Đau Khổ trong Isaia (x. Mc 1,11; 10,45; 14,65; 15,2-5.18-19; Mt 3,17; Lc 22,37). Suy niệm từ những bản văn này, Người tìm ra điểm then chốt trong căn tính của Người, và Người hiểu sứ vụ của Người hơn, cũng như hiểu về sự phản kháng của dân chúng đối với Tin mừng. Những lời tiên báo về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đều bị hiểu sai lệch, ngoại trừ chính bản thân Ngài.
2. Những trình thuật Thương Khó
Tại sao có bốn trình thuật?
Vào đầu thế kỷ III, đã có một nỗ lực để làm cho 4 trình thuật trở thành một, và ‘sửa lại’ những chỗ khác biệt. Tạ ơn Chúa, Giáo hội đã từ chối nỗ lực này.
– Bốn trình thuật cung cấp cho chúng ta bốn quan điểm khác nhau. Giống như trong một gia đình, khi chúng ta nhớ đến cùng một sự kiện và mỗi người diễn tả nó từ quan điểm của riêng họ. Tôi nhận ra tôi trở nên giàu có từ những quan điểm và chi tiết khác nhau. Vấn đề chỉ xảy ra khi mà mỗi người cố chấp cho rằng chỉ quan điểm của tôi mới có giá trị, và cho đó là quan điểm tốt nhất.
– Các thánh sử đã viết ra những bản văn trong bốn bối cảnh khác nhau.
– Trong những trình thuật, có phần là những lời rao giảng được ghi lại bằng những chứng nhân và một phần khác là những điều được nghe kể lại.
Mỗi thánh sử viết lại trình thuật Thương Khó trong những bối cảnh khác nhau. Bối cảnh lịch sử và văn hóa ảnh hưởng đến những sự kiện và chi tiết cụ thể đã được truyền lại trong những cộng đoàn khác nhau. Khi tôi hiểu rõ từng bối cảnh, tôi sẽ hiểu tốt hơn trình thuật Thương Khó trong bối cảnh đó. Đây là lý do tại sao thánh Anphongsô thúc đẩy chúng ta cầu nguyện, suy niệm lâu giờ trong mỗi trình thuật Thương Khó theo một thứ tự.
Mỗi trình thuật sẽ nhấn mạnh cho chúng ta và trong những hoàn cảnh khác nhau của ngày nay một lối nhìn cụ thể.
Tin mừng Máccô:
– Máccô viết cho Hội thánh đang chịu bách hại ở Rôma giữa những cơn bách hại.
– Ngài thấy Chúa Giêsu là người bị bỏ rơi, bị phản bội bởi mọi người, Người chết cô đơn như một người tử đạo.
– Thậm chí những môn đệ thân tín và gia đình của Ngườii cũng không hiểu Người.
– Không có những dấu hiệu của sự Phục sinh trong Tin mừng được viết sớm nhất này, chỉ có chi tiết ngôi mộ trống.
Có lẽ đây là kinh nghiệm của chính bản thân Máccô và cũng là điều chắc chắn đã xảy ra trong cộng đoàn của ông, nơi mà các thành viên gia đình không thể hiểu tại sao một số trong họ lại có thể đi theo đức tin Kitô giáo. Các thành viên trong gia đình tố cáo nhau cho chính quyền. Đôi khi nó có thể là kinh nghiệm của chính chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta hiểu phần nào nỗi thống khổ này. Chúng ta kinh nghiệm nỗi đau khi bị bỏ rơi, thậm chí là bị chính Thiên Chúa bỏ rơi. Khi ấy, chúng ta chẳng thể làm gì ngoại trừ đặt đức tin của chúng ta vào ngôi mộ trống, mà không cảm nhận được ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh, bởi vì chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện của Người.
Tin mừng Mátthêu:
– Bối cảnh Tin mừng Mátthêu khá giống với Máccô, nhưng vẫn có những sự khác biệt thú vị.
– Ngài viết Tin mừng cho cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái.
– Chúa Giêsu là người tôi tớ đau khổ trong phần II của sách Isaia.
– Chúa Giêsu là Đấng kiện toàn Kinh Thánh Cựu ước.
– Mátthêu giới thiệu một yếu tố mới – yếu tố Phụng Tự.
– Yếu tố Phụng Tự mới đã được bắt đầu với việc cầu nguyện bằng Thánh vịnh, việc tiến dâng của lễ, bức màn đền thờ bị xé rách ra.
– Của lễ trên thập giá thay thế cho đền thờ.
– Sứ vụ được mở rộng sau biến cố Phục sinh.
– Mátthêu đấu tranh với câu hỏi: tại sao những người đồng bạn Do Thái lại không tin?
Nơi Tin mừng Mátthêu, ý nghĩa cuộc đời của Chúa Giêsu được tìm thấy trong các ngôn sứ và các nghi lễ phụng vụ của cha ông. Những nhân vật được nhận diện trong Cựu ước làm cho độc giả của ông cảm thấy có sự kết nối – và có lẽ cho cả chúng ta nữa. Chúng ta hiểu cảm xúc như thế nào khi tìm thấy ý nghĩa trong những Phụng vụ được tổ chức trang trọng. Một ví dụ có thể thấy rõ đó là khi chúng ta nghĩ về một tang lễ của người thân trong gia đình.
Tin mừng Luca:
– Trình thuật của Luca thì hơi khác biệt.
– Ngài là người đồng hành với Phaolô. Ngài viết Tin mừng cho cộng đoàn Kitô hữu dân ngoại.
– Cộng đoàn này có nhiều phụ nữ lãnh đạo, vì vậy Luca nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ.-
– Trong Luca, Chúa Giêsu khuyên bảo các môn đệ hãy luôn tỉnh thức, thậm chí khi họ cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi, hãy tỉnh thức để hòa vào đau khổ [của Người].
– Truyền thống cho rằng Luca là một y sĩ.
– Do đó, Tin mừng của Luca là tin mừng của lòng thương xót và sự tha thứ. Chúng ta nhận thấy điều này nơi Chúa Giêsu và trong dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10,29-37), dụ ngôn con chiên đi lạc, đồng bạc bị mất, và người con hoang đàng (x. Lc 15,1-32).
– Lòng thương xót của Chúa Giêsu thể hiện qua những gương mặt đau khổ: Người chữa lành đôi tai tên đầy tớ của vị thượng tế (x. Lc 22,51); Người yên ủi những người phụ nữ Giêrusalem (x. Lc 23,27-28); Người tha tội cho những người lính dưới chân thập giá – “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết những gì họ làm” (Lc 23,34), Người hứa ban thiên đàng cho tên trộm lành – “Quả thật Ta bảo ngươi, hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23,43).
– Tin mừng Luca cũng là Tin mừng cầu nguyện. Chúa Giêsu trao ban Thần Khí trong một lời cầu nguyện phó thác. Trong khi Tin mừng Máccô diễn tả Chúa Giêsu chết bằng lời cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34), thì trong Luca, lời cầu nguyện cuối cùng là “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Lòng trắc ẩn và đời sống cầu nguyện giúp Chúa Giêsu mạnh mẽ để trung thành với cuộc Thương Khó của Người. Cũng thế, khi chúng ta đang chịu đau khổ hoặc đang mang gánh nặng vì người khác, xin cho chúng ta cũng luôn có lòng cảm thương và đời sống cầu nguyện như Người.
Điều này nhắc nhớ cho tôi về kinh nghiệm gặp gỡ một người phụ nữ đặc biệt trong năm mục vụ đầu tiên sau ngày thụ phong linh mục. Trong năm đó, tôi biết cô chút ít như là một thành viên trong giáo xứ, và vì cô có một đứa con trai út đang giúp lễ ở nhà thờ. Sau một năm tôi về giáo xứ, cô được chẩn đoán bị ung thư tuyến tụy và dự báo là tình hình rất xấu. Cô chỉ còn sống được một vài tuần. Trong suốt những tuần cuối đời, tôi có cơ hội biết về cô nhiều hơn. Tôi cố gắng viếng thăm cô nhiều lần tại bệnh viện. Chúng tôi đều biết rằng cô đang chết dần. Một ngày nọ, một y tá đang chăm sóc cô nhờ tôi thuyết phục cô ấy chấp nhận dùng thuốc giảm đau để làm giảm cơn đau khắc nghiệt mà cô đang chịu. Khi tôi đề nghị với cô như vậy, cô chỉ đơn giản mỉm cười và nói cô không thể làm được.
Tôi hỏi: “Tại sao?”
Cô trả lời: “Thưa cha, cha phải hiểu rằng con là một y tá. Con biết tác dụng của những thuốc giảm đau này trên cơ thể con. Chúng sẽ làm giảm các giác quan và ý thức của con. Con không thể làm điều ấy ngay bây giờ. Cha biết con của con. Con còn nhiều điều phải nói với nó – và con phải giúp nó sẵn sàng cho cái chết của con. Con cần tất cả những khả năng còn lại để làm điều ấy!”
Tôi hỏi lần nữa: “Nhưng làm sao con chống lại được những cơn đau?”
Cô ấy chỉ về cây thánh giá chịu nạn trên tường phía đối diện giường của cô.
“Con nhìn lên Người. Chính Người đã từ chối sự an ủi. Người đã phải chăm sóc những người khác nữa – Mẹ của Người, tên trộm lành và những người khác nữa. Con nhìn lên Người và con cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu Ngài đã có thể làm được, xin giúp con cũng làm được như Ngài. Con còn có những người cần con lúc này”. Và đó là tất cả những gì con muốn”.
Cô ấy không bao giờ uống thuốc giảm đau cho đến khi qua đời. Và cô đã không bao giờ đánh mất sự hài hước của mình. Không một ai có thể cảm nhận nỗi đau của cô phải chịu. Chính tình yêu và đời sống cầu nguyện giúp cô có sức mạnh để vượt qua.
