Bài Tin Mừng Chúa Nhật 26 Thường Niên B (Lc 16,19-31) chia thành hai phần: (1) dụ ngôn về sự đảo ngược vị trí giữa ông nhà giàu và ông Lazarô nghèo khổ (2) chỉ cần lắng nghe Kinh Thánh là người ta có thể tin và hoán cải.
Tình cảnh của ông nhà giàu và của anh Lazarô khi còn sống ở đời này
Tình cảnh của ông nhà giàu và tình cảnh của anh Lazarô hoàn toàn trái ngược nhau.
Ông nhà giàu có một cuộc sống hết sức sung sướng. Ông sang trọng và lịch sự. Ông xài toàn hàng xịn, ăn mặc toàn lụa là gấm vóc. Ngày ngày ông yến tiệc linh đình. Ông hưởng thụ một cuộc sống tiện nghi và xa hoa. Chắc ông biết có người nghèo ở cửa nhà mình (xem c.24), nhưng ông chẳng làm gì cho người nghèo ấy. Ông chỉ sống cho mình và sống theo những vui thú của mình.
Trái ngược với cuộc sống của ông nhà giàu, người nghèo khó tên Lazarô lại mang một số phận hết sức bi đát và khốn khổ. Anh không chỉ nghèo mạt rệp, mà còn bệnh hoạn tật nguyền, nên không thể lê lết đi quanh mà ăn mày được. Anh chỉ còn đủ sức để nằm bẹp trước cửa ông nhà giàu. Thân thể anh không được che bằng lụa là gấm vóc, mà là bằng hàng đống những mụn ghẻ mưng mủ hôi thối. Anh đói. Đói ghê gớm. Đói đến mức độ thèm được ăn những thứ đồ thừa trên bàn của ông nhà giàu rơi xuống đất. Bên cạnh anh chẳng có bạn bè thân thích, chỉ có những con chó đến liếm ghẻ chốc trên thân thể. Anh bệnh tật, nghèo khổ, nhơ uế, đói khát và thảm thương. Nhưng Đức Giêsu nhắc đến tên của anh (trường hợp duy nhất trong Tin Mừng: một nhân vật trong dụ ngôn mà lại có tên riêng), và là một tên rất ý nghĩa: “Lazarô” có nghĩa là “Thiên Chúa giúp”. Ở tận cùng nỗi bi đát của thân phận anh, vẫn có một niềm tin tưởng mang tên “Thiên Chúa giúp”!
Cái chết ập đến
Đối với sự chết, ông nhà giàu hay anh Lazarô nghèo đều như nhau. Cả hai bình đẳng và cái chết chẳng chừa ra bất cứ người nào.
Nhưng khi cái chết đã đến, số phận và tình cảnh của hai người hoàn toàn đảo ngược. Và bây giờ, tác giả câu chuyện bắt đầu chăm chú kể về tình cảnh của ông nhà giàu một cách chi tiết hơn rất nhiều so với tình cảnh của anh Lazarô. Tất nhiên đây không phải là bản tả thực về tình hình của thế giới bên kia, nhất là về phương diện không gian.
Anh Lazarô được đưa vào lòng ông Abraham, tức là anh được ban cho một vị trí danh dự gần bên ông Abraham trong bàn tiệc thiên thai (x. 13,28). Anh Lazarô nghèo khổ, kẻ nằm lê lết trước cổng của ông nhà giàu và chỉ có mấy con chó đến liếm mụn ghẻ mà làm bạn, bây giờ được có một chỗ danh dự bên cạnh tổ phụ Abraham, tức là trong sự hiệp thông tin tưởng và tâm tình với tổ phụ.
