Hôm nay thứ Năm ngày 23/11, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự buổi cầu nguyện cho Hòa bình tại Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.
Sự kiện được tổ chức bởi tổ chức “Solidarity with South Sudan” (Liên đới với Nam Sudan) kết hợp với Văn phòng Công lý và Hoà bình của các tổ chức tôn giáo trên toàn thế giới, mời gọi tất cả mọi Kitô hữu trên toàn thế giới cùng tham gia cầu nguyện cho Hòa bình trên thế giới, đặc biệt là Nam Sudan và Cộng Hòa Dân Chủ Congo, hai cuộc xung đột đã tàn phá các quốc gia mà trong đó hàng triệu người bị buộc phải di tản đang phải chịu đựng những ảnh hưởng của bạo lực và khủng hoảng nhân đạo cực kì khủng khiếp.
Linda Bordoni, cộng tác viên Vatican Radio, đã nói chuyện với ông Michel Roy, Tổng thư ký tổ chức Caritas Quốc tế, một tổ chức viện trợ của Giáo hội Công giáo, về tình hình ở hai quốc gia Châu Phi và đặt câu hỏi với ông rằng tại sao điều quan trọng đó chính là việc nâng cao nhận thức.
Ông Michel Roy chia sẻ rằng điều đó quả thực vô cùng quan trọng để vượt qua sự thờ ơ vốn đã bao trùm nhiều ‘cuộc xung đột đã bị lãng quên’ cũng như những tình huống bất công về kinh tế xã hội khủng khiếp ở nhiều nơi trên thế giới.
“Chúng tôi đã chọn Nam Sudan và Cộng Hòa Dân Chủ Congo làm hai ví dụ điển hình về các dân tộc và các quốc gia đang phải chịu đựng những cuộc xung đột mà họ chẳng bao giờ muốn và chính họ lại là những nạn nhân”, ông Roy nói.
Ông Roy tiếp tục miêu tả những lợi ích chính trị và kinh tế vốn đã châm ngòi cho các cuộc xung đột cũng như tình trạng thiếu an ninh liên tục ở cả hai quốc gia đã khiến cho hàng triệu người phải di tản và phải chịu đựng tất cả những hậu quả của việc di dời đó.
Và với lợi ích của các nước láng giềng và trong nhiều trường hợp của các tổ chức đa quốc gia đang bị đe dọa: “Việc chấm dứt một cuộc chiến tranh một khi nó đã bắt đầu quả thực là một điều cực kì khó khăn”, ông Roy nói.
Ông Roy giải thích rằng nhu cầu của người dân hiện đang rất cao, họ đói, họ cần lương thực và sự trợ giúp y tế, và mặc dù FAO đã khởi động một chương trình nhân đạo nhưng chỉ tài trợ được một phần và hiện đang còn thiếu hụt.
Các trường học và nhà thờ đã bị phá hủy, nhiều thanh niên đã được tuyển một vào các nhóm dân quân và việc thiếu sự hỗ trợ quốc tế có nghĩa là không có hy vọng trong tầm mắt.
“Có một sự cấp thiết về vấn đề nhân đạo – cũng như ở những nơi chẳng hạn như Cộng hòa Trung Phi, Darfur và nhiều quốc gia khác, có một nhu cầu cấp thiết về phản ứng nhân đạo mà cộng đồng quốc tế hiện vẫn chưa sẵn sàng”, ông Roy cho biết.
Ông Roy cũng đã chia sẻ về nhu cầu huy động các chính trị gia ở tất cả các cấp và đồng thời gây sức ép lên cộng đồng quốc tế ” để tìm ra những cách thức nhằm thoát khỏi bi kịch này”.
“Hòa bình có thể đạt được, những đó là một vấn đề về ý chí”, ông Roy nhấn mạnh.
Minh Tuệ chuyển ngữ