Thật trùng hợp, theo thánh Anphongsô, tình thương hay lòng trắc ẩn là một trong những hoa quả tuyệt vời đến từ nguyện gẫm.
Tưởng cũng nên nhắc lại, Tin mừng Luca là cuốn sách đầu trong bộ hai cuốn sách bao gồm cả Công Vụ Tông Đồ. Sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy Đấng Phục Sinh đang hiện diện với các môn đệ khi họ thi hành sứ mạng tình thương và sự tha thứ như chính Người.
Tin mừng Gioan:
– Tin mừng Gioan mô tả Đấng Kitô là Con Thiên Chúa trong vinh quang (1,14; 2,11 v.v…)
– Người là Ngôi Lời và Đấng Hiện Hữu từ muôn đời (1,1-5)
– Chúa Kitô cai trị từ chính thập giá (3,14; 8,28; 12,32; 20,37)
– Địa vị làm vua của Người được loan báo bằng ba ngôn ngữ, ba ngôn ngữ thuộc đế quốc (19,20).
– Người cũng chết với những người khác đang hiện diện tại thập giá: Mẹ của Người, người môn đệ thương mến và nhiều người khác (19,25-27)
– Đối với thánh Gioan, Chúa Giêsu trên thập giá là lúc Hội Thánh được sinh ra và các bí tích cũng được phát sinh từ đó (19,25-27.34-36)
– Chúa Giêsu khải hoàn vẫn mang những dấu tích của Đấng bị đóng đinh (20,27). Chúa Giêsu bị thương tích đã đến trong cộng đoàn bị tổn thương của Người bằng sự hòa giải và quà tặng của Thánh Thần (20,22-23).
– Thập giá đại diện cho dấu hiệu của sự giao hòa và kết nối. Điều này thích hợp cho chúng ta ngày nay, trong thế giới bị tổn thương và trong Giáo hội cũng bị tổn thương khi mà nhiều sự tín nhiệm đã bị phá hủy.
– Tin mừng được viết cho các Kitô hữu thế hệ thứ 2 và thứ 3 – và cho chúng ta.
– Tin mừng được viết cho nhiều ‘Tôma’ khác là những người không thấy mà tin (20,30-31).
Thánh Anphongsô mời gọi chúng ta ngày nay, như ngài đã mời gọi những người trong thời của ngài, hãy suy niệm và cầu nguyện dựa trên cả bốn Tin mừng. Hãy chọn một trong bốn trình thuật Thương Khó và cầu nguyện. Và hãy luôn nhớ rằng, những trình thuật Thương khó không kết thúc ở cái chết của Chúa Giêsu. Chúng tiếp tục cho đến ngôi mộ trống, những lần hiện ra và kinh nghiệm vào ngày lễ Ngũ Tuần! Điều này đặc biệt đúng trong Luca, người đã viết sách Công Vụ Tông Đồ như tập thứ 2 của Tin mừng Luca.
3. Điều gì gây ra cái chết của Chúa Giêsu
Bộ phim nổi tiếng của Mel Gibson, Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu, gợi ý cho những suy tư hiện tại về câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm cho cái chết của Chúa Giêsu? Đã có nhiều đề nghị được đưa ra: các lãnh đạo tôn giáo, nhóm Sađốc, những người Rôma hay tội lỗi của nhân loại.
Chính Chúa Giêsu đã nói về nguyên nhân cái chết của Người vào đêm Người bị nộp. Người nói: “Không có tình thương nào cao cả ơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Người muốn nói rằng chính tình yêu là lý do Người chịu đóng đinh.
Theo một cách hiểu rất thực tế, chính cuộc đời Chúa Giêsu đã dẫn Người tới cái chết trên thập giá. Khi Người càng trung thành với thánh ý Thiên Chúa vì ơn cứu độ cho nhân loại, thì đồng thời sự thù địch chống lại Người cũng tăng lên.
Tôi nghĩ về cảnh cuối trong cuốn tiểu thuyến nổi tiếng do Willa Cather người Mỹ viết – Death comes for the Archbishop (Cái chết của Tổng Giám Mục).
“Sau khi giữ thinh lặng trên giường trong nhiều ngày, vị Giám mục gọi cậu Bernard vào một buổi sáng nọ và nói: ‘Bernard, con có thể lái xe đến Santa Fe hôm nay và xem Đức Tổng Giám Mục giúp cha? Hãy hỏi ngài ấy rằng có tiện không nếu cha quay trở lại ở trong nhà của cha ấy trong một thời gian ngắn để học? Je voudrais mourir a Santa Fe’.
‘Con sẽ đi ngay lập tức, thưa Đức cha. Nhưng cha không nên nản lòng, một người không thể chết vì bị cảm lạnh’. Vị Giám mục già cười và nói: ‘Cha sẽ không chết vì cảm lạnh đâu con. Cha sẽ chết vì đã sống’”.
Chúa Giêsu chết vì đã sống! Người sống cuộc sống viên mãn! Người đã trao ban sự sống của Người ngày này qua ngày khác.
Giáo quyền (Sađốc và Luật sĩ) nhìn sứ mạng tha thứ và chữa lành (người bệnh, người phong hủi) của Chúa Giêsu là vi phạm luật ngày Sabath, là phạm thượng và thách thức quyền bính. Họ cảm thấy bị đe dọa vì lòng trung thành của đám đông đối với thông điệp của Chúa Giêsu (Mc 14,1-2).
Những người Pharisêu nhìn sứ vụ của Chúa Giêsu đối với tội nhân là sự vi phạm luật trong sạch và là một bản cáo tội chính họ (Mc 7,1-13; Mt 15,1-20; Lc 5,17-35; 7,36-50; 11,37-54; 14,1-24; Ga 9).
Những người Rôma thì sợ những bất ổn dân sự, nên họ nhìn Người như một kẻ quấy rối. Một ví dụ là khi Người gây ra sự xáo trộn trong đền thờ mà do đó, những người Rôma và lãnh đạo Do thái đã quyết định giết Người (Mc 3,6; Lc 23,5-12 và Ga 19,12).
Những đám đông, lúc ban đầu thì tung hô Người, nhưng cuối cùng bị kích động để ủng hộ cho việc đóng đinh Người. Chúng ta thấy ở đây những hậu quả của sợ hãi, truyền thống, sự hỗn loạn, lòng trung thành và sự diễu cợt.
Hội Thánh nhìn nhận cái chết của Chúa Giêsu trên khía cạnh tội lỗi, hận thù, định kiến, chủ nghĩa chủng tộc và bạo lực.
Tất cả những điều này có thể được xem là những lý do hợp pháp về cái chết của Chúa Giêsu. Nhưng ý nghĩa của cái chết thì sâu sắc hơn nguyên nhân. Sự thù địch của dân chúng chống lại Người liên hệ với mức độ trung thành của Người với thánh ý của Thiên Chúa là cứu rỗi tất cả mọi người.
Ý nghĩa thực sự về cái chết của Chúa Giêsu là mầu nhiệm của tình yêu. Thánh Anphongsô nhắc lại điều này trong tất cả các tác phẩm về sự Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô. Ngài nói về mầu nhiệm tình yêu, và không có một động cơ nào khác nữa. Ý nghĩa của cái chết là vì tình yêu, giống như trong mầu nhiệm Nhập Thể vậy.
Thánh Anphongsô viết:
“Chúa Giêsu trên cây thập giá! Đây là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa. Đây là lần xuất hiện cuối cùng của Ngôi Lời Nhập Thể trên trần gian. Lần đầu tiên trong máng cỏ, và lần cuối cùng trên thập giá. Cả hai lần biểu lộ tình yêu và lòng khoan dung vô hạn của Thiên Chúa dành cho con người”[5]
Trong thần học hệ thống của ngài, thánh Anphongsô nhắc lại những lý thuyết chính yếu: sự thỏa mãn, sự thay thế, thậm chí là các yếu tố của “gương mẫu”. Nhưng trong các tác phẩm cầu nguyện và thiêng liêng, ngài đặc biệt chú ý đến Tình yêu – một tình yêu ‘điên cuồng’ (pazzo), đầy lòng trắc ẩn, vô điều kiện và luôn luôn tìm kiếm chúng ta. Thánh Anphongsô cũng giống như thánh Gioan, tác giả Tin mừng, đã xem thánh giá là dấu hiệu của sự hiệp nhất và giao hòa, không chỉ với Thiên Chúa mà còn giữa con người với nhau: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32).
4. Cuộc Thương Khó: từ hành động đến hiện hữu
Mặc dầu chúng ta hiểu cách chung hạn từ “passion” (cuộc Thương Khó) theo nghĩa là sự đau khổ của Chúa Giêsu, nhưng cha Dennis McBride, người anh em với chúng ta đến từ tỉnh London, chỉ ra có một chiều kích khác nữa. Ngài chỉ ra rằng khi nói về Chúa Kitô, các động từ thay đổi trạng thái trong các trình thuật Thương Khó. Chúng đi từ những động từ chủ động sang những động từ bị động. Điều này có một ý nghĩa rất đặc biệt.[6]
Trong sứ vụ rất năng động của Người, Chúa Giêsu là chủ thể của các động từ, là người thực hiện các hoạt động: Người chữa lành người đau yếu; Người cầu nguyện, ăn uống với tội nhân; Người tha tội, rao giảng trong các hội đường, giảng dạy trên triền đồi; Người gọi các môn đệ trở thành những tông đồ và tranh luận với những người Pharisêu và Luật sĩ.
Trong cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu là đối tượng của các động từ, là người chịu tác động của các hành động: Người bị trao nộp, bị điệu đi bởi lính tráng và bị mang ra trước Thượng Hội Đồng; Người bị đánh phạt và đội vòng gai nhọn; Người bị sỉ nhục và chế nhạo; Người bị lột trần và bị treo trên thập giá; Người bị đóng đinh và bị một ngọn giáo xuyên thấu.
Khi bạn là nạn nhân của bạo lực, bạn không còn trong thế chủ động. Chúa Giêsu chuyển từ hành động sang nhận lãnh những gì người khác đối xử với Người. Theo cách này, Người bước vào một sự hiệp thông sâu xa với những người nghèo và bé mọn. Họ luôn là những người chịu sự tác động của những thứ bên ngoài. Trong cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu liên kết mật thiết với những người ấy. Thánh Anphongsô chỉ ra điều này khi ngài suy niệm về cuộc Thương Khó – sự đồng nhất của Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó với những người nghèo, những người đã chịu nhiều tác động trên cuộc đời họ.
Chúa Giêsu chuyển từ người chữa lành sang người chịu tổn thương. Người là một người lãnh đạo có sức thu hút, đã mời gọi chúng ta ‘Hãy theo Thầy’. Bây giờ Người bị điệu đi vào chỗ chết. Người chuyển từ một người mời gọi “Ai khát, hãy đến với tôi,… hãy đến mà uống” (Ga 7,38) đến một người phải kêu lên“Tôi khát” và uống giấm chua từ một miếng bọt biển (x. Ga 19,28-29). Chúa Giêsu dạy các môn đệ Ngài cầu nguyện qua “Kinh Lạy Cha” (x. Mt 6,9-13) và bây giờ Người lại phải kêu lên:“Lạy Cha, Lạy Cha, tại sao Ngài bỏ con?” (Mt 27,46-47). Đặc biệt trong Tin mừng Máccô, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chia sẻ sự cô đơn, xa lánh, phản bội và bỏ rơi với những người nghèo.
Trong vườn Ghethsemane, chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu sự xa lánh dần dần từ chính cộng đoàn của mình. Người chịu sự đấu tranh để phân định và chấp nhận thánh ý của Cha. Chúng ta thấy lời cầu nguyện tha thiết nhất về sự từ bỏ chính mình để thánh hiến cho thánh ý Thiên Chúa, chấp nhận hoàn toàn ý của Cha. Và chúng ta thấy nhóm môn đệ đã rơi vào trạng thái mê mệt ngủ say trước đau khổ của Người – ngủ như một người lánh nạn và biến mất (x. Mc 14,2-42; Mt 26,36-46; Lc 22,40-46). Thật không dễ để thấy một người lãnh đạo phủ phục trên mặt đất trong trạng thái cầu nguyện như tra tấn vậy, cùng với những giọt mồ hôi máu!
Có thể nói Chúa Giêsu trong vườn Ghethsemane đang ở trong một trạng thái của tĩnh nguyện. Người chấp nhận tình trạng ấy, chờ đợi trong cô đơn và viễn cảnh về những gì mà người ta sắp sửa đối xử với Người.
Thời gian chờ đợi chắc hẳn sẽ rất kinh khủng. Những con tin bị giam giữ bởi những kẻ khủng bố và sau đó được giải thoát kể lại rằng thời gian tồi tệ nhất là khi họ bị bỏ rơi một mình – trong chờ đợi vô vọng. Tôi vừa nghe cuộc phỏng vấn với Terry Waite trên đài phát thanh CBC. Cuộc tra tấn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn theo nhiều cách. Một trong những cách thức ấy là Chúa Giêsu không phải chờ lâu như vậy. Tuy nhiên, sự chờ đợi đã giúp Người chuẩn bị kỹ càng cho những gì sắp xảy đến.
Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero đã viết điều này không lâu trước khi ngài bị giết chết:
“Chỉ duy nhất một loại đấu tranh mà Tin mừng thừa nhận là sự đấu tranh với chính bản thân. Khi Đức Kitô để cho Người bị giết, đó chính là một sự đấu tranh – tự hiến chính mình. Thật dễ dàng để giết khi trong tay có vũ khí, nhưng thật là khó khăn khi để chính mình bị giết chết vì tình yêu đối với nhân loại.”
5. Sự Thương Khó và sự liên đới
Có thể nói về sự liên đới như là một yếu tố để suy tư lại về Ơn Cứu Độ – một tín điều nền tảng trong Kitô giáo. Đây là một trong những chủ đề nói chuyện của cha Lasso, đặc biệt trong suốt năm cuối cùng ở vị trí Bề trên Tổng quyền.
Cha Lasso nói về sự liên đới trên khía cạnh đến gần với con người, trung thành với những cam kết và sự biến đổi. Đây chẳng phải là những khía cạnh của Sự Cứu Rỗi hay sao?
– Mầu nhiệm Nhập Thể: Đây là sự diễn tả việc đến gần và ở gần với con người. Đây cũng là sứ mạng của chúng ta: đến gần và hiện diện với người khác.