Còn tình cảnh của ông nhà giàu thật hết sức bi đát. Có hai yếu tố chứng tỏ một cách rõ ràng sự đảo ngược số phận của ông ta. Xưa ông toàn ăn vận lụa là gấm vóc, sang trọng vô cùng; nay bao quanh ông là những ngọn lửa cháy rát thiêu đốt. Xưa ông toàn yến tiệc linh đình, ăn uống thỏa thuê; nay ông van xin chỉ một giọt nước mà cũng không thể được. Xưa anh Lazarô đói lả những thèm thuồng đến bi thảm những thứ rơi vãi dưới chân bàn tiệc của ông, mà nào ông có cho! Nay ông chỉ ước ao được một giọt nước nhỏ từ ngón tay anh Lazarô, nhưng chẳng thể được! Xưa ông chỉ biết tận hưởng cuộc sống giàu sang thừa mứa, không quan tâm gì đến những người nghèo khổ ngay trước ngưỡng cửa nhà mình; nay ông bị loại ra ngoài không được hiệp thông với tổ phụ Abraham và với chính Thiên Chúa.
Ông nhà giàu kêu xin tổ phụ Abraham. Tổ phụ trả lời: ““Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lazarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lazarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (c.25). Tổ phụ Abraham gọi ông nhà giàu: “Con ơi!”, tức là cụ công nhận ông ta thuộc dòng dõi của cụ. Hóa ra tư cách là người Do Thái hậu duệ của tổ phụ Abraham không hề làm thay đổi được số phận bi thảm của ông nhà giàu này.
Hãy đọc Kinh Thánh
“Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Lazarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!”.
Câu chuyện chuyển hướng. Nhưng sẽ là vô ích nếu chúng ta tìm cách đánh giá sự quan tâm của ông nhà giàu ích kỷ này đối với năm người anh em còn sống trên trần gian của ông. Đây chỉ là một kỹ thuật kể chuyện để chuyển cuộc đối thoại trở lại lãnh vực cuộc sống trần thế.
Ông nhà giàu muốn anh Lazarô làm gì? Nói cho anh em ông ta giáo huấn của Thiên Chúa ư? Nhưng đã có lời của Môsê và các ngôn sứ! Kể cho họ về số phận bi đát của ông nhà giàu ở thế giới bên kia ư? Hay chỉ đơn giản là để cho mấy người còn sống biết rằng có thế giới bên kia?
Nhưng lời xin thứ hai này của ông nhà giàu cũng bị từ chối. “Ông Abraham đáp: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (c.29).
Một cách hết sức tích cực, giá trị thường hằng của Kinh Thánh được khẳng định. Kinh Thánh chứa lời dạy bảo cần thiết và hữu hiệu để nhận biết thánh ý Thiên Chúa và đi vào cõi phúc lạc vĩnh cửu của Người. Kinh Thánh nói rõ trách nhiệm xã hội của ông nhà giàu đối với những người nghèo, và đó là thánh ý Thiên Chúa. Ông nhà giàu đã coi thường thánh ý Thiên Chúa; ông đã chẳng hề quan tâm đến Thiên Chúa, mà chỉ tìm thỏa mãn chính mình và những thú vui của mình. Vì thế, ông không thể đạt tới hạnh phúc quyết định, chung cục và đích thực của cuộc sống.
Lời của tổ phụ Abraham ở các câu 29 và 31 còn có giá trị trả lời cho vấn đề làm thế nào để tránh số phận bi đát của ông nhà giàu trong câu chuyện. Câu trả lời thật đơn giản: sám hối và mở lòng mình ra cho Thiên Chúa, Đấng nói lời của Người trong Thánh Kinh, và vâng phục những giáo huấn của Người. Phần cuối của câu chuyện cho thấy một mối nguy hiểm lớn lao của sự giàu có: đóng kín tâm hồn con người ta trước những yêu sách của Thiên Chúa.
Dù sao, dụ ngôn cũng kết thúc với một sứ điệp tích cực: cần phải tin nhận Kinh Thánh và cần phải hối cải để khỏi bị kết án. Những phép lạ cả thể, ví như người chết sống lại, cũng sẽ chẳng đem lại ích lợi gì cho người ta nếu họ không sử dụng những phương thế Thiên Chúa ban cho mình.
Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT