Cầu nguyện là một khía cạnh cơ bản của đời sống Kitô giáo. Chính nhờ lời cầu nguyện mà chúng ta giao tiếp với Chúa, chia sẻ những hy vọng, sợ hãi và đấu tranh của mình, đồng thời tìm kiếm sự hướng dẫn và an ủi trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, chúng ta có thường dừng lại để xem xét việc cầu nguyện đến từ đâu không? Chúng ta xem cầu nguyện như một điều gì đó do chúng ta khởi xướng, hay chúng ta nhận ra rằng trước hết và quan trọng nhất, đó là một món quà từ Thiên Chúa dành cho chúng ta?
Trong phần thứ tư của Sách Giáo lý, Giáo hội bắt đầu dạy về cầu nguyện với tiêu đề “Cầu nguyện như quà tặng của Thiên Chúa”. Lời tuyên bố đơn giản này chỉ ra một chân trời đặc biệt cho hiểu biết của chúng ta về cầu nguyện. Nó nhắc nhở chúng ta rằng lời cầu nguyện không bắt nguồn từ chúng ta, mà từ chính Thiên Chúa. Đó là một món quà quý giá đến từ lòng nhân lành của Thiên Chúa, và là món quà mà chúng ta nên nâng niu và chăm sóc cẩn thận.
Hiểu cầu nguyện là một món quà từ Thiên Chúa là rất quan trọng, bởi vì nó làm nổi bật bản chất thực sự của mối tương quan của chúng ta với Thực Tại thiêng liêng. Nó nhấn mạnh rằng cầu nguyện không phải là một cuộc trò chuyện từ một phía, trong đó chúng ta chỉ nói chuyện với một Thiên Chúa vắng mặt, Đấng có thể đang lắng nghe hoặc không lắng nghe. Đúng hơn, cầu nguyện là cuộc đối thoại giữa hai bên: chúng ta và Thiên Chúa. Chúng ta nói, và Chúa lắng nghe. Chúa nói, và chúng ta lắng nghe. Đó là một cuộc trò chuyện được bắt đầu và duy trì bởi ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Khi chúng ta nhận ra rằng cầu nguyện là một món quà từ Thiên Chúa, nhận thức này sẽ thay đổi cách chúng ta tiếp cận việc cầu nguyện. Chúng ta không còn coi đó là nghĩa vụ hay đòi buộc mà mình phải hoàn thành, nhưng là một cơ hội quý giá để kết nối với Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Chúng ta nhận ra rằng chính hành động cầu nguyện đã là một đặc ân, và chúng ta tiếp cận việc cầu nguyện với lòng tôn kính, lòng biết ơn và sự khiêm nhường.
Hơn nữa, hiểu cầu nguyện như một món quà từ Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta rằng đó không phải là điều chúng ta có thể kiếm được hoặc xứng đáng có được. Chúng ta không thể dùng cách nói những lời đúng đắn hoặc thực hiện những hành động đúng đắn để “thao túng” Thiên Chúa và buộc Ngài đáp lại lời cầu nguyện của mình. Thay vào đó, chúng ta đến với Chúa với con người thật của mình, với tất cả những điều không hoàn hảo và thậm chí là yếu đuối của mình, và tin tưởng rằng Ngài sẽ nghe chúng ta và đáp ứng theo như ý muốn và thời điểm hoàn hảo của Ngài.
Tóm lại, cầu nguyện là một món quà từ Thiên Chúa mà chúng ta nên trân trọng và nâng niu. Chính nhờ lời cầu nguyện mà chúng ta kết nối với Thiên Chúa, tìm kiếm sự hướng dẫn và an ủi của Ngài, đồng thời lớn lên trong mối tương quan của chúng ta với Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện với ý thức rằng đó là một món quà từ Thiên Chúa, chúng ta sẽ tràn đầy cảm giác biết ơn, tôn kính và kính sợ. Chúng ta nhận ra rằng những lời cầu nguyện của chúng ta không phải là những lời nói mà chúng ta nói vào khoảng trống, mà là một cuộc trò chuyện được bắt đầu và duy trì bởi ân sủng và lòng thương xót của Chúa Cha đầy lòng yêu thương của chúng ta.
Duy Thiên