– Mầu nhiệm Thương Khó: Điều này được hiểu như là toàn bộ sứ mạng của Chúa Kitô trong việc trung thành cam kết với thánh ý của Thiên Chúa cho đến chết. Một lần nữa, chúng ta được mời gọi trung thành cam kết với Chúa Kitô và sứ mạng đang tiếp diễn của Người và bền đỗ cho đến chết.
– Mầu nhiệm Phục Sinh: Đấng Phục Sinh đã làm cho chúng ta trở nên sống động với những ơn ban của Chúa Thánh Thần, là nguồn gốc cho những biến đổi trong chúng ta. Từ cạnh sườn của Người tuôn chảy ra những sự giàu có của ơn hoán cải tận căn, ơn hiệp thông và sự sống qua bí tích Thánh Thể và bí tích Giao hòa.
6. Sự Phục Sinh
Chúng ta không thể nói về Sự Thương Khó mà không nói về Sự Phục Sinh, đặc biệt trong suốt mùa Phục Sinh. Thánh Anphongsô thường không nói rõ ràng về sự Phục Sinh trong các suy niệm của ngài. Nhưng thánh Anphongsô trò chuyện với Đấng Phục Sinh, với Đức Kitô đang sống, với Đấng Kitô; cũng là cùng với một Đức Giêsu đã trải qua cuộc Thương Khó. Sự phục sinh làm cho Đức Giêsu Kitô vượt ra khỏi không gian và thời gian, và hiện diện thực sự với thánh Anphongsô trong thế kỷ 18 và với chúng ta ngày hôm nay. Tôi mắc nợ cha Carl Hoegerl, người đầu tiên đã giúp tôi hiểu sự thật này nơi thánh Anphongsô, và làm sao sự hiện diện đích thực ở nơi bí tích Thánh Thể lại tiếp tục hiện diện nơi Đức Giêsu Phục Sinh.
Tôi không ngạc nhiên chút nào khi hai nhà thần học DCCT nổi tiếng là cha Phanxicô Xavie Durrwell và Paul Hitz, là những người đã tái khám phá và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự Phục Sinh trong bối cảnh thần học và linh đạo Kitô giáo đương thời. Thần học và linh đạo ấy được hình thành và thấm sâu trong tinh thần của sự tương tác gần gũi với Đức Giêsu Phục sinh và cuộc Thương khó của Ngài.
Thánh Anphongsô đã sống mầu nhiệm Thương Khó của Chúa Giêsu, là đau khổ, cái chết và sự phục sinh. Ngài mời gọi chúng ta cùng sống mầu nhiệm ấy. Đối với thánh Anphongsô, mầu nhiệm Phục Sinh được sống và kinh nghiệm chính trong bí tích Thánh Thể. Trên tất cả, Thánh Thể là sự tiếp nối sự hiện diện đích thực của mầu nhiệm Thương khó.
7. Sống mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh
Thánh Anphongsô biết rằng khi chúng ta được mời gọi kết hợp với mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh, chúng ta phải liên kết với chính mầu nhiệm chết và sống lại của mỗi người chúng ta. Đối với ngài, Gl 2,19-21 là đoạn Kinh Thánh yêu thích của ngài:
“Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.
Tất cả chúng ta cũng mong muốn điều này! Cùng một xác tín và khát khao được trình bày trong bản văn tuyệt vời của Pl 3,7-11, và thường được dùng trong ngày lễ khấn lần đầu.
“Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết”.
Chúng ta muốn được liên kết với Chúa Kitô trong cuộc Thương Khó để chúng ta cũng được chia sẻ vinh quang Phục Sinh cùng với Người! Chúng ta muốn điều này, nhưng như thánh Jeanne de Chantal nói rằng chúng ta không muốn đau khổ xảy ra! Thế nhưng chúng ta phải trải qua đau khổ, và đó là một lựa chọn. Một lựa chọn mà chúng ta phải làm từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.
Chúng ta có những ví dụ sinh động về điều này giữa những anh em trong Dòng chúng ta. Tôi nhớ đến cha Vic Crean, người đã trải qua những năm cuối đời tại Providence Villa, một nhà hưu dưỡng ở Toronto. Trong suốt thời gian này, ngài phải thay đổi từ một người chăm sóc, trở thành một người nhận được sự chăm sóc. Ngài đã chủ tâm không gây ra những gánh nặng cho những người viếng thăm ngài bằng những lời than van, nhưng ngài chú tâm đến họ. Ngài đã sống lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta”.
Tôi nhớ về thánh Anphongsô trong những năm cuối đời với chiếc xe lăn. Điều này cũng nhắc nhớ về người cha của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Ông mang hình ảnh đau khổ ấy của thánh Anphongsô với ông – bởi vì ông nói rằng “có một vị thánh, người có thể hiểu tôi. Ngài đã sống qua những gì tôi đang sống”.
Chúng ta có thánh Giêrađô đau đớn trên giường bệnh nhiều tháng trời trước khi ngài qua đời. Ngay cửa phòng của ngài có ghi rằng: “Ở đây thánh ý Thiên Chúa được thực hiện cho tới khi Người muốn và theo cách mà Người muốn”.
Sống mầu nhiệm Thương Khó cũng là lúc chúng ta đang sống mầu nhiệm Phục Sinh.
Chúng ta sẽ lướt sơ qua một vài trình thuật Phục Sinh. Trong Tin mừng Gioan, trước khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra, các môn đệ không thể biến đổi nỗi sợ hãi thành công việc thừa sai. Họ không còn năng lực để giải thoát chính họ ra khỏi căn phòng đóng kín. Chúa Giêsu đã đến và cho họ thấy dấu đinh trên cánh tay và cạnh sườn của Ngài (x. Ga 20,19-23). Một hình ảnh thật xúc động: Chúa Kitô chịu tổn thương viếng thăm cộng đoàn của Người đang bị tổn thương. Tưởng cũng nên nhớ rằng tất cả họ đã phản bội Chúa Giêsu qua sự khước từ của họ. Chúng ta có thể vượt ra khỏi nỗi đau của chúng ta; chúng ta có thể mục vụ cho người khác thậm chí khi chúng ta vẫn mang nơi mình những dấu hiệu của những vết thương của chính chúng ta? Làm sao chúng ta có thể làm được điều này? Chỉ có một cách duy nhất là thông qua quà tặng của Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tại sao mầu nhiệm Thương khó không thể hoàn thành nếu thiếu quà tặng của Chúa Thánh Thần. Hơi thở của Thiên Chúa không thể lấy đi những vết thương và vết sẹo của các tông đồ, cũng như của chúng ta. Thế nhưng Thần Khí có thể làm cho họ và chúng ta đi ra khỏi những vết thương của chính mình, như chính Chúa Kitô đã nêu gương vậy.
Đã bao giờ bạn suy nghĩ rằng chúng ta có nên tha cho ai đó, người đã làm chúng ta tổn thương sâu sắc – và nó vẫn tiếp tục dằn vặt chúng ta? Tôi đã có kinh nghiệm ấy trong nhiều lần mà tôi không thể nhớ nổi! Tha thứ phải là một quyết định, không phải là một cảm xúc. Mặc dù chúng ta mang những vết tích của tội và cảm thấy đau đớn trong thân xác chúng ta, nhưng chính Thần Khí và việc cầu nguyện sẽ giúp chúng ta vượt qua được tất cả nỗi đau ấy.
Trong Tin mừng Luca, cộng đoàn tông đồ phải chờ đợi quà tặng của Thiên Chúa. Họ phải duy trì sự chờ đợi trong cầu nguyện cho đến khi sứ vụ của họ có thể bắt đầu trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Quà tặng của Thiên Chúa sẽ biến đổi họ từ một cộng đoàn trong chờ đợi thành một cộng đoàn thực thi sứ vụ (Lc 24,36-53; Cv 1,12-14; 2,1-13).
Chỉ nhớ về Chúa Giêsu thì không đủ. Chỉ có những tuyên bố sứ vụ thì không đủ. Thậm chí gặp gỡ Đấng Phục Sinh cũng không đủ. Những gì chúng ta cần là quà tặng của Chúa Thánh Thần! Tất nhiên, chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần rồi. Cha Paul Hitz viết rằng:
“Trong lúc này chúng ta đang ở trong tình trạng chờ đợi. Tất cả vẫn còn ẩn dấu và mọi thứ tiếp tục tình trạng như sau tình trạng Chúa Phục Sinh trước kia. Nhưng một cách chính xác, những gì đang đòi hỏi chúng ta là tin vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ. Và trong một cách thức đặc biệt, chúng ta, những tu sĩ DCCT, được mời gọi tiến về phía trước và rao giảng Đức Giêsu Đấng Cứu Độ cho tất cả mọi người… Như một ngọn núi lửa đang phun trào, sự Phục Sinh của Chúa Giêsu sẽ biểu lộ trong vinh quang làm thay đổi tận căn. Kể từ đây, Chúa Kitô Phục Sinh ở trong trái tim của nhân loại, trong những thực tại trần gian… Cuộc sống hàng ngày tiếp tục đối với những người tin… Con người tiếp tục đấu tranh, đau khổ và chết. Nhưng đối với những người bước theo Chúa Kitô Phục Sinh thì tất cả cuộc sống và thực tại được biến đổi tự bên trong… Họ đang sống cuộc đời mới kỳ diệu này rồi, cuộc đời sẽ làm biến đổi toàn bộ đời sống này”.[7]
Cha Hitz cũng kể một câu chuyện của một người anh em trong Dòng trong cuộc gặp với hoàng tử Nga tại một trại tị nạn của những người di cư. Vị hoàng tử nay đã già và sống trong cô đơn. Hệ quả của cuộc cách mạng, những người con trai của ông bị bắn ngay trước mặt ông. Những người con gái thì bị mất tích. Vợ ông thì nay đã chết. Và tất cả tài sản của ông nay đã mất hết. Ông bị cách ly và cuối cùng trốn thoát sang phương Tây. Khi ông đang kể câu chuyện về cuộc đời, vị thừa sai DCCT suy nghĩ để tìm những lời an ủi ông. Nhưng vị Hoàng tử già lại là người an ủi vị thừa sai: “Không sao, thưa cha, không sao. Cha biết, cuộc đời thì vất vả, hay đơn giản là rất tồi tệ. Nhưng Chúa Giêsu đã sống lại nên tất cả đều tốt đẹp cả”.[8] Lời này nghe có vẻ đến từ một người rất ngoan đạo, nhưng khi nó đến từ trái tim của một người từng trải như vậy, nó thật sự có giá trị.
8. Cầu nguyện với mầu nhiệm Thương Khó
Trong rất nhiều gợi ý cầu nguyện với mầu nhiệm Thương Khó, tôi đề nghị một vài cách như sau:
– Đọc qua một trình thuật Thương Khó trong trạng thái suy niệm như ‘Lectio Divina’.
– Đi đàng Thánh giá với cùng một tinh thần như vậy.
– Chỉ cần dành thời gian trong trạng thái chăm chú nguyện gẫm trước tượng chịu nạn.
Thánh Anphongsô viết rằng:
“Phương thế của các thánh không đạt được bằng việc học qua sách vở, nhưng bằng việc nguyện gẫm, trong đó người hướng dẫn và sách để học là một Thiên Chúa bị đóng đinh… Tôi không phủ nhận việc học mang lại hữu ích, và thậm chí là cần thiết cho một linh mục, nhưng việc học về mầu nhiệm Thập giá còn cần thiết hơn nữa”.[9]
Hãy học bằng cách đọc cuốn sách cuộc đời bạn, mầu nhiệm thương khó của chính bạn, việc bạn đã chết đi và đã được sống lại, việc bạn sa ngã và được thứ tha. Chúng ta chỉ đọc được cuốn sách này khi chúng ta hồi tâm nhìn lại quá khứ. Đó là lý do tại sao việc giữ các nhật ký hành trình, đặc biệt trong những dịp tĩnh tâm là điều rất quan trọng.
Có thể việc cầu nguyện và suy gẫm về các trình thuật Thương Khó trong các Tin mừng, về mầu nhiệm Thánh giá, và việc đọc cuốn sách của cuộc đời bạn, có thể giúp chúng ta biến Hiến pháp số 51 trở thành của chính mình: “Qua việc hiến mình hoàn toàn cho sứ mạng của Đức Kitô, các tu sĩ tham dự vào sự bỏ mình của Đấng chịu đóng đinh, sự tự do thanh khiết của trái tim Người và sự toàn tâm dâng hiến chính Người cho sự sống trần gian. Như thế, họ phải trở nên dấu chỉ và chứng tá về quyền năng phục sinh của Người trước mặt người đời, khi loan báo sự sống mới và vĩnh cửu”.
Xin cho chúng ta dám hiến dâng cuộc đời vì Ơn Cứu Độ Chứa Chan, để chúng ta trở thành những dấu chỉ và chứng nhân sống động về sức mạnh của Đấng Phục Sinh ngày nay!
[1] The Practice of the Love of Jesus Chirst, (Heinegg trans.), Ch. 1, “Prayers of love and affections”, pp. 11-12. The text Phil 2,1-11 is also a good beginning for our reflection.
[2] Simple Exposition of the Circumstances of the Passion of Jesus Christ, (1761) in The Passion and the Death of Jesus Christ. The Complete Works of Saint Anphonsus de Liguori, Vol. 5. Ed. E. Grimm, Brooklyn: Redemptorist Fathers, 1927, p.160.
[3] Letter on the Missions. The quote is found in Joshep Krebs, CSsR. The Spirit of St. Alphonsus Liguori. Boston, Mass: Mission Church Press, 1909, pp. 62-63.
[4] Paul Hitz, CSsR, “Copiosa Apud Eum Redemptio”, in Readings on Redemption”. Ed. R. Corriveau, CSsR, & A. de Mingo C.Ss.R., Rome: General Secretariat for Redemptorist Sprituality, 2006, p. 91.
[5]“Simple Exposition of the Circumstances of the Passion of Jesus Christ”, in Grimm Ed., Vol. V, p. 206.
[6] Denis McBride, C.Ss.R., Waiting on God. Chawton Hampshire: Redemptorist Publications, 2003, pp. 80-88.
[7] Paul Hitz, “Copiosa Apud Eum Redemptio”, in Readings of Redemption, p. 97.
[8] Ibid., p. 98.
[9] “Instruction V. Mental Prayer in The Dignity and Duties of the Priest or Selva, (Grimm Ed.), Vol. XII, pp. 296-298.